Thứ Tư, 6 tháng 1, 2021

Đầu tư

Bán “tổ” hay đợi thu “trứng”?

Quê tôi là vùng đồng chiêm trũng, chốn nghèo khó của tỉnh Bắc Ninh. Đầu những năm 2000 mỗi làng cũng chỉ có chừng chục ngôi nhà xây kiên cố hai ba tầng. Còn lại chủ yếu nhà 3 gian, 4 gian lợp ngói, đây đó vẫn còn những mái tranh nấp dưới lũy tre làng.

Nếu ai đi xa quê chừng hơn chục năm nay mới về thì sẽ khó mà nhận ra bộ mặt làng xóm xưa. Từ xa nhìn lại làng xóm chỉ thấy san sát nhà xây ba bốn tầng, kiến trúc đẹp, sơn màu đủ loại chẳng khác gì những khu phố thị.

Đời sống thay đổi nhanh chóng là nhờ người dân đã cơ bản chuyển đổi nghề nghiệp. Xưa làm ruộng mỗi năm mỗi gia đình thu về vài tấn lúa đã là khá. Nay từ trung niên xuống lớp trẻ đều trở thành công nhân tại các khu công nghiệp, người lương thấp cũng 6-7 triệu, người cao thì hơn chục triệu mỗi tháng, chỉ vài tháng lương đã bằng làm ruộng cả năm. Nhà nào hai vợ chồng trẻ làm công nhân thì mỗi tháng đong được vài tấn thóc, giá trị hơn một vụ lúa trước đây.

Công nhân của một doanh nghiệp trong Khu Công nghiệp Quế Võ trong ca làm việc

Người dân các tỉnh công nghiệp hóa đang được hưởng lợi từ đường lối chuyển đổi công nghiệp hóa mạnh mẽ. Các khu công nghiệp (KCN) phát triển, mở rộng đã thu hút lao động, tạo sinh kế cho hàng trăm nghìn dân thoát nghèo, khá giả trong một thời gian không dài.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tại nhiều tỉnh thành gần đây Thủ tướng thường nhắc một thông điệp “muốn đón được đại bàng, cần tạo tổ đại bàng”. Các doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn, đặc biệt là doanh nghiệp FDI chính là những con đại bàng. Nơi hấp dẫn đại bàng đến làm tổ chính là hạ tầng giao thông, đất đai các KCN và thể chế. Đón được những con “đại bàng” đến xây tổ, người dân sẽ hưởng lợi khi chúng “sinh sôi”. Nhiều KCN tại các huyện của Bắc Ninh đang là những địa chỉ mà hàng trăm “đại bàng” đã “làm tổ” và đang “đẻ trứng”. Thành quả đó người dân thụ hưởng và cảm nhận rõ nhất.

Trước những thông tin về khả năng dịch chuyển sản xuất từ một số nước đến Việt Nam, gần đây thị trường bất động sản (BĐS) công nghiệp đang có sự tăng giá bất thường, nhất là tại TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hà Nội, Bắc Giang… Các chuyên gia tư vấn BĐS nhận định mặt bằng giá BĐS công nghiệp tại một số thủ phủ công nghiệp cả phía Nam và phía Bắc đều đã tăng từ 50-100% so với cùng kì năm trước.

 


Hiện hầu hết đất được nhà nước thu hồi dành cho các KCN là từ đất nông nghiệp. Giá bồi thường đất nông nghiệp rất thấp nên người hưởng lợi chính là các nhà đầu tư BĐS hoặc ban quản lí KCN được giao đất và cho thuê lại. Nếu doanh nghiệp BĐS, ban quản lí KCN đẩy giá thuê quá cao sẽ khiến các nhà đầu tư lo ngại, hạn chế sức hấp dẫn của môi trường đầu tư. Lợi nhuận thu được từ BĐS KCN rất nhỏ so với nguồn lợi mang về cho hàng nghìn lao động.

Các địa phương cần có giải pháp phù hợp quản lí thị trường BĐS công nghiệp, đừng để vì mối lợi của một vài doanh nghiệp mà mất đi những lứa “thu hoạch trứng” của đại đa số người lao động./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 06 tháng 01 năm 2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét