Trẻ có đang bị bóc lột?
Thông thường khi nói đến bóc lột sức lao động người ta nghĩ đến một công việc lao động chân tay nào đó để mang về lợi ích cho người sử dụng lao động. Thực tế thì lao động có khá nhiều hình thức trong đó có những lao động khó “nhận mặt”. Bóc lột lao động trẻ em là điều pháp luật nghiêm cấm dưới mọi hình thức, với mọi chủ nhân sử dụng lao động, kể cả cha mẹ. Tại Điều 26 Luật Trẻ em năm 2016 quy định, trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bóc lột sức lao động; không phải lao động trước tuổi, quá thời gian hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật; không bị bố trí công việc hoặc nơi làm việc có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ em. Tuổi thơ cần được vui chơi hơn là thi thố Đó là những thiết chế luật pháp của xã hội văn minh để trẻ em được phát triển bình thường về thể chất, trí tuệ, nhân cách, không ảnh hưởng đến việc học tập tri thức. Dưới chế độ xã hội của ta hiện nay trẻ em ngày càng được sự quan tâm, chăm sóc của gia đình, nhà trường và xã hội. Cảnh trẻ em phải lao động kiếm sống hoặc vì mục tiêu vật chất của gia đình ngày một được hạn chế, khắc phục. Tuy nhiên, việc lợi dụng trẻ em nhưng được ẩn trong những hoạt động có tên gọi đẹp đẽ, nhân văn thì không mấy người nhận ra, thậm chí người ta còn cổ súy, khích lệ chính con em mình. Một trong những hoạt động có thể kể ra, đó là sự nở rộ các chương trình “thi thố” của trẻ em trên truyền hình. Rất nhiều chương trình truyền hình từ trung ương đến địa phương thu hút khán giả như Giọng hát Việt nhí, Thần tượng âm nhạc nhí, Bước nhảy hoàn vũ nhí, Gương mặt thân quen nhí, Người hùng tí hon, Người mẫu nhí Việt Nam hay chương trình Rap Kids đang diễn ra gây nhiều phản ứng trái chiều. Cuộc thi “Nhí tài năng” trên VTC11 Đã có một số đại biểu Quốc hội từng lên tiếng phản ứng về những gameshow dành cho trẻ em, coi đó là hành vi xâm hại trẻ em nhưng lại đang diễn ra công khai trên truyền hình, thậm chí còn được cổ suý vì được khoác lên mình bỏ bọc văn hóa, tìm kiếm tài năng... Thực chất những chương trình gameshow như trên chỉ thoả mãn cho sự hãnh tiến của các bậc phụ huynh, mang về lợi nhuận cho nhà sản xuất, nhà đài. Để có thể tham gia mỗi chương trình gameshow, ngoài đầu tư thời gian tiền bạc của gia đình thì trẻ em cũng phải bỏ ra công sức, trí tuệ và hoạt động trong một môi trường nhạy cảm, nhiều tác động bất lợi với lứa tuổi non nớt. Khi thất bại hoặc kể cả thành công thì trẻ em đều chịu sức ép, chi phối tới sự phát triển bình thường và nhân cách. Cái được cuối cùng chỉ là sự háo danh của người lớn và lợi nhuận của nhà tổ chức. Đã đến lúc cơ quan quản lí về giáo dục, văn hóa cần có trách nhiệm chấn chỉnh thực trạng này, trả lại quyền lợi cho trẻ em./. Đinh Hoàng Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 02 tháng 12 năm 2020 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét