Mượn của công, trả là xong?
Lâu nay người ta hay nhắc mấy thứ tài sản công
thường bị chiếm dụng, chây ỳ mượn không trả như đất công, xe công, nhà công…
Có một thứ tài sản công khác cũng đã và đang bị lợi
dụng, chiếm dụng, đó là du học… công. Tức là chính quyền địa phương chọn ứng
viên tiềm năng (thường là con cháu lãnh đạo, cán bộ chủ trì) dùng tiền ngân
sách đầu tư cho họ du học hành tại nước ngoài, sau đó trở về phục vụ quê
hương. Việc chi phí du học thường khá tốn kém. Những lãi lỗ trong việc đầu tư
này thường khó định lượng, nhưng dù sao đó cũng là sự đầu tư đáng làm vì
tương lai.
Việc dùng ngân sách cho học sinh, cán bộ đi học tập,
đào tạo ở nước ngoài là việc làm được thực hiện từ những năm kháng chiến. Khi
đó các sinh viên, cán bộ được cử đi đào tạo đều trở về cống hiến, phục vụ Tổ
quốc. Nhiều thế hệ “du học” xuất hiện những cán bộ, nhà khoa học tài năng,
đức độ cống hiến xứng đáng cho đất nước.
Ngày nay đã có những thay đổi trong tư duy của người
được cử đi du học, nhất là khi môi trường làm việc và nguồn thu nhập tại nước
ngoài có thể vượt trội so với trong nước. Vậy là không ít người được cử đi du
học bằng tiền công chấp nhận đền bù vốn đầu tư để ở lại nước ngoài, coi nguồn
đó như một thứ họ “mượn tạm” mà thôi. Tình trạng này đã xảy ra tại một số địa
phương như Đà Nẵng, Cần Thơ mấy năm trước.
Gần đây nhất dư luận tỉnh Quảng Ngãi đang xôn xao
chuyện con của 4 quan chức được cử đi du học hết 10 tỉ nhưng “một đi không
trở lại” và mới trả tổng cộng có… 1 tỉ đồng.
Có lẽ rút kinh nghiệm vụ 12 quan chức chây ì nhà
công không chịu trả gần đây, danh sách 4 quan chức có con sử dụng tiền ngân
sách đi học không về được tiết lộ và báo chí công khai gồm các ông Huỳnh Chánh, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh; Nguyễn
Chín, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Phạm Thanh Hải, nguyên Trưởng Ban
Tuyên giáo Tỉnh ủy; Phạm Tấn Hoàng, Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi.
Nhìn vào thân nhân 4 trường hợp được nhận kinh phí
đào tạo để đi du học nước ngoài thì rõ ràng họ toàn là những “hạt giống quý” vì
cha, mẹ là những người đã và đang có “vai vế” ở địa phương. Thế nhưng trái
với cam kết học xong phải về quê hương phục vụ, cũng là để nối nghiệp truyền
thống gia đình, họ lại chọn cách… “một đi không ngoảnh lại”, dù phải bồi hoàn
kinh phí.
Nhiều người người bày cho rằng với số tiền đó, nếu
đầu tư cho những trường hợp học sinh thực sự tài giỏi khác không phải “con
ông cháu cha” thì rất có thể Quảng Ngãi đã có thêm những người tài đức quay
về xây dựng quê hương. Nay thì như chuyện “thả gà ra đuổi”, chính quyền đã phải
đánh công văn để đòi tiền trong suốt 2 năm qua.
Không biết sau những vụ việc như thế này, người có
liên quan có phải kiểm điểm, quy rõ trách nhiệm và người được cử đi học có
chế tài nào nữa ràng buộc?
Nếu cứ theo cách quản lí cũ, trả đủ tiền là xong thì
chính sách nhân văn này sẽ mãi là mảnh đất để người ta trục lợi!/.
Đinh
Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi
tháng 5 năm 2020
|
Thứ Năm, 21 tháng 5, 2020
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét