Thứ Năm, 17 tháng 12, 2020

Giáo dục

 

Xây dựng môi trường giáo dục nhân văn

 

Không chỉ cán bộ, giáo viên, học sinh hệ giáo dục phổ thông mà toàn xã hội đều phấn khởi đón nhận một thông tư của ngành giáo dục. Đó là Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc Ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học (có hiệu lực từ 1/11/2020).

Điểm được coi là nhân văn, tiến bộ hơn thông tư cũ trong công tác quản lí, giáo dục học sinh, đó là bỏ quy định về xử lí kỉ luật học sinh bằng hình thức phê bình trước lớp, trước trường.

Ảnh minh họa

Bạo lực trong giáo dục tồn tại lâu nay cả tại gia đình và nhà trường với nhiều hình thức khác nhau. Những kì thị, cưỡng bức về thể chất hay tinh thần đều có thể coi là bạo lực. Một lời phê phán công khai đôi khi còn gây tổn thất tinh thần hơn nhiều lần những roi vọt.

Bỏ quy định xử lí kỉ luật học sinh như thể “bêu gương” trước tập thể chính là loại bỏ một dạng thức bạo lực tinh thần, sẽ tránh được tình trạng học sinh cảm thấy xấu hổ, ngại với bạn bè khi bị phê bình rồi dẫn đến những hành vi tiêu cực như chán ghét thầy cô, xa lánh bạn bè, thậm chí bỏ học…

Trong thời đại công nghệ 4.0 thì chỉ một cái nhấp chuột đã có thể cập nhật những thông tin về văn bản quy phạm pháp luật mới nhất. Nhế nhưng có vẻ Thông tư 32 nói trên đang “chậm chạp” đi tới nơi nó cần đến để “thẩm thấu” vào hoạt động giáo dục.

Tròn một tháng Thông tư 32 có hiệu lực đã xảy ra một vụ việc đau lòng từ hệ quả công tác xử lí kỉ luật học sinh. Uất ức trước việc bị nêu tên trước toàn trường, một nữ sinh lớp 10 của Trường THPT Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) đã tự tử ngay trong khuôn viên trường học để lại lá thư tuyệt mệnh đẫm nước mắt. Vụ việc càng gây bức xúc dư luận khi thông tin nghi vấn nguyên nhân sâu xa bởi học sinh không chịu tham gia học thêm (có thu phí) các môn học mà trường tổ chức.

Một góc Trường THPT Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang)

Mái trường, bục giảng xưa nay được coi là nơi tôn nghiêm, trân quý. Thầy cô mô phạm, trọng liêm sỉ thường không muốn vướng bận chuyện tiền nong với học trò. Việc mở lớp học thêm, dạy thêm vốn được coi là nhân văn, hỗ trợ học sinh tiến bộ nhưng đồng nghĩa người ta tự nhận chất lượng dạy của mình không đạt yêu cầu. Song khi cả học sinh giỏi cũng được vận động học thêm (nữ sinh lớp 10 kể trên là học sinh giỏi nhiều môn) thì thực chất mục tiêu dạy thêm đã chệch hướng.

Lạm thu, lạm dạy thêm, học thêm là thực trạng nhức nhối bao năm dù ngành giáo dục muốn loại bỏ song vẫn đang bất lực. Thực trạng buồn này chính là nguyên nhân sâu xa khiến môi trường vốn trân quý mất đi bản chất nhân văn cần có.

       Nơi mà người thầy, lãnh đạo nhà trường là những tấm gương mẫu mực, vô tư, “tất cả vì học sinh thân yêu”, còn học trò cảm nhận “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, đó mới là môi trường có thể nuôi trồng được những nhân cách cho tương lai./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 17 tháng 12 năm 2020 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét