Thứ Năm, 28 tháng 5, 2020

 Mối nguy thôn tính

Từ thôn tính xưa được hiểu là hành vi xâm chiếm đất đai, lãnh thổ của nước khác nhằm chiếm lấy làm của mình.

Ngày nay trong hoạt động kinh tế, nền kinh tế thị trường cũng có từ thôn tính. Đó là hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A). Những nhà đầu tư có tiềm lực vốn sẵn sàng bỏ tiền ra để mua lại, thâu tóm những doanh nghiệp đang khó khăn về kinh doanh, thiếu nguồn tài chính, yếu trong quản trị hay mở rộng quy mô…

Sau đại dịch Covid-19, nhiều chuyên gia dự báo sẽ có sự chuyển dịch nguồn vốn đầu tư khủng tại nhiều quốc gia. Với thành công và uy tín trong phòng chống dịch bệnh vừa qua, Việt Nam được dự báo sẽ trở thành địa điểm chuyển hướng đầu tư tin cậy, an toàn. Mua bán, thâu tóm doanh nghiệp nội là một trong những đích ngắm yêu thích của nhà đầu tư nước ngoài.
Cùng với niềm vui trước cơ hội thì vẫn còn những mối lo không thể xem thường khi mua bán thực sự là thôn tính!
Năm trước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có cảnh báo một số hệ luỵ từ sự gia tăng đáng kể đầu tư FDI của Trung Quốc. Bộ này cho biết do áp lực thay đổi, nâng cấp công nghệ của Trung Quốc có thể dẫn tới sự dịch chuyển của dòng vốn FDI chất lượng thấp, công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, các nhà đầu tư từ Trung Quốc sẽ gia tăng các hoạt động M&A dẫn tới nguy cơ nhiều doanh nghiệp Việt sẽ bị thâu tóm, thôn tính, thông qua mua bán cổ phần...


Ven biển Đà Nẵng, gần khu vực sân bay Nước Mặn đầy rẫy những nàh hàng do người Trung Quốc làm chủ

Nếu nhà đầu tư đưa vào những công nghệ tiên tiến và tìm kiếm lợi nhuận từ năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh doanh thì quá tốt. Tuy nhiên, đây đó đã manh nha việc doanh nghiệp nội bị biến thành nơi lắp ráp sản phẩm từ nước ngoài đưa sang rồi dán nhãn made in Vietnam nhằm hưởng lợi xuất xứ để xuất khẩu. Vụ Công ty Asanzo, Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu VN năm trước là những ví dụ.
Ngoài ra, hoạt động mua bán, thu gom đất đai (cả đất của tư nhân và doanh nghiệp) cũng có dấu hiệu không thể xem thường. Tình trạng người nước ngoài né luật, nhờ người Việt đứng tên mua gom đất tại một số địa phương không còn cá biệt. Theo Bộ Quốc phòng, đến cuối năm 2019 có 149 doanh nghiệp có yếu tố Trung Quốc đang hoạt động ở khu vực biên giới của 22 tỉnh, thành (biên giới đất liền 24 doanh nghiệp, biên giới biển 125 doanh nghiệp). Tại Đà Nẵng, khu vực biên giới biển của thành phố này có 134 lô, 1 thửa đất liên quan đến cá nhân, doanh nghiệp người Trung Quốc…
Nguy cơ hoạt động của cá nhân, doanh nghiệp nước ngoài ngay trong lãnh thổ mà ta không thể kiểm soát đang dần hiện hữu. Việc xây miếu thờ của Formosa tại Hà Tĩnh; tổ chức một tụ điểm cờ bạc giá trị nghìn tỉ, hàng trăm người tham gia tại Hải Phòng; rồi doanh nghiệp xây dựng cả hình tượng lưỡi bò trong khu vực đầu tư… tuy là những vụ việc đơn lẻ nhưng cảnh báo những nguy cơ khôn lường với an ninh đất nước.
Đã đến lúc các cơ quan quản lí nhà nước cần nghiên cứu ban hành bổ sung các luật, quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn chặt chẽ, đầy đủ để thanh lọc, làm sạch dòng chảy FDI, đặc biệt là phòng ngừa những hiểm họa với an ninh quốc gia./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi tháng 5 năm 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét