Thứ Năm, 7 tháng 5, 2020

Tự hào dùng hàng Việt

Hôm trước ông bạn tôi chia sẻ việc được ông thông gia đi du lịch châu Âu về tặng chiếc áo: “Tôi tưởng áo của hãng thời trang châu Âu nào cơ, hóa ra là hàng Made in Vietnam. Có lẽ ông ấy cũng chẳng biết và tôi đoán chắc giá cũng không rẻ như mua trong nước!”.
Không rõ chất lượng chiếc áo thế nào nhưng tôi cũng động viên ông bạn: “Hàng của ta nhưng vào được thị trường châu Âu chắc chắn phải đạt tiêu chuẩn của họ. Mà đã đạt chuẩn châu Âu thì sản xuất ở đâu chẳng thế”!
Tôi rất tâm đắc với phát ngôn của nữ doanh nhân ngành dệt may trên một chương trình truyền hình: “Nay ta không nên dùng cụm từ người Việt ưu tiên dùng hàng Việt mà phải nói người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam!”.
Ngẫm lại mới thấy người Việt ta đã giữ những định kiến không tốt về hàng nội từ bao giờ, nay đã đến lúc cần thay đổi. Không chỉ hàng da giày, dệt may, hiện nay nhiều mặt hàng thủy hải sản của ta đã có mặt tại các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Australia. Nông sản thì cà phê, hồ tiêu, hạt điều… cũng chiếm thị phần quan trọng và chinh phục được người tiêu dùng nhiều châu lục. Sau vú sữa, nhãn, vải, thanh long và chôm chôm, năm ngoái xoài là loại trái cây thứ 6 của Việt Nam được Mỹ cho phép nhập khẩu. Nhiều loại rau, trái cây của ta cũng đã thâm nhập thị trường Australia, Nhật Bản…


Quả vải thiều Việt Nam đã có mặt tại nhiều thị trường khó tính trên thế giới

Có lẽ một thời đất nước khó khăn, hầu hết mặt hàng tiêu dùng trong nước đều thiếu thốn, chất lượng kém đã hình thành tâm lí tự ti, coi hàng ngoại nhập đều là hàng tốt hơn.
Trong nền sản xuất hiện đại, chất lượng hàng hóa được căn cứ vào tiêu chuẩn do cơ quan quản lí mỗi quốc gia đặt ra. Nền sản xuất càng phát triển hiện đại thì tiêu chuẩn càng cao. Các doanh nghiệp căn cứ tiêu chuẩn để sản xuất và hướng tới vượt cao hơn quy định, khi đó họ sẽ tạo được uy tín thương hiệu và định ra giá trị cho sản phẩm lưu thông trên thị trường. Chính vì vậy, những thương hiệu có uy tín, sản phẩm của họ luôn có giá cao hơn hẳn sản phẩm cùng loại của doanh nghiệp khác, dù chất liệu, cách thức tạo ra giống nhau.
Hiện nay có thực trạng một số doanh nghiệp dùng tiêu chuẩn “kép”, họ ưu tiên chất lượng sản phẩm xuất khẩu hơn so với sản phẩm tiêu thụ trong nước. Chính vì vậy khi hàng tiêu thụ trong nước “lọt” ra nước ngoài sẽ lập tức bị “tuýt còi”. Câu chuyện chai tương ớt Chin su của Masan khi xuất hiện tại Nhật Bản đã bị cơ quan quản lí nước này phát hiện không bảo đảm an toàn thực phẩm là một ví dụ.
Bạn thử nghĩ xem, với một gói mì ăn liền chỉ có giá 3.500 đồng (gồm cả chi phí bao gói rất đẹp) liệu có bảo đảm chất lượng, dinh dưỡng? Nhiều mặt hàng như mì khô, nước chấm, tương ớt, gia vị… trên thị trường trong nước đang có giá rất rẻ.
Đã đến lúc các doanh nghiệp cần coi trọng người tiêu dùng trong nước bằng tiêu chuẩn cao, chất lượng tốt và an toàn. Khi thị trường 100 triệu dân có suy nghĩ tự hào được dùng hàng Việt, đây sẽ là nguồn khách hàng tiềm năng lớn với mọi doanh nghiệp./.
Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 8 tháng 5 năm 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét