Thứ Năm, 28 tháng 1, 2021

Kinh tế-Môi trường

 

Cấm hay kiểm soát?

Vấn nạn ô nhiễm môi trường không khí của nước ta, nhất là tại đô thị đang trong tình trạng báo động đỏ.

Trong nhiều tác nhân gây ra thực trạng này thì xe máy, mô tô, ô tô “đóng góp” phần đáng kể nhất.

Ô tô, phương tiện vận tải lớn đều đã có giải pháp kiểm soát thông qua việc kiểm định định kì. Còn mô tô, xe gắn máy hiện như đang được “thả nổi” hoặc mất kiểm soát vì chưa có công cụ pháp lí cũng như giải pháp kĩ thuật khả thi. Chính vì vậy mà những chiếc xe có tuổi đời 30-40 năm, tình trạng cũ nát như một cỗ phế liệu đều có thể vi vu trên mọi nẻo đường.

Hà Nội, TP Hồ Chí Minh từng đã có những đề xuất hạn chế, cấm mô tô, xe gắn máy nhưng cuối cùng đều bất lực vì chưa có sự đồng thuận xã hội. Những ý kiến phản biện thường được đưa ra: Vì sự mưu sinh của hàng nghìn người dân nghèo; vì quyền tài sản, không thể thu hồi; thiếu căn cứ pháp lí để thu hồi xe máy cũ nát v.v và v.v.

 

Đường Nguyễn Trãi Hà Nội giờ cao điểm luôn chật cứng các phương tiện

Vì kế mưu sinh nên phải chấp nhận, ý kiến này xem ra hợp lí, nhân văn. Nhưng đó chỉ là một vế của vấn đề. Vì kế mưu sinh của người này nhưng đã và đang tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông cho mọi người. Còn sự ô nhiễm không bao giờ cho ra hậu quả tức thì nhưng con số hơn 150 nghìn người “ra đi” mỗi năm vì ung thư không thể thiếu trách nhiệm của vấn nạn ô nhiễm không khí. Vậy sự mưu sinh có đáng đánh đổi những sinh mạng vì tai nạn giao thông hay vì căn bệnh ung thư quái ác?

Quyền tài sản có lẽ không nên bàn khi xử lí vấn đề xe máy cũ nát. Quyền sở hữu tài sản với quyền được đưa phương tiện ra lưu thông là hai chuyện khác nhau sao cơ quan chức năng cứ lo việc thu hồi? Hãy cứ để chủ nhân những phương tiện đó sở hữu tài sản. Khi “tài sản” đó xếp xó, không thể đưa ra sử dụng người ta sẽ không còn nghĩ nó là tài sản.

Hiện các nước tiên tiến, nhất là châu Âu đã bước sang sử dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 5 trong khi ta vẫn phấn đấu Euro 4 với ô tô, còn phương tiện khác, nhất là mô tô, xe máy vẫn ở tiêu chuẩn “0 Euro”.

Xây dựng tiêu chuẩn kĩ thuật, tiêu chuẩn khí thải với các loại mô tô, xe máy không phải là việc quá sức với cơ quan quản lí về giao thông, môi trường. Trước khi bàn chuyện hạn chế, cấm loại phương tiện này trước hết cần hoàn thiện khung pháp lí, sau đó là các giải pháp phối hợp thực hiện giữa các cơ quan quản lí.

Nếu một phương tiện không đạt chuẩn kĩ thuật, môi trường khi lưu thông cũng bị xử lí nghiêm như vi phạm an toàn giao thông trên đường hiện nay thì tin rằng vấn nạn xe cũ nát sẽ từng bước được giải quyết./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 28 tháng 01 năm 2021

Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2021

Giáo dục

 

Cần thanh sạch nơi vườn ươm

Cách đây hơn 50 năm, khi đó tôi học lớp 4 (hệ giáo dục phổ thông 3 cấp), mỗi lớp chỉ có một giáo viên dạy đủ các môn kiêm chủ nhiệm lớp. Còn nhớ có dịp thầy chủ nhiệm bị ốm, cả lớp phải nghỉ học đã cùng nhau góp được ba chục quả trứng gà đến thăm và biếu thầy.

Nhà thầy ở xã khác cách chừng 3km, hơn chục đứa được cử đi thăm thầy. Thấy học sinh lóc cóc đi bộ mấy cây số đến thăm, thầy rất cảm động song khi biết bọn nhỏ mang biếu ổ trứng gà, thầy nghiêm nét mặt, nhắc: “Lần sau cấm các em biếu thầy bất cứ thứ gì. Thầy chỉ cần tình cảm của các em. Cứ chăm học là thầy vui”.

Mái trường, bục giảng xưa được coi là nơi thanh cao, đó thực sự là vườn ươm tri thức và nhân cách làm người. Thầy cô luôn là tấm gương mô phạm, thanh bạch trong mọi cử chỉ, hành vi trước học trò. Khi đó chẳng có quỹ này quỹ nọ, không có ban phụ huynh mà việc dạy, việc học luôn trôi chảy, thầy hết lòng, trò chăm chỉ. 


Ngày nay, phải chăng vì cần gìn giữ hình ảnh thanh tao cho thầy cô nên mô hình hội cha mẹ học sinh được hình thành để giúp làm những việc liên quan đến vật chất, tiền nong?

Nhưng rồi những “người đóng thế” đã trở thành “công cụ” giúp chủ nhiệm, hiệu trưởng nhà trường trong nỗ lực huy động nguồn lực. Đó là các hoạt động mang lại lợi ích ngoài giáo dục như thu quỹ, vận động ủng hộ vật chất, tiền bạc cho trường, cho lớp. Ít cuộc họp hội phụ huynh nào mà nội dung chỉ xoáy vào bàn biện pháp nâng cao chất lượng dạy, học và quản lí học sinh.

Ở một trường tiểu học tại Hà Nội có chuyện lớp phát động ủng hộ các bạn miền Trung, khi các em học sinh mang phong bì đến nộp cho cô, lẽ thường giáo viên chỉ cần ghi danh sách đóng tiền để nắm. Tuy nhiên, ngay tại lớp, cô giáo đã bóc phong bì kiểm tiền rồi mời 2 em có phong bì nhiều nhất (500.000 đồng) đứng lên trước lớp để tuyên dương. Liệu học sinh sẽ có suy nghĩ, ngoan là cần đóng nhiều tiền?

Câu chuyện khác tại lớp 10 một trường THPT của quận Hoàng Mai (TP Hà Nội): Một phụ huynh vì từ chối đóng góp những khoản tiền vô lí của quỹ lớp (chi cho đại hội đoàn, sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt theo chủ đề...) mà con đến lớp đã bị bạn bè mỉa mai, châm chọc. Thậm chí có cả phụ huynh khác cũng chê bai, lăng mạ vị phụ huynh này trên Facebook.

 Mô hình hội cha mẹ học sinh ban đầu chủ yếu hỗ trợ các hoạt động giáo dục học sinh, gắn kết gia đình với nhà trường, động viên, khen thưởng các em trong học tập nay gần như đã thay đổi hẳn chức năng.

Nếu không sớm trả lại mô hình hội cha mẹ học sinh như ban đầu thì sẽ chỉ làm xấu đi hình ảnh của “vườn ươm tri thức”, nơi cần môi trường thanh sạch để đắp xây nhân cách làm người cho mỗi học sinh./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 22 tháng 01 năm 2021

Thứ Năm, 21 tháng 1, 2021

Xã hội

 

Phóng sinh sao cho an lành

Buổi sáng sớm mỗi thứ Bảy hằng tuần ai đi qua khu vực trước chùa Tĩnh Lâu bên Hồ Tây sẽ gặp cảnh nhóm (chừng 40-50 người) đứng hướng ra hồ chắp tay tụng kinh du dương như một dàn đồng ca kéo dài hàng tiếng đồng hồ. Bên cạnh là dăm bảy thùng nhựa chứa đầy cá chép, trắm, lươn, chạch… những thực thể sống được mang đến đây để những người sùng tín phóng sinh sau buổi hành lễ.

Người phóng sinh có thể chẳng biết rằng, những tay “ngư tặc” Hồ Tây cũng đang đứng xem phía sau, ngắm thùng cá và toan tính cho mẻ lưới trộm nặng tay khi màn đêm buông xuống. Nếu biết thứ mình phóng sinh chỉ có thời gian sống tính bằng ngày, liệu họ có còn nhẫn nại hành lễ hết tuần này đến tuần khác?

Một con cá Hồ Tây vừa được đánh bắt

Tục phóng sinh theo tích cũ dân gian chỉ là cứu rỗi những sinh linh đang gặp nạn hiểm nguy, nếu không được cứu giúp kịp thời sự sống sẽ khó bảo toàn. Với tâm niệm cứu một mạng sống phúc đẳng hà sa, người ta gặp sinh linh lâm nạn thì cần ra tay cứu giúp. Đó mới là ý nghĩa thực chất và nhân văn của tục lệ phóng sinh động vật sống như cá, chim... Còn theo phật pháp khuyên nhủ thì việc phóng sinh cần làm: Phải phát xuất từ lòng từ bi, không vì ý nghĩa tư lợi; tự do, không phân lượng lớn nhỏ, ít nhiều; thực hiện âm thầm, chọn nơi vắng vẻ; nhanh nhẹn, rốt ráo tránh cho các sinh vật phải chịu kéo dài nỗi khổ sợ hãi, ngột ngạt, tù túng vì bị giam cầm...

Một tích cũ nay đang phát triển thái quá không còn đúng ý nghĩa ban đầu. Người ta thu bắt những sinh vật đang sống an lành mang đi hành lễ như thể đánh đổi với thần phật nhằm hi vọng mang lại phúc đức, an lành cho bản thân, gia đình. Quá trình đó có thể họ vô tình đã phạm lỗi sát sinh: Khi đánh bắt, vận chuyển sẽ có những con vật bị chết. Khi thả chúng xuống môi trường khác lạ cũng khiến chúng không thể sống được lâu. Và tệ nhất, những con cá mệt mỏi, lơ ngơ vừa được thả xuống tại Hồ Tây như kể trên phần nhiều bị đánh bắt trộm ngay sau khi được phóng sinh. Việc phóng sinh như thế chẳng khác nào phóng… tử! Nếu quả thực có thần phật, các đấng quyền linh liệu có bằng lòng với cách phóng sinh như thế? Có lẽ “các ngài” không trách phạt đã là may mắn cho những người vô tình sát sinh.

Cách phóng sinh không an toàn còn đang gây ra hệ quả ô nhiễm môi trường, phát tán sinh vật ngoại lai làm ảnh hưởng môi trường sinh thái của các hệ động, thực vật bản địa. Nạn ốc bươu vàng, rùa tai đỏ, tôm hùm đỏ… là hệ quả của việc dễ dãi, thậm chí buông lỏng quản lí, để người dân tự do phát tán ra môi trường những động vật ngoại lai có hại.

Nên chăng cơ quan quản lí, cả văn hóa và nông nghiệp cần có những quy định cụ thể việc phóng sinh khi thờ cúng để người dân tuân thủ, không gây hại tới môi sinh./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 21 tháng 01 năm 2021

Thứ Ba, 19 tháng 1, 2021

Chính trị

 

Đánh rơi quyền lực

 Ông X ở thôn nọ bỏ tiền ra xây dựng một khu vui chơi miễn phí.

Khu vui chơi có mô hình mới lạ, đa dạng và phong phú. Nơi mọi người tự do đến giao lưu, kết bạn, chia sẻ, tìm hiểu lẫn nhau, cùng nhau tạo ra những cuộc vui riêng… nên nó nhanh chóng thu hút dân làng.

Người chơi ngày một đông, ông X đã tranh thủ dựng lên các bảng quảng cáo để kiếm tiền. Mọi người thấy việc đó vô hại, đôi khi còn giúp cung cấp những thông tin có ích.

Dân làng kéo hết vào sân chơi, thấy lạ nên cả bí thư chi bộ, trưởng thôn… cuối cùng cũng gia nhập. Lúc này họ mới nhận ra, sân chơi này quả là hay và tiện lợi. Chính các lãnh đạo thôn cũng như được quảng bá hình ảnh. Có khối lão nông, thanh niên, trẻ em… chẳng biết mặt mũi, tên tuổi ông trưởng thôn. Họ chỉ biết khi các lãnh đạo vào cùng sân chơi, giao lưu, tương tác…

Để bảo đảm an toàn sân chơi ông X cũng đề ra các thể lệ để mọi người chấp hành. Thấy quy định của ông X không vi phạm lệ làng nên nó dễ dàng được tất thảy chấp nhận.

Rồi một ngày kia, vị trưởng thôn vô tình “phạm quy”, không thực hiện đúng thể lệ đã bị ông X mời ra khỏi cuộc chơi…

Trên đây chỉ là câu chuyện giả tưởng. Tuy vậy, nó đang diễn ra trong thực tiễn cuộc sống. Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump bị các hãng Facebook, Twitter… “đóng cửa” trên các ứng dụng của họ cũng giống việc ông trưởng thôn bị mời ra khỏi khu vui chơi.

Các trang mạng Facebook, Twitter, YouTube, Instagram… trên nền tảng Internet chỉ là các công cụ ứng dụng mang lại tiện ích cho người gia nhập, không phải phương tiện truyền thông nhưng nó đang “hớt tay trên” quyền lực từ báo chí.

Kinh tế báo chí đã được nhiều cơ quan báo chí chính thống chú trọng khai thác trong thời kì “hoàng kim” của báo viết. Những tờ như Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Lao Động, An ninh Thế giới… từng có những năm đạt tới đỉnh cao nguồn thu nhập không từ bán báo mà là quảng cáo.

Khi Internet xuất hiện, báo điện tử ra đời cũng là thời điểm chỉ dấu báo viết đã sang phía “dốc bên kia”. Dù có trong tay một “sân lớn” là báo điện tử song cả lãnh đạo các báo, nhà quản lí vẫn giữ tư duy truyền thống là thu hút độc giả bằng chất lượng nội dung và hình thức. Ít người thấy việc tạo ra những “sân chơi” trên tờ báo của mình là cần thiết và cấp bách. Sự chậm đổi mới, sáng tạo vô tình đã để các trang mạng dần chiếm mất các độc giả, kể cả những người trung thành nhất của mình.

Nhận ra sự lợi hại của trang mạng xã hội có quyền lực mạnh không kém báo chí nên cả Nga và Trung Quốc đã và đang âm thầm hỗ trợ phát triển các trang mạng riêng của quốc gia với mục tiêu không để quyền lực xã hội vuột khỏi tay mình. Tuy nhiên làm ra một cái mới hấp dẫn hơn cái mà đại đa số đang tận hưởng là vô cùng khó khăn.

Không chỉ báo chí cần thay đổi, tư duy nhà quản lí cũng cần thay đổi và có giải pháp hỗ trợ báo chí để kéo lại lượng độc giả đã và đang mất đi.

Cuối cùng, quyền lực báo chí chính là quyền lực của thể chế, vì nó được kiểm soát./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 19 tháng 01 năm 2021

Thứ Năm, 14 tháng 1, 2021

Xã hội

 

Đừng để “nhiễm bệnh” từ thông tin độc hại

 

Một lời nói ra không cân nhắc dễ mang họa vào thân. Nếu ăn uống vô tội vạ, mất vệ sinh ắt sẽ mang bệnh. Bệnh nói ở đây chỉ đơn thuần về thể chất.

Có căn bệnh khác, đó là bệnh về tinh thần, tư tưởng, nó hình thành trong cách người ta “ăn” những thông tin không lành mạnh, thậm chí độc hại vào trong “bộ nhớ”.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng từng chia sẻ: Sống khỏe cần lưu tâm cả về thể chất và tinh thần. Nghĩa là mình cần đưa vào cơ thể những thứ sạch và tốt. Đó là thức ăn, đồ uống, tri thức, tin tức. Nên nhớ câu “họa từ miệng ra, bệnh từ miệng vào”…

 

Thời đại thông tin bùng nổ nên người ta có rất nhiều lựa chọn để thu nạp trên môi trường mạng, từ báo chí chính thống đến diễn đàn tự do không kiểm soát. Món hàng bán rong ngoài vỉa hè, trôi nổi ngoài chợ cóc, chợ dân sinh không thể so sánh với chất lượng hàng hóa trong siêu thị. Khi nhận phải hàng không đạt chất lượng, hàng giả trôi nổi thì người mua chỉ biết “tự chịu trách nhiệm”. Thông tin cũng vậy, nguồn tin không thể truy xuất gốc tích thì chẳng ai bảo đảm đó là đúng hay sai.

Khi đất nước còn trong chiến tranh chống ngoại xâm, dù thông tin hiếm hoi, khó tiếp cận nhưng kênh phát thanh của địch cũng có thể len lỏi vào cuộc sống tinh thần xã hội. Khi đó “nghe đài địch” là chuyện cấm kị vì nó tác động tâm lí vô cùng nguy hiểm với mọi tầng lớp người dân. Ngày nay mạng internet phủ toàn cầu nên việc tiếp cận mọi nguồn thông tin dễ dàng, việc quản lí của cơ quan quản lí không thể phủ khắp. Để không bị “nhiễm độc” thông tin thì mỗi người phải hình thành được sức “đề kháng”. Nhưng các nguồn tin độc hại ngày nay ngày một tinh vi hơn, được đan trộn với những thông tin thật khiến nhiều người từ bị lừa dối, nhầm lẫn đến bị “thu phục”, dần trở nên tin tưởng “hàng giả”.

Song, không ít người được coi là đã có sức “đề kháng” nhưng vẫn nhiễm độc thông tin. Đó là những người bất mãn khi còn đương chức không dám phản kháng, đến khi nghỉ tìm thấy sự “đồng cảm” với một số trang mạng, tờ báo nước ngoài thiếu thiện cảm với Đảng, Nhà nước ta. Dần dà họ “nghiện” và đồng hành các trang “ngoài lề” này, thậm chỉ cổ súy cho những điều bịa đặt. Khi đó là lúc họ đã thực sự nhiễm độc thông tin xấu và “phát bệnh”. Những phát ngôn, hành động đi ngược lại chủ trương, đường lối của Đảng của một số cá nhân thời gian qua là hệ quả của quá trình “tự đầu độc” và nhiễm độc thông tin.

Như thông lệ, cứ mỗi dịp đất nước chuẩn bị bước vào một sự kiện lớn như Đại hội Đảng, Bầu cử Quốc hội là nguồn thông tin độc hại, xuyên tạc, bóp méo tình hình trong nước lại nở rộ, mọc như nấm sau mưa. Lúc này mỗi người nên nghĩ tới lời chia sẻ của giáo sư Nguyễn Lân Dũng rằng, để sống khỏe cần lưu tâm cả về thể chất và tinh thần, cần đưa vào cơ thể những thứ sạch và tốt, trong đó có thông tin./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 14 tháng 01 năm 2021

Thứ Ba, 12 tháng 1, 2021

Chính trị

Những thứ cần giảm, những việc cần tăng                                                                         

        Những năm trước đây nhiều cơ quan, địa phương sử dụng ngân sách như thể “tiền chùa” để chi cho cán bộ đi công tác nước ngoài trong khi chẳng có đánh giá hiệu quả mỗi chuyến đi. Thậm chí vị Bộ trưởng Công Thương nhiệm kì trước còn có thời gian làm việc ở nước ngoài chiếm gần 1/2 của một năm! Sự dễ dãi, lỏng lẻo quản lí khiến đa số các cuộc công cán ngoại quốc đều được “kết hợp”, có người “bám càng”.

       Cả năm 2020 các ngành, địa phương hầu như không thể tổ chức các đoàn,  chuyến công tác nước ngoài bởi đại dịch Covid-19. Chỉ có ít người thực hiện công vụ mang tính ngoại giao và những chuyến bay đón Việt kiều về nước. Vậy, việc “tắc đường” công du ngoại quốc ảnh hưởng thế nào đến hiệu quả thực thi công vụ? Có lẽ mọi người đều đã biết về những thông tin đáng phấn khởi tự hào của thành quả toàn diện kinh tế xã hội nước ta trong năm 2020. Điều này cũng phát lộ ra rằng, đâu có cần công cán nước ngoài quá nhiều mà đất nước vẫn tăng trưởng, vẫn phát triển hiệu quả. Thiết nghĩ, việc cử cán bộ đi công tác nước ngoài từ nay cần nghiêm túc rà xét lại, tiết giảm đến mức thấp nhất.

       Cũng do đại dịch, việc tổ chức hội nghị, họp hành năm qua tiết giảm đáng kể. Sự chuyển hướng sang hình thức online, họp trực tuyến vẫn bảo đảm hiệu quả phối hợp, điều hành trong thực hiện các nhiệm vụ. Bằng hình thức trực tuyến, Việt Nam hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Chủ tịch Hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á (AIPA 2020) cùng nhiều diễn đàn quốc tế khác. Họp trực tuyến cũng hạn chế được việc nhiều người bị tra tấn bởi những báo cáo tràng giang đại hải, những ý kiến chung chung, “dây cà ra dây muống” tại nhiều cuộc họp lâu nay. Thiết nghĩ Chính phủ cũng cần có những quy định cụ thể, cuộc họp dạng nào được phép tập trung, dạng nào bắt buộc họp online ở tất cả các cấp.

Hội nghị trực tuyến Hội đồng tư vấn AIPA tại điểm cầu Hà Nội

       Vừa qua tại hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết viêc tiết kiệm kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác, cùng với một số giải pháp khác đã giúp ngân sách Nhà nước năm nay tiết kiệm được 49,3 nghìn tỉ đồng. Đây là con số rất ý nghĩa, bởi số tiền ngân sách cần chi tăng lương cho hàng triệu công, viên chức năm 2021 cũng chỉ có 35 nghìn tỉ.

      Từ đầu nhiệm kì Chính phủ đến nay năm nào Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng dành thời gian đến các địa phương trực tiếp đối thoại với công nhân, người lao động, một việc làm hiếm hoi của các nhiệm kì trước. Có lẽ đây cũng là một trong các cơ sở để nhiều chủ trương, quyết sách của Đảng, Nhà nước những năm qua nhanh chóng phát huy hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, việc làm này (trực tiếp đối thoại với dân) lại chưa được nhiều lãnh đạo ban ngành, địa phương học tập và thực hành.

       Đây là việc cần tăng cường trong thời gian tới với lãnh đạo, người đứng đầu từ Trung ương tới cơ sở./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 12 tháng 01 năm 2021

Thứ Hai, 11 tháng 1, 2021

Pháp luật-Đời sống

 

Kẽ hở từ một khái niệm

Dự án một chung cư thương mại của chủ đầu tư là công ty cổ phần liệu có phải là dự án phát triển kinh tế - xã hội?

Xin khẳng định, đó là vì sự phát triển kinh tế, xã hội. Mang lại lợi nhuận cho cá nhân hay tập thể, nhà nước hay tư nhân đều là góp phần vào phát triển kinh tế. Tạo ra sản phẩm nhà ở bán cho mọi người dân thì rõ ràng đó cũng vì sự phát triển của xã hội. Lợi ích mang lại cho xã hội, cho nền kinh tế thì đó cũng vì đất nước, cộng đồng.

Tại điều 62 của Luật Đất đai năm 2013 có quy định về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Khi đền bù giải phóng mặt bằng các trường hợp này giá đất được tính theo khung giá Nhà nước quy định (thường luôn thấp hơn rất nhiều so với thị trường).

Khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai chiếm tỉ lệ cao trong các vấn đề bức xúc

Khái niệm “phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” khiến phạm vi các dự án được Nhà nước thu hồi đất rộng “mênh mông”. Chỉ nói ở cấp tỉnh, các dự án được Hội đồng Nhân dân thông qua cũng rất đa dạng, rộng lớn, từ đường giao thông tới khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn đến dự án chế biến nông, lâm, thủy sản... Thực tế, mọi dự án phát triển kinh tế - xã hội đều vì lợi ích quốc gia. Vì vậy, việc phân định giữa dự án phát triển kinh tế và dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng dễ trở nên mơ hồ, nhiều cách hiểu!

“Khoảng rộng” trong điều luật khiến hầu hết các doanh nghiệp khi triển khai dự án ở các địa phương đều tìm cách gắn vào tính chất “phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia”. Từ đó, việc đền bù giải phóng mặt bằng sẽ do chính quyền thu hồi, giá đất đền bù theo khung giá cấp tỉnh quy định, không phải thỏa thuận với người dân.

Cùng với quá trình nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng, hầu hết các dự án bất động sản, nhà đầu tư hưởng siêu lợi nhuận từ chênh lệch địa tô, còn người dân chỉ biết nhìn đất đai của mình “hóa vàng” nhanh chóng trong nỗi buồn và bất lực. Với vị thế của mình, người dân - chủ ban đầu của thứ tương lai sẽ thành “vàng” luôn ở “cửa dưới”.

Nhiều chuyên gia luật pháp, kinh tế cho rằng đây là “kẽ hở” pháp luật đang bị lợi dụng mang lại lợi ích cho số ít người quyền lực, doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh và gây thiệt thòi lớn cho người dân mất đất, là một trong các nguyên nhân gây khiếu kiện tại các địa phương hiện nay.

Hi vọng việc điều chỉnh, sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 sẽ sớm được đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XV sắp được bầu ra vào năm nay./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 09 tháng 01 năm 2021

Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2021

Chính trị

 

Trước tiên là “dân biết”

“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” ban đầu chỉ là khẩu hiệu hành động, nay đã là phương châm hành động, chủ trương xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta trong tiến trình phát huy dân chủ, huy động sức mạnh toàn dân xây dựng đất nước, đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Từ “dân biết” được coi là tiêu chí trước tiên và cũng là quan trọng nhất. Nếu không biết thì không thể nói đến chuyện “dân bàn, dân làm, dân kiểm tra…”. Để người dân có thể biết thì thực hành công khai, minh bạch phải là thực chất, triệt để và công bằng, theo đúng pháp luật.

Nhờ mở rộng công khai minh bạch mà thời gian qua nhiều vụ việc, nhiều hành vi không đúng đắn, thiếu chuẩn mực của cán bộ, công chức, viên chức được công khai, cơ quan chức năng vào cuộc nhanh chóng và xử lí nghiêm minh, lấy lại được niềm tin của người dân vào pháp luật và sự công bằng.

Vụ việc phát lộ gian lận, “sản xuất” văn bằng giả tại Trường đại học Đông Đô khiến dư luận vui mừng và hi vọng đây có thể là đòn “điểm huyệt” vào vấn nạn học giả, bằng thật trong cơ quan, tổ chức, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Vụ sai phạm tại Trường Đại học Đông Đô đang chìm vào im lặng.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an xác định được 626 trường hợp đã được Trường Đại học Đông Đô cấp bằng cử nhân ngôn ngữ Tiếng Anh văn bằng 2 có sai phạm. Theo cơ quan điều tra, các trường hợp sử dụng văn bằng giả mạo của Trường đại học Đông Đô đều là những “người có uy tín”, vị trí chủ chốt trong các cơ quan, ban, ngành.

Cứ ngỡ những người gian lận, những “học giả” sẽ sớm lộ danh tính trên mặt báo. Tuy nhiên, việc công bố danh tính một tên trộm vặt ngoài phố thì đơn giản làm sao, còn với những “người có uy tín” lại vô cùng phức tạp! Đến nay đã qua nhiều ngày mà người dân, dư luận chưa thể biết ai là những người đã “vướng vào” vụ gian lận, sở hữu hoặc “bị nhận” những tấm bằng giả.

Dẫu biết việc công khai danh tính cá nhân sai phạm trong vụ việc cần theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc nêu rõ ràng cụ thể vụ việc xảy ra như thế nào, ai liên quan chỉ là thông tin để dư luận biết, không phải khẳng định cá nhân đó sai phạm hay không. Kết luận có sai hay không do cơ quan điều tra xác minh cụ thể. Việc ai học thật, kiến thức thật nhưng bị Trường Đại học Đông Đô lừa; ai biết mình rỗng kiến thức mà vẫn có tấm bằng nếu được thông tin đầy đủ sẽ chẳng làm “người có uy tín” mất đi nếu đúng là họ có điều đó.

Một vụ việc quá dễ để cho dân biết (vì cơ quan điều tra đã làm rõ), vậy sao cơ quan có trách nhiệm thông tin lại “dùng dằng” mãi trong “vòng hư thực”? Dân không biết thì làm sao “dân bàn”? Nếu không biết mà dân cứ bàn sẽ còn tai hại hơn cho cả những người “uy tín thật” và niềm tin vào cơ quan công quyền!/.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 08 tháng 01 năm 2021

Thứ Tư, 6 tháng 1, 2021

Đầu tư

Bán “tổ” hay đợi thu “trứng”?

Quê tôi là vùng đồng chiêm trũng, chốn nghèo khó của tỉnh Bắc Ninh. Đầu những năm 2000 mỗi làng cũng chỉ có chừng chục ngôi nhà xây kiên cố hai ba tầng. Còn lại chủ yếu nhà 3 gian, 4 gian lợp ngói, đây đó vẫn còn những mái tranh nấp dưới lũy tre làng.

Nếu ai đi xa quê chừng hơn chục năm nay mới về thì sẽ khó mà nhận ra bộ mặt làng xóm xưa. Từ xa nhìn lại làng xóm chỉ thấy san sát nhà xây ba bốn tầng, kiến trúc đẹp, sơn màu đủ loại chẳng khác gì những khu phố thị.

Đời sống thay đổi nhanh chóng là nhờ người dân đã cơ bản chuyển đổi nghề nghiệp. Xưa làm ruộng mỗi năm mỗi gia đình thu về vài tấn lúa đã là khá. Nay từ trung niên xuống lớp trẻ đều trở thành công nhân tại các khu công nghiệp, người lương thấp cũng 6-7 triệu, người cao thì hơn chục triệu mỗi tháng, chỉ vài tháng lương đã bằng làm ruộng cả năm. Nhà nào hai vợ chồng trẻ làm công nhân thì mỗi tháng đong được vài tấn thóc, giá trị hơn một vụ lúa trước đây.

Công nhân của một doanh nghiệp trong Khu Công nghiệp Quế Võ trong ca làm việc

Người dân các tỉnh công nghiệp hóa đang được hưởng lợi từ đường lối chuyển đổi công nghiệp hóa mạnh mẽ. Các khu công nghiệp (KCN) phát triển, mở rộng đã thu hút lao động, tạo sinh kế cho hàng trăm nghìn dân thoát nghèo, khá giả trong một thời gian không dài.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tại nhiều tỉnh thành gần đây Thủ tướng thường nhắc một thông điệp “muốn đón được đại bàng, cần tạo tổ đại bàng”. Các doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn, đặc biệt là doanh nghiệp FDI chính là những con đại bàng. Nơi hấp dẫn đại bàng đến làm tổ chính là hạ tầng giao thông, đất đai các KCN và thể chế. Đón được những con “đại bàng” đến xây tổ, người dân sẽ hưởng lợi khi chúng “sinh sôi”. Nhiều KCN tại các huyện của Bắc Ninh đang là những địa chỉ mà hàng trăm “đại bàng” đã “làm tổ” và đang “đẻ trứng”. Thành quả đó người dân thụ hưởng và cảm nhận rõ nhất.

Trước những thông tin về khả năng dịch chuyển sản xuất từ một số nước đến Việt Nam, gần đây thị trường bất động sản (BĐS) công nghiệp đang có sự tăng giá bất thường, nhất là tại TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hà Nội, Bắc Giang… Các chuyên gia tư vấn BĐS nhận định mặt bằng giá BĐS công nghiệp tại một số thủ phủ công nghiệp cả phía Nam và phía Bắc đều đã tăng từ 50-100% so với cùng kì năm trước.

 


Hiện hầu hết đất được nhà nước thu hồi dành cho các KCN là từ đất nông nghiệp. Giá bồi thường đất nông nghiệp rất thấp nên người hưởng lợi chính là các nhà đầu tư BĐS hoặc ban quản lí KCN được giao đất và cho thuê lại. Nếu doanh nghiệp BĐS, ban quản lí KCN đẩy giá thuê quá cao sẽ khiến các nhà đầu tư lo ngại, hạn chế sức hấp dẫn của môi trường đầu tư. Lợi nhuận thu được từ BĐS KCN rất nhỏ so với nguồn lợi mang về cho hàng nghìn lao động.

Các địa phương cần có giải pháp phù hợp quản lí thị trường BĐS công nghiệp, đừng để vì mối lợi của một vài doanh nghiệp mà mất đi những lứa “thu hoạch trứng” của đại đa số người lao động./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 06 tháng 01 năm 2021