Nếu
bị can im lặng?
Cách đây
chưa lâu tại diễn đàn Quốc hội, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công
an đã từng thẳng thắn thừa nhận, hiện có thực trạng đáng buồn là khá nhiều
điều tra viên chỉ nhăm nhăm vào lời khai của nghi can, rồi tìm chứng cứ, tài
liệu cho phù hợp với lời khai đó để chứng minh họ có tội.
Theo ông,
đây là lỗi cơ bản, sơ đẳng không được phép mắc phải, bởi bất cứ điều tra viên
nào cũng đã từng được dạy rất kĩ khi còn ngồi trên ghế các trường công an: Khi
phá án phải trọng chứng, không trọng cung.
Đây cũng
chính là những nguyên nhân dẫn đến không ít vụ án bị làm sai lệch hồ sơ, nội
dung vụ án bị thay đổi, dẫn đến oan, sai cho người vô tội. Vụ án oan Nguyễn
Thanh Chấn ở Bắc Giang, Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận... là những ví dụ đau lòng
của việc cẩu thả, bừa bãi, làm sai quy trình tố tụng của điều tra viên, kiểm
sát viên và thẩm phán.
Trong quy
định của luật quốc tế cũng như pháp luật ở nhiều quốc gia, quyền im lặng được
thừa nhận là một trong các quyền con người, thành tố thiết yếu thiết lập nên
phiên tòa công bằng. Công ước của Liên Hợp Quốc về các quyền dân sự và chính
trị 1966 (ICCPR) quy định, một người không thể bị buộc để cho lời khai chống
lại mình hoặc nhận mình có tội. Cho đến nay, ICCPR đã có 172 thành viên tham
gia là các quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tại Bộ luật
Tố tụng Hình sự năm 2015, lần đầu tiên quyền im lặng của bị can, bị
cáo được ghi nhận, thể hiện gián tiếp qua một số điều luật, như điểm d
Khoản 2 Điều 60 và điểm h Khoản 2 Điều 61 Bộ luật Tố tụng hình sự, bị can, bị
cáo có quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời
khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội. Khi đó, cơ quan
tiến hành tố tụng không có quyền ép buộc họ phải khai báo bằng các biện pháp
không hợp pháp. Việc bị can, bị cáo không trả lời những điều bất lợi cho bản
thân sẽ không bị coi là tình tiết tăng nặng.
Những điều
này không thể “gây khó” cho cơ quan điều tra nếu mỗi điều tra viên làm đúng
quy trình, “lành nghề”, thực sự có tâm và trung thực. Nó cũng nhằm nhắc cơ
quan hành pháp thực sự coi trọng chứng cứ hơn lời khai.
Trong văn
học dân gian nhiều người biết đến tích chuyện oan Thị Kính. Khi người chồng
tỉnh giấc bỗng phát hiện vợ với con dao đang kề cổ mình, trong án hình
sự thì đây đã có đủ tang chứng, vật chứng. Thực ra Thị Kính khi nhìn thấy
chiếc râu mọc ngược trên cằm chồng chỉ có ý định cắt nó đi. Tang chứng có đủ
mà chưa chắc đã đúng những gì nhìn thấy, huống chi tang chứng, vật chứng mơ
hồ?
Nếu ai theo
dõi, đọc kĩ nội dung kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao trong vụ
án Hồ Duy Hải vừa qua và thử đặt câu hỏi: Nếu bị can này im lặng, không khai
ra những điều được coi là phù hợp với diễn biến hành động tội ác trong vụ án
thì Tòa án dựa vào chứng cứ nào để kết tội, thậm chí cả suy luận có tội?/.
Đinh
Hoàng
Bài
bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi tháng 5 năm 2020
|
Thứ Tư, 13 tháng 5, 2020
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét