Kẽ hở từ một khái niệm Dự án một chung cư thương mại của chủ đầu tư là công ty cổ phần liệu có phải là dự án phát triển kinh tế - xã hội? Xin khẳng định, đó là vì sự phát triển kinh tế, xã hội. Mang lại lợi nhuận cho cá nhân hay tập thể, nhà nước hay tư nhân đều là góp phần vào phát triển kinh tế. Tạo ra sản phẩm nhà ở bán cho mọi người dân thì rõ ràng đó cũng vì sự phát triển của xã hội. Lợi ích mang lại cho xã hội, cho nền kinh tế thì đó cũng vì đất nước, cộng đồng. Tại điều 62 của Luật Đất đai năm 2013 có quy định về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Khi đền bù giải phóng mặt bằng các trường hợp này giá đất được tính theo khung giá Nhà nước quy định (thường luôn thấp hơn rất nhiều so với thị trường).
Khiếu
nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai chiếm tỉ lệ cao trong các vấn đề bức xúc
Khái niệm “phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng” khiến phạm vi các dự án được Nhà nước thu hồi đất rộng “mênh mông”. Chỉ nói ở cấp tỉnh, các dự án được Hội đồng Nhân dân thông qua cũng rất đa dạng, rộng lớn, từ đường giao thông tới khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn đến dự án chế biến nông, lâm, thủy sản... Thực tế, mọi dự án phát triển kinh tế - xã hội đều vì lợi ích quốc gia. Vì vậy, việc phân định giữa dự án phát triển kinh tế và dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng dễ trở nên mơ hồ, nhiều cách hiểu! “Khoảng rộng” trong điều luật khiến hầu hết các doanh nghiệp khi triển khai dự án ở các địa phương đều tìm cách gắn vào tính chất “phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia”. Từ đó, việc đền bù giải phóng mặt bằng sẽ do chính quyền thu hồi, giá đất đền bù theo khung giá cấp tỉnh quy định, không phải thỏa thuận với người dân. Cùng với quá trình nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng, hầu hết các dự án bất động sản, nhà đầu tư hưởng siêu lợi nhuận từ chênh lệch địa tô, còn người dân chỉ biết nhìn đất đai của mình “hóa vàng” nhanh chóng trong nỗi buồn và bất lực. Với vị thế của mình, người dân - chủ ban đầu của thứ tương lai sẽ thành “vàng” luôn ở “cửa dưới”. Nhiều chuyên gia luật pháp, kinh tế cho rằng đây là “kẽ hở” pháp luật đang bị lợi dụng mang lại lợi ích cho số ít người quyền lực, doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh và gây thiệt thòi lớn cho người dân mất đất, là một trong các nguyên nhân gây khiếu kiện tại các địa phương hiện nay. Hi vọng việc điều chỉnh, sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 sẽ sớm được đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XV sắp được bầu ra vào năm nay./. Đinh Hoàng Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 09 tháng 01 năm 2021 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét