Thứ Năm, 31 tháng 12, 2020

Văn hóa

 

Di tích lịch sử văn hóa hay địa chỉ mê tín?

Đền thờ Bà chúa Kho tại làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh đã được Nhà nước xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp Quốc gia.

Đền Bà Chúa Kho

Tương truyền vào đời nhà Lý, Bà có công giúp triều đình trông coi kho lương thực tại Núi Kho, bên cạnh dòng Như Nguyệt (sông Cầu ngày nay). Bà đã bị giặc giết khi phát lương cứu đỡ dân làng trong cuộc kháng chiến chống quân Tống vào ngày 12 tháng 1 năm Đinh Tỵ (1077). Ghi nhận công đức và thương tiếc, nhà vua phong cho Bà là Phúc Thần.

Không rõ từ khi nào người ta đã biến một di tích danh nhân thanh liêm, đức độ thành địa chỉ mê tín dị đoan cầu lợi? Hằng năm, cao điểm vào tháng cuối năm và đầu năm âm lịch, khách từ khắp cả nước đến để xin lộc, “vay vốn” từ “kho” của Bà để cầu tài, cầu may mắn. Ai đến cũng sắm lễ, tiền vàng, người ít thì dăm bảy trăm nghìn, người nhiều thì hàng triệu đồng hoặc hơn với tâm niệm là phải có lễ (khi xin, vay) và trả lễ (khi năm hết Tết đến) thì Bà mới phù hộ, nếu thất lễ thì Bà sẽ quở trách!?

Tệ chạy chọt, hối lộ ngoài đời thường đã lây lan sang chốn tâm linh tôn nghiêm. Đền Bà Chúa Kho nay mặc nhiên trở thành nơi để người ta chạy chọt thần linh, đồng nghĩa làm xấu đi hình tượng danh nhân lịch sử văn hóa.

Một danh nhân cả đời thanh liêm, dũng cảm hi sinh cứu dân, vì nước, được vua khen thưởng liệu có sẵn sàng bán danh dự của mình để ăn “của đút lót” rồi “tuồn” công quỹ cho người trên trần? Những câu chuyện đồn thổi truyền tai chỉ là trò mê tín người ta vẽ ra, tự nhủ để hi vọng. Người làm ăn được thì nghĩ là do Bà Chúa phù trì, kẻ kinh doanh thất bát, thua lỗ thì nghĩ khiếm khuyết điều gì đó nên bị “Bà quở trách”. Chuyện làm ăn kinh doanh lúc thuận lợi, khi khó khăn là lẽ thường tình và chủ yếu do con người, chẳng thần linh lào có thể phù giúp. Nếu được như vậy thì có lẽ những kẻ làm ăn bất chính sở hữu hàng kho tiền, cả đống tài sản như Trịnh Xuân Thanh, Trầm Bê, Hà Văn Thắm, Bầu Kiên… chẳng bao giờ phải vào tù.

Lò hóa vàng mã tại đền Bà Chúa kho đỏ lửa hang tháng trời dịp cuối năm cũ, đầu năm mới.

Không chỉ làm “bẩn” danh tiếng Bà Chúa Kho, hoạt động mê tín đang gây ô nhiễm môi trường không khí nơi đây. Những tháng cao điểm khách lễ thì lò hóa vàng mã tại đền (rộng bằng gian nhà) rực lửa suốt ngày đêm. Chỉ riêng lượng giấy vàng mã được “hóa” mỗi ngày cũng đến cả tấn, hàng trăm triệu đồng được đốt cháy để tạo thêm ô nhiễm.

Có lẽ do nguồn lợi từ hoạt động mê tín thu được không nhỏ cho cả cá nhân và ban quản lí đền nên địa phương không có động thái nào hạn chế những mặt trái tại đây. Việc tuyên truyền tấm gương, công lao của danh nhân Bà Chúa Kho là rất cần thiết nhưng có lẽ nằm ngoài hoạt động của ban quản lí.

Việc người dân sùng tín đến thăm và hành lễ tại đền không thể cấm đoán. Tuy nhiên, việc cấm sử dụng và đốt hương, vàng mã gây nhiều hệ quả không tốt chẳng lẽ nằm ngoài tầm tay của địa phương?/.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 30 tháng 12 năm 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét