Cần thanh sạch nơi vườn ươm Cách đây hơn 50 năm, khi đó tôi học lớp 4 (hệ giáo dục phổ thông 3 cấp), mỗi lớp chỉ có một giáo viên dạy đủ các môn kiêm chủ nhiệm lớp. Còn nhớ có dịp thầy chủ nhiệm bị ốm, cả lớp phải nghỉ học đã cùng nhau góp được ba chục quả trứng gà đến thăm và biếu thầy. Nhà thầy ở xã khác cách chừng 3km, hơn chục đứa được cử đi thăm thầy. Thấy học sinh lóc cóc đi bộ mấy cây số đến thăm, thầy rất cảm động song khi biết bọn nhỏ mang biếu ổ trứng gà, thầy nghiêm nét mặt, nhắc: “Lần sau cấm các em biếu thầy bất cứ thứ gì. Thầy chỉ cần tình cảm của các em. Cứ chăm học là thầy vui”. Mái trường, bục giảng xưa được coi là nơi thanh cao, đó thực sự là vườn ươm tri thức và nhân cách làm người. Thầy cô luôn là tấm gương mô phạm, thanh bạch trong mọi cử chỉ, hành vi trước học trò. Khi đó chẳng có quỹ này quỹ nọ, không có ban phụ huynh mà việc dạy, việc học luôn trôi chảy, thầy hết lòng, trò chăm chỉ.
Ngày nay, phải chăng vì cần gìn giữ hình ảnh thanh tao cho thầy cô nên mô hình hội cha mẹ học sinh được hình thành để giúp làm những việc liên quan đến vật chất, tiền nong? Nhưng rồi những “người đóng thế” đã trở thành “công cụ” giúp chủ nhiệm, hiệu trưởng nhà trường trong nỗ lực huy động nguồn lực. Đó là các hoạt động mang lại lợi ích ngoài giáo dục như thu quỹ, vận động ủng hộ vật chất, tiền bạc cho trường, cho lớp. Ít cuộc họp hội phụ huynh nào mà nội dung chỉ xoáy vào bàn biện pháp nâng cao chất lượng dạy, học và quản lí học sinh. Ở một trường tiểu học tại Hà Nội có chuyện lớp phát động ủng hộ các bạn miền Trung, khi các em học sinh mang phong bì đến nộp cho cô, lẽ thường giáo viên chỉ cần ghi danh sách đóng tiền để nắm. Tuy nhiên, ngay tại lớp, cô giáo đã bóc phong bì kiểm tiền rồi mời 2 em có phong bì nhiều nhất (500.000 đồng) đứng lên trước lớp để tuyên dương. Liệu học sinh sẽ có suy nghĩ, ngoan là cần đóng nhiều tiền? Câu chuyện khác tại lớp 10 một trường THPT của quận Hoàng Mai (TP Hà Nội): Một phụ huynh vì từ chối đóng góp những khoản tiền vô lí của quỹ lớp (chi cho đại hội đoàn, sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt theo chủ đề...) mà con đến lớp đã bị bạn bè mỉa mai, châm chọc. Thậm chí có cả phụ huynh khác cũng chê bai, lăng mạ vị phụ huynh này trên Facebook. Mô hình hội cha mẹ học sinh ban đầu chủ yếu hỗ trợ các hoạt động giáo dục học sinh, gắn kết gia đình với nhà trường, động viên, khen thưởng các em trong học tập nay gần như đã thay đổi hẳn chức năng. Nếu không sớm trả lại mô hình hội cha mẹ học sinh như ban đầu thì sẽ chỉ làm xấu đi hình ảnh của “vườn ươm tri thức”, nơi cần môi trường thanh sạch để đắp xây nhân cách làm người cho mỗi học sinh./. Đinh Hoàng Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 22 tháng 01 năm 2021 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét