Thứ Tư, 6 tháng 5, 2020

 Gương mặt công lí

Xưa nay khi ngôi làng có được ông Thành hoàng hay một nghề truyền thống có ông Tổ nghề thì người ta rất tự hào vì có thần linh, tiên tổ để thờ phụng và răn dạy các thế hệ.
Phải chăng từ suy nghĩ đó mà ngành tòa án cũng đang tìm xây một ông tổ nghề “cầm cân nảy mực”?


Ảnh minh họa

Câu chuyện Tòa án Nhân dân tối cao lấy ý kiến chọn mô hình tượng Lý Thái Tông làm biểu tượng công lí đang làm dư luận xôn xao. 
Lí do được biết là vì vua Lý Thái Tông đã ban hành luật Hình thư - bộ luật chính thức thành văn đầu tiên trong lịch sử Việt Nam; rồi ông cho đúc chuông để người dân có oan ức thì đến đánh, bày tỏ lên Hoàng đế; ông cũng rèn dạy, tin giao toàn bộ việc xử kiện và đào tạo Khai Hoàng Vương trở thành vị quan xử án mẫu mực trước khi lên ngôi Hoàng đế… Nhìn những bức tượng mẫu đang lấy ý kiến tôi thấy “dáng dấp” của tượng vua Lý Thái Tổ, có chăng chỉ khác là tay trái ông được đặt chiếc cân, tay phải thay chiếu dời đô bằng cuốn sách luật, còn bên hông thì cài thêm thanh gươm!
Tuy nhiên, chọn một gương mặt cá nhân làm biểu tượng cho công lí xem ra có gì đó… sai sai.
Để một câu chuyện, một vụ án tìm được công lí cần có nhiều yếu tố. Yếu tố nền tảng trước tiên là nền pháp luật văn minh, khoa học và hiện đại. Có được điều này phải là công sức của thể chế, hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước. Tiếp đến là công việc của cơ quan hành pháp như Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án. Các cơ quan này phải thực sự trách nhiệm, công tâm thì mới mang lại công lí. Ví như vụ án Đường “Nhuệ” ở Thái Bình hiện nay, khi tội phạm hành hung người dân ngay tại trụ sở cơ quan công an mà không thể tìm ra thủ phạm thì có thể coi công lí đã bị loại ngay từ vòng… “gửi xe”! Hay như việc ông Phạm Sĩ Chiến, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao “ăn” cả nghìn đô la trong vụ án Năm Cam để đình chỉ vụ án? Vậy còn đâu cơ hội cho ngành tòa án nâng lên chiếc cân công lí?

3 mẫu phác thảo tượng Lý Thái Tông  
Ảnh: TAND Tối cao

Trong phim ảnh nhiều người biết đến hình tượng Bao Công bên Trung Quốc như một mẫu mực trong bảo vệ công lí cho muôn dân, bất chấp uy quyền. Thế nhưng Bao Công không chỉ là một ông quan tòa, trong tay ông cũng có một “cơ quan” điều tra điêu luyện gồm Chiển Chiêu, Trương Long, Triệu Hổ. Ngoài ra còn có một kiểm sát viên kiêm thư kí tòa Công Tôn Sách thông minh, chính trực…  
Để giáo dục, xây dựng và kế thừa truyền thống cho cán bộ, công chức có rất nhiều cách chứ đâu cần đắp dựng những tượng đài, nhất là bức tượng na ná đâu đó, ngô nghê chẳng toát lên được điều muốn nói.
Bác Hồ từng là “quan tòa” xét xử cuối cùng trong vụ án Trần Dụ Châu năm xưa. Mong ngành tòa án hãy đẩy mạnh cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Người. Một trong những phong cách, đức tính quý giá của Bác là thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Chủ trương dựng tượng tiêu tốn ngân sách hàng tỉ đồng giữa lúc đất nước đang khó khăn thế này đã là không noi theo tấm gương của Bác, nói gì đến học một tấm gương “mờ mờ nhân ảnh” từ nghìn năm trước?/.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 7 tháng 5 năm 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét