Thứ Năm, 28 tháng 5, 2020

 Mối nguy thôn tính

Từ thôn tính xưa được hiểu là hành vi xâm chiếm đất đai, lãnh thổ của nước khác nhằm chiếm lấy làm của mình.

Ngày nay trong hoạt động kinh tế, nền kinh tế thị trường cũng có từ thôn tính. Đó là hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A). Những nhà đầu tư có tiềm lực vốn sẵn sàng bỏ tiền ra để mua lại, thâu tóm những doanh nghiệp đang khó khăn về kinh doanh, thiếu nguồn tài chính, yếu trong quản trị hay mở rộng quy mô…

Sau đại dịch Covid-19, nhiều chuyên gia dự báo sẽ có sự chuyển dịch nguồn vốn đầu tư khủng tại nhiều quốc gia. Với thành công và uy tín trong phòng chống dịch bệnh vừa qua, Việt Nam được dự báo sẽ trở thành địa điểm chuyển hướng đầu tư tin cậy, an toàn. Mua bán, thâu tóm doanh nghiệp nội là một trong những đích ngắm yêu thích của nhà đầu tư nước ngoài.
Cùng với niềm vui trước cơ hội thì vẫn còn những mối lo không thể xem thường khi mua bán thực sự là thôn tính!
Năm trước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có cảnh báo một số hệ luỵ từ sự gia tăng đáng kể đầu tư FDI của Trung Quốc. Bộ này cho biết do áp lực thay đổi, nâng cấp công nghệ của Trung Quốc có thể dẫn tới sự dịch chuyển của dòng vốn FDI chất lượng thấp, công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, các nhà đầu tư từ Trung Quốc sẽ gia tăng các hoạt động M&A dẫn tới nguy cơ nhiều doanh nghiệp Việt sẽ bị thâu tóm, thôn tính, thông qua mua bán cổ phần...


Ven biển Đà Nẵng, gần khu vực sân bay Nước Mặn đầy rẫy những nàh hàng do người Trung Quốc làm chủ

Nếu nhà đầu tư đưa vào những công nghệ tiên tiến và tìm kiếm lợi nhuận từ năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh doanh thì quá tốt. Tuy nhiên, đây đó đã manh nha việc doanh nghiệp nội bị biến thành nơi lắp ráp sản phẩm từ nước ngoài đưa sang rồi dán nhãn made in Vietnam nhằm hưởng lợi xuất xứ để xuất khẩu. Vụ Công ty Asanzo, Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu VN năm trước là những ví dụ.
Ngoài ra, hoạt động mua bán, thu gom đất đai (cả đất của tư nhân và doanh nghiệp) cũng có dấu hiệu không thể xem thường. Tình trạng người nước ngoài né luật, nhờ người Việt đứng tên mua gom đất tại một số địa phương không còn cá biệt. Theo Bộ Quốc phòng, đến cuối năm 2019 có 149 doanh nghiệp có yếu tố Trung Quốc đang hoạt động ở khu vực biên giới của 22 tỉnh, thành (biên giới đất liền 24 doanh nghiệp, biên giới biển 125 doanh nghiệp). Tại Đà Nẵng, khu vực biên giới biển của thành phố này có 134 lô, 1 thửa đất liên quan đến cá nhân, doanh nghiệp người Trung Quốc…
Nguy cơ hoạt động của cá nhân, doanh nghiệp nước ngoài ngay trong lãnh thổ mà ta không thể kiểm soát đang dần hiện hữu. Việc xây miếu thờ của Formosa tại Hà Tĩnh; tổ chức một tụ điểm cờ bạc giá trị nghìn tỉ, hàng trăm người tham gia tại Hải Phòng; rồi doanh nghiệp xây dựng cả hình tượng lưỡi bò trong khu vực đầu tư… tuy là những vụ việc đơn lẻ nhưng cảnh báo những nguy cơ khôn lường với an ninh đất nước.
Đã đến lúc các cơ quan quản lí nhà nước cần nghiên cứu ban hành bổ sung các luật, quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn chặt chẽ, đầy đủ để thanh lọc, làm sạch dòng chảy FDI, đặc biệt là phòng ngừa những hiểm họa với an ninh quốc gia./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi tháng 5 năm 2020

Thứ Tư, 27 tháng 5, 2020

 Cần chấn chỉnh mua sắm công

Vụ gian lận trục lợi từ việc mua bán thiết bị y tế tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội xảy ra giữa những ngày cả nước đang chống đại dịch Covid-19 khiến dư luận bức xúc. Đây cũng như sự nhắc nhở rằng có một “mảnh đất” đang bị buông lỏng, đó là mua sắm công.
Các đây chưa lâu dư luận cả nước được chứng kiến một vụ án tương tự, đó là việc Mobifone mua cổ phần của AVG. Trước sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, sự vào cuộc của các cơ quan kiểm tra, thanh tra thì mấy quan chức liên quan đã có những động thái nhằm thoát tội như công bố hủy thương vụ giao dịch, trả lại tiền... Tuy nhiên, kết quả như thế nào đến nay mọi người đã rõ.
Vừa qua, sau khi lãnh đạo Hà Nội phát biểu công khai vụ nâng khống giá máy xét nghiệm để trục lợi tại CDC thành phố và cho rằng có liên quan đến một số địa phương khác, lập tức tại nhiều tỉnh thành cũng đã diễn ra những động thái “na ná” vụ AVG. Tỉnh Thái Bình mua máy 6,48 tỉ đồng thì bỗng doanh nghiệp trúng thầu hưởng ứng lời kêu gọi toàn dân đóng góp chống dịch của MTTQ tỉnh nên đã đồng ý giảm giá xuống còn lại là 5,85 tỉ đồng! Còn tại Hải phòng dư luận cho rằng thành phố đã trang bị máy xét nghiệm Covid-19 giá tới gần 10 tỉ đồng nhưng bà Giám đốc Sở Y tế địa phương thanh minh rằng đang dùng máy chống dịch từ tháng 3 là được Công ty TNHH Y tế Phương Đông “cho mượn”! Còn tại Quảng Nam, gói thầu mua sắm hệ thống xét nghiệm Real-time PCR tự động có giá từ 7,2 tỉ đồng “bỗng dưng” được công ty nhanh chóng đồng ý giảm giá xuống còn 4,8 tỉ đồng... Trong khi đó, tại một số địa phương đã mua hoặc được doanh nghiệp tặng máy xét nghiệm tương tự giá chỉ từ 1,45 đến gần 2 tỉ đồng…


Hệ thống Realtime PCR đang hoạt động tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình được mua với giá gần 6 tỉ đồng. Ảnh: Thanh niên

Một số ý kiến thanh minh vẻ “hiểu sâu” hơn về kĩ thuật cho rằng do công suất xét nghiệm, cấu hình máy khác nhau nên giá chênh lệch là lẽ tự nhiên.
Trong thời đại mạng thông tin thông suốt toàn cầu và công nghệ quản lí hiện đại của các cơ quan, doanh nghiệp hiện nay, không quá khó nếu muốn thẩm định giá cả bất kì mặt hàng nào. Chẳng hạn, chỉ cần cơ quan chức năng xin một báo giá của hãng sản xuất từ nước ngoài hoặc đơn giản là tra soát lại hồ sơ nhập khẩu hải quan sẽ có thể biết chính xác trị giá của từng loại máy móc đã mua.
Việc đầu tư, mua sắm thiết bị y tế lâu nay đang được các cơ quan, địa phương tự do thực hiện theo ý chí chủ quan, không có tiêu chí chuẩn của cơ quan chủ quản, chẳng hạn như giá cả, công suất, định mức, tiêu chuẩn… Việc định giá, đấu thầu nhiều khi chỉ là hình thức hoặc là “hợp thức”. Mua sắm công nếu không được quản lí nghiêm túc, chặt chẽ sẽ mãi là mảnh đất để những “nhóm lợi ích” rút ruột tiền ngân sách.
Dư luận mong chờ sự quyết tâm và khẩn trương vào cuộc đến cùng của cơ quan chức năng các địa phương, trung ương. Nếu chậm trễ, rất có thể những sai phạm trong mua sắm thiết bị y tế vừa qua rồi sẽ được “hợp thức hóa”./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 28 tháng 5 năm 2020

Thứ Ba, 26 tháng 5, 2020

Hậu họa từ những cán bộ “gù lành lặn”

Khom lưng quỳ gối trước kẻ mạnh, trước uy quyền thường được người xưa coi là kẻ hèn hạ và đáng thương, là người khiếm khuyết về nhân cách. Đối lập với họ là những người thẳng ngay, cương trực, không bao giờ quy phục trước uy quyền.


Gần đây mọi người được chứng kiến những hình ảnh lạ khi kết thúc phiên tòa tại Hòa Bình xét xử sơ thẩm 15 bị cáo vụ tiêu cực thi cử tại tỉnh Hòa Bình năm 2018. Từ nơi xét xử bước ra sảnh, xen giữa nhiều sắc phục công an gương mặt đăm chiêu là một số người mặc thường phục (có lẽ là người thân, bạn bè của các bị cáo) mặt rạng ngời, hồ hởi vẫy tay. Không hiểu những nụ cười đó vì điều gì, phải chăng họ vừa giành được thắng lợi!?
Tuy nhiên, có lẽ ấn tượng nhất, cũng là điều đáng buồn nhất tại phiên tòa này lại là câu nói của cựu Phó Trưởng phòng Khảo thí Diệp Thị Hồng Liên: “Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật”! Có lẽ ý bà này muốn nói đa số những người quanh bà đều làm sai nên bà ta không thể một mình làm khác và sự gù lưng chính là “lành lặn”?
Không biết sau khi nghe được câu này, đội ngũ cán bộ, công chức ngành giáo dục Hòa Bình có buồn, thậm chí phẫn nộ? Nếu đúng như ý của bà cựu Phó Trưởng phòng nói thì xung quanh bà có không ít người “gù lành lặn”! Tôi thì không tin như vậy, bởi trong mỗi tập thể, một cơ quan, đơn vị bao giờ cũng có người tốt và tồn tại một vài người hèn, kẻ xấu. Bởi vậy chắc chắn tại địa phương này vẫn còn những người “khuyết tật thẳng lưng”, không luồn cúi! Có thể một “nhóm lợi ích” rắp tâm làm trái luật pháp để trục lợi chiếm số đông nhưng cũng sẽ còn người không bán rẻ lương tâm, đạo đức, luôn ngay thẳng, chỉ có điều họ chưa đủ điều kiện để chống lại cái xấu.
Hiện nay các cấp đang tiến hành đại hội Đảng nhiệm kì 2020-2025 hướng tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Một công tác then chốt của đại hội các cấp là lựa chọn được những cán bộ có đạo đức, tài năng, ngay thẳng và hết lòng vì sự nghiệp xây dựng đất nước. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã nêu 27 biểu hiện cụ thể của những suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” như những tiêu chí đối chiếu để mỗi cán bộ đảng viên, mỗi tổ chức Đảng tự kiểm tra, tự đánh giá.
Những người gù lưng “lành lặn” như lời cựu cán bộ ngành giáo dục trên đề cập cũng nằm trong các biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống cần được sàng lọc, vạch mặt, chỉ tên. Nếu họ lại lọt vào làm người lãnh đạo, người chủ trì nhiệm kì tới sẽ nguy cơ tạo nên những nhóm “gù lành lặn”, bắt tay cùng nhau làm trái, là mối hậu họa khôn lường với Đảng, với dân và đất nước!/.
 Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 27 tháng 5 năm 2020

Thứ Năm, 21 tháng 5, 2020

 Mượn của công, trả là xong?

Lâu nay người ta hay nhắc mấy thứ tài sản công thường bị chiếm dụng, chây ỳ mượn không trả như đất công, xe công, nhà công…
Có một thứ tài sản công khác cũng đã và đang bị lợi dụng, chiếm dụng, đó là du học… công. Tức là chính quyền địa phương chọn ứng viên tiềm năng (thường là con cháu lãnh đạo, cán bộ chủ trì) dùng tiền ngân sách đầu tư cho họ du học hành tại nước ngoài, sau đó trở về phục vụ quê hương. Việc chi phí du học thường khá tốn kém. Những lãi lỗ trong việc đầu tư này thường khó định lượng, nhưng dù sao đó cũng là sự đầu tư đáng làm vì tương lai.


Việc dùng ngân sách cho học sinh, cán bộ đi học tập, đào tạo ở nước ngoài là việc làm được thực hiện từ những năm kháng chiến. Khi đó các sinh viên, cán bộ được cử đi đào tạo đều trở về cống hiến, phục vụ Tổ quốc. Nhiều thế hệ “du học” xuất hiện những cán bộ, nhà khoa học tài năng, đức độ cống hiến xứng đáng cho đất nước.
Ngày nay đã có những thay đổi trong tư duy của người được cử đi du học, nhất là khi môi trường làm việc và nguồn thu nhập tại nước ngoài có thể vượt trội so với trong nước. Vậy là không ít người được cử đi du học bằng tiền công chấp nhận đền bù vốn đầu tư để ở lại nước ngoài, coi nguồn đó như một thứ họ “mượn tạm” mà thôi. Tình trạng này đã xảy ra tại một số địa phương như Đà Nẵng, Cần Thơ mấy năm trước.
Gần đây nhất dư luận tỉnh Quảng Ngãi đang xôn xao chuyện con của 4 quan chức được cử đi du học hết 10 tỉ nhưng “một đi không trở lại” và mới trả tổng cộng có… 1 tỉ đồng.
Có lẽ rút kinh nghiệm vụ 12 quan chức chây ì nhà công không chịu trả gần đây, danh sách 4 quan chức có con sử dụng tiền ngân sách đi học không về được tiết lộ và báo chí công khai gồm các ông Huỳnh Chánh, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh; Nguyễn Chín, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Phạm Thanh Hải, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Phạm Tấn Hoàng, Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi.
Nhìn vào thân nhân 4 trường hợp được nhận kinh phí đào tạo để đi du học nước ngoài thì rõ ràng họ toàn là những “hạt giống quý” vì cha, mẹ là những người đã và đang có “vai vế” ở địa phương. Thế nhưng trái với cam kết học xong phải về quê hương phục vụ, cũng là để nối nghiệp truyền thống gia đình, họ lại chọn cách… “một đi không ngoảnh lại”, dù phải bồi hoàn kinh phí.
Nhiều người người bày cho rằng với số tiền đó, nếu đầu tư cho những trường hợp học sinh thực sự tài giỏi khác không phải “con ông cháu cha” thì rất có thể Quảng Ngãi đã có thêm những người tài đức quay về xây dựng quê hương. Nay thì như chuyện “thả gà ra đuổi”, chính quyền đã phải đánh công văn để đòi tiền trong suốt 2 năm qua.
Không biết sau những vụ việc như thế này, người có liên quan có phải kiểm điểm, quy rõ trách nhiệm và người được cử đi học có chế tài nào nữa ràng buộc?
Nếu cứ theo cách quản lí cũ, trả đủ tiền là xong thì chính sách nhân văn này sẽ mãi là mảnh đất để người ta trục lợi!/.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi tháng 5 năm 2020

Thứ Tư, 13 tháng 5, 2020

 Nếu bị can im lặng?

Cách đây chưa lâu tại diễn đàn Quốc hội, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an đã từng thẳng thắn thừa nhận, hiện có thực trạng đáng buồn là khá nhiều điều tra viên chỉ nhăm nhăm vào lời khai của nghi can, rồi tìm chứng cứ, tài liệu cho phù hợp với lời khai đó để chứng minh họ có tội.

Theo ông, đây là lỗi cơ bản, sơ đẳng không được phép mắc phải, bởi bất cứ điều tra viên nào cũng đã từng được dạy rất kĩ khi còn ngồi trên ghế các trường công an: Khi phá án phải trọng chứng, không trọng cung.
Đây cũng chính là những nguyên nhân dẫn đến không ít vụ án bị làm sai lệch hồ sơ, nội dung vụ án bị thay đổi, dẫn đến oan, sai cho người vô tội. Vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận... là những ví dụ đau lòng của việc cẩu thả, bừa bãi, làm sai quy trình tố tụng của điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán.  
Trong quy định của luật quốc tế cũng như pháp luật ở nhiều quốc gia, quyền im lặng được thừa nhận là một trong các quyền con người, thành tố thiết yếu thiết lập nên phiên tòa công bằng. Công ước của Liên Hợp Quốc về các quyền dân sự và chính trị 1966 (ICCPR) quy định, một người không thể bị buộc để cho lời khai chống lại mình hoặc nhận mình có tội. Cho đến nay, ICCPR đã có 172 thành viên tham gia là các quốc gia và vùng lãnh thổ. 
Tại Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, lần đầu tiên quyền im lặng của bị can, bị cáo được ghi nhận, thể hiện gián tiếp qua một số điều luật, như điểm d Khoản 2 Điều 60 và điểm h Khoản 2 Điều 61 Bộ luật Tố tụng hình sự, bị can, bị cáo có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội. Khi đó, cơ quan tiến hành tố tụng không có quyền ép buộc họ phải khai báo bằng các biện pháp không hợp pháp. Việc bị can, bị cáo không trả lời những điều bất lợi cho bản thân sẽ không bị coi là tình tiết tăng nặng.
Những điều này không thể “gây khó” cho cơ quan điều tra nếu mỗi điều tra viên làm đúng quy trình, “lành nghề”, thực sự có tâm và trung thực. Nó cũng nhằm nhắc cơ quan hành pháp thực sự coi trọng chứng cứ hơn lời khai.
Trong văn học dân gian nhiều người biết đến tích chuyện oan Thị Kính. Khi người chồng tỉnh giấc bỗng phát hiện vợ với con dao đang kề cổ mình, trong án hình sự thì đây đã có đủ tang chứng, vật chứng. Thực ra Thị Kính khi nhìn thấy chiếc râu mọc ngược trên cằm chồng chỉ có ý định cắt nó đi. Tang chứng có đủ mà chưa chắc đã đúng những gì nhìn thấy, huống chi tang chứng, vật chứng mơ hồ?
Nếu ai theo dõi, đọc kĩ nội dung kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao trong vụ án Hồ Duy Hải vừa qua và thử đặt câu hỏi: Nếu bị can này im lặng, không khai ra những điều được coi là phù hợp với diễn biến hành động tội ác trong vụ án thì Tòa án dựa vào chứng cứ nào để kết tội, thậm chí cả suy luận có tội?/.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi tháng 5 năm 2020

Thứ Năm, 7 tháng 5, 2020

Tự hào dùng hàng Việt

Hôm trước ông bạn tôi chia sẻ việc được ông thông gia đi du lịch châu Âu về tặng chiếc áo: “Tôi tưởng áo của hãng thời trang châu Âu nào cơ, hóa ra là hàng Made in Vietnam. Có lẽ ông ấy cũng chẳng biết và tôi đoán chắc giá cũng không rẻ như mua trong nước!”.
Không rõ chất lượng chiếc áo thế nào nhưng tôi cũng động viên ông bạn: “Hàng của ta nhưng vào được thị trường châu Âu chắc chắn phải đạt tiêu chuẩn của họ. Mà đã đạt chuẩn châu Âu thì sản xuất ở đâu chẳng thế”!
Tôi rất tâm đắc với phát ngôn của nữ doanh nhân ngành dệt may trên một chương trình truyền hình: “Nay ta không nên dùng cụm từ người Việt ưu tiên dùng hàng Việt mà phải nói người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam!”.
Ngẫm lại mới thấy người Việt ta đã giữ những định kiến không tốt về hàng nội từ bao giờ, nay đã đến lúc cần thay đổi. Không chỉ hàng da giày, dệt may, hiện nay nhiều mặt hàng thủy hải sản của ta đã có mặt tại các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Australia. Nông sản thì cà phê, hồ tiêu, hạt điều… cũng chiếm thị phần quan trọng và chinh phục được người tiêu dùng nhiều châu lục. Sau vú sữa, nhãn, vải, thanh long và chôm chôm, năm ngoái xoài là loại trái cây thứ 6 của Việt Nam được Mỹ cho phép nhập khẩu. Nhiều loại rau, trái cây của ta cũng đã thâm nhập thị trường Australia, Nhật Bản…


Quả vải thiều Việt Nam đã có mặt tại nhiều thị trường khó tính trên thế giới

Có lẽ một thời đất nước khó khăn, hầu hết mặt hàng tiêu dùng trong nước đều thiếu thốn, chất lượng kém đã hình thành tâm lí tự ti, coi hàng ngoại nhập đều là hàng tốt hơn.
Trong nền sản xuất hiện đại, chất lượng hàng hóa được căn cứ vào tiêu chuẩn do cơ quan quản lí mỗi quốc gia đặt ra. Nền sản xuất càng phát triển hiện đại thì tiêu chuẩn càng cao. Các doanh nghiệp căn cứ tiêu chuẩn để sản xuất và hướng tới vượt cao hơn quy định, khi đó họ sẽ tạo được uy tín thương hiệu và định ra giá trị cho sản phẩm lưu thông trên thị trường. Chính vì vậy, những thương hiệu có uy tín, sản phẩm của họ luôn có giá cao hơn hẳn sản phẩm cùng loại của doanh nghiệp khác, dù chất liệu, cách thức tạo ra giống nhau.
Hiện nay có thực trạng một số doanh nghiệp dùng tiêu chuẩn “kép”, họ ưu tiên chất lượng sản phẩm xuất khẩu hơn so với sản phẩm tiêu thụ trong nước. Chính vì vậy khi hàng tiêu thụ trong nước “lọt” ra nước ngoài sẽ lập tức bị “tuýt còi”. Câu chuyện chai tương ớt Chin su của Masan khi xuất hiện tại Nhật Bản đã bị cơ quan quản lí nước này phát hiện không bảo đảm an toàn thực phẩm là một ví dụ.
Bạn thử nghĩ xem, với một gói mì ăn liền chỉ có giá 3.500 đồng (gồm cả chi phí bao gói rất đẹp) liệu có bảo đảm chất lượng, dinh dưỡng? Nhiều mặt hàng như mì khô, nước chấm, tương ớt, gia vị… trên thị trường trong nước đang có giá rất rẻ.
Đã đến lúc các doanh nghiệp cần coi trọng người tiêu dùng trong nước bằng tiêu chuẩn cao, chất lượng tốt và an toàn. Khi thị trường 100 triệu dân có suy nghĩ tự hào được dùng hàng Việt, đây sẽ là nguồn khách hàng tiềm năng lớn với mọi doanh nghiệp./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 8 tháng 5 năm 2020

Thứ Tư, 6 tháng 5, 2020

 Gương mặt công lí

Xưa nay khi ngôi làng có được ông Thành hoàng hay một nghề truyền thống có ông Tổ nghề thì người ta rất tự hào vì có thần linh, tiên tổ để thờ phụng và răn dạy các thế hệ.
Phải chăng từ suy nghĩ đó mà ngành tòa án cũng đang tìm xây một ông tổ nghề “cầm cân nảy mực”?


Ảnh minh họa

Câu chuyện Tòa án Nhân dân tối cao lấy ý kiến chọn mô hình tượng Lý Thái Tông làm biểu tượng công lí đang làm dư luận xôn xao. 
Lí do được biết là vì vua Lý Thái Tông đã ban hành luật Hình thư - bộ luật chính thức thành văn đầu tiên trong lịch sử Việt Nam; rồi ông cho đúc chuông để người dân có oan ức thì đến đánh, bày tỏ lên Hoàng đế; ông cũng rèn dạy, tin giao toàn bộ việc xử kiện và đào tạo Khai Hoàng Vương trở thành vị quan xử án mẫu mực trước khi lên ngôi Hoàng đế… Nhìn những bức tượng mẫu đang lấy ý kiến tôi thấy “dáng dấp” của tượng vua Lý Thái Tổ, có chăng chỉ khác là tay trái ông được đặt chiếc cân, tay phải thay chiếu dời đô bằng cuốn sách luật, còn bên hông thì cài thêm thanh gươm!
Tuy nhiên, chọn một gương mặt cá nhân làm biểu tượng cho công lí xem ra có gì đó… sai sai.
Để một câu chuyện, một vụ án tìm được công lí cần có nhiều yếu tố. Yếu tố nền tảng trước tiên là nền pháp luật văn minh, khoa học và hiện đại. Có được điều này phải là công sức của thể chế, hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước. Tiếp đến là công việc của cơ quan hành pháp như Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án. Các cơ quan này phải thực sự trách nhiệm, công tâm thì mới mang lại công lí. Ví như vụ án Đường “Nhuệ” ở Thái Bình hiện nay, khi tội phạm hành hung người dân ngay tại trụ sở cơ quan công an mà không thể tìm ra thủ phạm thì có thể coi công lí đã bị loại ngay từ vòng… “gửi xe”! Hay như việc ông Phạm Sĩ Chiến, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao “ăn” cả nghìn đô la trong vụ án Năm Cam để đình chỉ vụ án? Vậy còn đâu cơ hội cho ngành tòa án nâng lên chiếc cân công lí?

3 mẫu phác thảo tượng Lý Thái Tông  
Ảnh: TAND Tối cao

Trong phim ảnh nhiều người biết đến hình tượng Bao Công bên Trung Quốc như một mẫu mực trong bảo vệ công lí cho muôn dân, bất chấp uy quyền. Thế nhưng Bao Công không chỉ là một ông quan tòa, trong tay ông cũng có một “cơ quan” điều tra điêu luyện gồm Chiển Chiêu, Trương Long, Triệu Hổ. Ngoài ra còn có một kiểm sát viên kiêm thư kí tòa Công Tôn Sách thông minh, chính trực…  
Để giáo dục, xây dựng và kế thừa truyền thống cho cán bộ, công chức có rất nhiều cách chứ đâu cần đắp dựng những tượng đài, nhất là bức tượng na ná đâu đó, ngô nghê chẳng toát lên được điều muốn nói.
Bác Hồ từng là “quan tòa” xét xử cuối cùng trong vụ án Trần Dụ Châu năm xưa. Mong ngành tòa án hãy đẩy mạnh cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Người. Một trong những phong cách, đức tính quý giá của Bác là thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Chủ trương dựng tượng tiêu tốn ngân sách hàng tỉ đồng giữa lúc đất nước đang khó khăn thế này đã là không noi theo tấm gương của Bác, nói gì đến học một tấm gương “mờ mờ nhân ảnh” từ nghìn năm trước?/.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 7 tháng 5 năm 2020