Lãnh địa và chuỗi giá trị
Từ lãnh địa từ xưa thường để chỉ vùng đất thuộc quyền chiếm hữu và cai quản của lãnh chúa. Nay từ này đôi khi vẫn được dùng để ám chỉ khu vực, phạm vi, quyền quản lí của cá nhân, tổ chức như một phạm vi riêng, độc quyền. Không ít người nay vẫn còn ảnh hưởng tư duy lãnh địa xưa, muốn thu nguồn lực công về địa phương, ngành, cơ quan, tổ chức mình.Tư duy lãnh địa, cát cứ có thể tăng quyền lực, sức mạnh của một chủ thể hạn hẹp nhưng sẽ hạn chế sức mạnh của một tập thể lớn, ở tầm vĩ mô nó sẽ hạn chế tới sức mạnh, làm phân tán nguồn lực quốc gia. Hình tượng chiếc đũa và bó đũa nói lên điều này. Ví dụ như trong đầu tư xây dựng công trình giao thông, hiện đang có tình trạng nhiều địa phương chạy đua xin xây dựng sân bay. Hà Nội có 2 sân bay Nội Bài, Gia Lâm nhưng đề xuất thêm sân bay tại huyện Ứng Hòa. Tỉnh Ninh Thuận chỉ cách sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa) chừng 60km cũng đang đề xuất quy hoạch sân bay Thành Sơn. Còn Hà Tĩnh nằm giữa hai sân bay Vinh (Nghệ An) và Đồng Hới (Quảng Bình) cũng đề xuất xây dựng sân bay riêng. Trong khi sân bay Điện Biên đìu hiu hành khách thì tỉnh miền núi Cao Bằng cũng xin xây sân bay... Trong số 22 sân bay hiện hữu ngoài vài ba sân bay lớn có lợi nhuận, còn lại hầu hết năng lực khai thác khiêm tốn, không ít đang kinh doanh thua lỗ vẫn phải chi phí vận hành bộ máy gây ra lãng phí lớn nguồn lực quốc gia.
Sân bay Điện Biên thường xuyên vắng khách Trong công tác quản lí của cơ quan chức năng cũng tồn tại tư duy cát cứ “quyền anh, quyền tôi”. Một bộ luật chuyên ngành nhưng trách nhiệm vận hành không chỉ của một ngành. Gần đây có đề xuất chia Luật Giao thông đường bộ thành hai luật, do hai cơ quan soạn thảo lại. Có lẽ do bất cập trong phối hợp thi hành luật dẫn đến chồng chéo, “dẫm chân” nhau. Song nếu việc “tách luật” được Quốc hội thông qua liệu guồng máy có vận hành thuận lợi và tốt hơn hay sẽ sinh ra những lỗ hổng? Việt Nam đang phấn đấu để trở thành một mắt xích trong chuỗi giá trị toàn cầu. Sau hàng chục năm công nghiệp hóa song tới nay nền khoa học, công nghệ của ta như vẫn “bên rìa” chuỗi giá trị đó với một số sản phẩm phụ trợ. Từ chiếc điện thoại thông minh cho đến chiếc ô tô đời mới, doanh nghiệp Việt mới chỉ gia công những chi tiết đơn giản, giá trị thấp. Muốn sở hữu công nghệ hiện đại phải có nguồn lực lớn để đầu tư. Các doanh nghiệp của ta mạnh ai nấy làm, chưa cùng nhau tạo nên sức mạnh. Nếu các doanh nghiệp không liên kết với nhau sẽ khó tạo được nguồn lực đủ lớn để có những công nghệ hiện đại. Samsung đến đầu tư đã lâu song VN cũng chỉ tham gia sản xuất vài chi tết giản đơn Hi vọng ngày nào đó, một sản phẩm như chiếc ốc vít made in Vietnam có thể lắp ráp trên chiếc xe Mercedes bên châu Âu; cuộn dây dẫn điện Cadivi có thể lắp trên chiếc Boeing bên Mỹ... Tuy nhiên, tư duy cát cứ, lãnh địa vẫn tồn tại đang là rào cản lớn. Khi “chuỗi giá trị nội địa” vẫn còn nhiều vấn đề bất cập thì để bước vào chuỗi giá trị toàn cầu sẽ là câu chuyện xa xôi./. Đinh Hoàng Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 29 tháng 12 năm 2020 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét