Không thể mãi nhân văn với vi phạm
Khi nữ bệnh nhân số 17 tại Hà Nội biết nhiễm bệnh, cố tính trốn tránh cách li, gây phát tán dịch Covid-19 ra cộng đồng hồi đầu tháng 3 đã làm rúng động dư luận Thủ đô. Thiệt hại từ hành vi vô trách nhiệm của một cá nhân là quá lớn. Bức xúc trước hành vi vô ý thức của bệnh nhân này, đã có nhiều ý kiến đề nghị cần xử lí nghiêm theo Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) để làm gương, răn đe những người kém ý thức, vô trách nhiệm với cộng đồng. Không rõ vì lí do gì mà sau đó nữ bệnh nhân này không bị xử lí hình sự. Trước những bức xúc, phê phán của cộng đồng mạng, chị em bệnh nhân này còn trả lời báo chí nước ngoài bịa đặt, nói xấu đất nước, nơi họ sinh ra, đã cưu mang, cứu chữa họ và người thân khỏi bệnh. Có lẽ chưa có những “tấm gương” được xử lí nghiêm minh bằng pháp luật nên đến nay vẫn còn một số người “hồn nhiên” vô ý thức, thiếu trách nhiệm trước cộng đồng khi nguy cơ dịch bệnh đang rình rập. Đường Phạm Văn Chí, quận 6, TPHCM nơi bị phong tỏa tối 1/12 vì có ca nhiễm nCoV. Trường hợp nam tiếp viên của hãng hàng không Vietnam Airlines (BN số 1342) làm việc trong môi trường này chắc chắn nhận thức được bản thân thuộc một trong các trường hợp phải cách li y tế. Tuy nhiên anh ta đã cố tình đi lại và tiếp xúc nhiều người, không thực hiện các biện pháp an toàn và đã làm lây lan dịch bệnh cho cộng đồng. Theo điểm c, Khoản 1, Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) thì trường hợp trên sẽ bị xử lí về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người”. Trong đó, khung hình phạt thấp nhất đối với tội danh này là phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm; còn khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 10 năm đến 12 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm. Có thể thấy, điều luật khá nghiêm khắc. Chỉ vì ý thức kém của bệnh nhân trên mà hàng nghìn người trên địa bàn thành phố đông dân nhất cả nước bị đảo lộn cuộc sống, công việc. Thiệt hại về công tác phòng chống dịch bệnh, thiệt hại trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… của tổ chức và cá nhân và cả nền kinh tế khó có thể đong đếm. Đặc biệt rất nhiều người, nhất là người cao tuổi đứng trước nguy cơ nhiễm Covid-19. Tuyên truyền đã nhiều. Quy định điều luật khá đầy đủ, nghiêm minh. Nhà nước không thể mãi nhân văn, “nương tay” trước những hành vi sai trái, vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng nghiêm trọng trật tự, an toàn xã hội. Có lẽ cơ quan chức năng đã nhận thức được điều này nên ngày 3/12 Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố vụ án hình sự “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người” kể trên. Có thể coi đây là vụ xét xử làm điểm để giáo dục chung, duy trì kỉ luật, trật tự xã hội giữa đại dịch. Pháp luật nghiêm minh mới tạo được môi trường an toàn, yên tâm phát triển kinh tế, xã hội trong trạng thái bình thường mới!/. Đinh Hoàng Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 04 tháng 12 năm 2020 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét