Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2021

Chính trị

 

Trước tiên là “dân biết”

“Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” ban đầu chỉ là khẩu hiệu hành động, nay đã là phương châm hành động, chủ trương xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta trong tiến trình phát huy dân chủ, huy động sức mạnh toàn dân xây dựng đất nước, đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Từ “dân biết” được coi là tiêu chí trước tiên và cũng là quan trọng nhất. Nếu không biết thì không thể nói đến chuyện “dân bàn, dân làm, dân kiểm tra…”. Để người dân có thể biết thì thực hành công khai, minh bạch phải là thực chất, triệt để và công bằng, theo đúng pháp luật.

Nhờ mở rộng công khai minh bạch mà thời gian qua nhiều vụ việc, nhiều hành vi không đúng đắn, thiếu chuẩn mực của cán bộ, công chức, viên chức được công khai, cơ quan chức năng vào cuộc nhanh chóng và xử lí nghiêm minh, lấy lại được niềm tin của người dân vào pháp luật và sự công bằng.

Vụ việc phát lộ gian lận, “sản xuất” văn bằng giả tại Trường đại học Đông Đô khiến dư luận vui mừng và hi vọng đây có thể là đòn “điểm huyệt” vào vấn nạn học giả, bằng thật trong cơ quan, tổ chức, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Vụ sai phạm tại Trường Đại học Đông Đô đang chìm vào im lặng.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an xác định được 626 trường hợp đã được Trường Đại học Đông Đô cấp bằng cử nhân ngôn ngữ Tiếng Anh văn bằng 2 có sai phạm. Theo cơ quan điều tra, các trường hợp sử dụng văn bằng giả mạo của Trường đại học Đông Đô đều là những “người có uy tín”, vị trí chủ chốt trong các cơ quan, ban, ngành.

Cứ ngỡ những người gian lận, những “học giả” sẽ sớm lộ danh tính trên mặt báo. Tuy nhiên, việc công bố danh tính một tên trộm vặt ngoài phố thì đơn giản làm sao, còn với những “người có uy tín” lại vô cùng phức tạp! Đến nay đã qua nhiều ngày mà người dân, dư luận chưa thể biết ai là những người đã “vướng vào” vụ gian lận, sở hữu hoặc “bị nhận” những tấm bằng giả.

Dẫu biết việc công khai danh tính cá nhân sai phạm trong vụ việc cần theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc nêu rõ ràng cụ thể vụ việc xảy ra như thế nào, ai liên quan chỉ là thông tin để dư luận biết, không phải khẳng định cá nhân đó sai phạm hay không. Kết luận có sai hay không do cơ quan điều tra xác minh cụ thể. Việc ai học thật, kiến thức thật nhưng bị Trường Đại học Đông Đô lừa; ai biết mình rỗng kiến thức mà vẫn có tấm bằng nếu được thông tin đầy đủ sẽ chẳng làm “người có uy tín” mất đi nếu đúng là họ có điều đó.

Một vụ việc quá dễ để cho dân biết (vì cơ quan điều tra đã làm rõ), vậy sao cơ quan có trách nhiệm thông tin lại “dùng dằng” mãi trong “vòng hư thực”? Dân không biết thì làm sao “dân bàn”? Nếu không biết mà dân cứ bàn sẽ còn tai hại hơn cho cả những người “uy tín thật” và niềm tin vào cơ quan công quyền!/.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 08 tháng 01 năm 2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét