Doanh nghiệp “đá” doanh thu
Theo khái niệm kinh doanh, doanh thu là tổng giá trị các lợi ích kinh tế của doanh nghiệp (DN) thu được trong kì kế toán, phát sinh từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường và các hoạt động khác của DN, góp phần làm tăng vốn chủ sở hữu, không bao gồm khoản vốn của cổ đông hoặc chủ sở hữu (theo chuẩn mực kế toán VAS 01 của Bộ Tài chính). Bất kì DN nào cũng mong muốn đạt doanh thu lớn và không ngừng tăng lên, có như vậy lợi nhuận mới tăng theo. Một trong những vấn đề gây bức xúc với DN vận tải hành khách lâu nay, đó là trong khi hầu hết chịu thế doanh thu 10% thì lại có loại hình kinh doanh tương tự (vận tải thông qua ứng dụng công nghệ) không chịu thuế doanh thu. Sự bất bình đẳng này xảy ra từ khi Bộ Giao thông Vận tải cho phép thí điểm ứng dụng gọi xe công nghệ với hãng Uber, Grab. Đã xảy ra vụ kiện giữa hãng taxi Vina Sun với DN Grab. Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh đã tuyên án Grab phải bồi thường cho Vina Sun 4,8 tỉ đồng. Sau vụ kiện này, và Bộ GTVT có Nghị định số 10 thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải. Vừa qua Chính phủ lại có Nghị định 26/2020/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lí thuế. “Đường ray” luật pháp được định hình để các DN bình đẳng kinh doanh trong một thị trường chung. Có lẽ mấy năm liền được hưởng “ưu ái”, thu lợi nhuận lớn do chỉ nộp khoản thuế ít ỏi vài ba phần trăm nay bỗng phải nộp 10% khiến hãng taxi công nghệ thấy “sốc”. Nghị định 26 quy định taxi công nghệ và taxi truyền thống đều chịu mức thuế như nhau mà không phải là quy định tăng thuế. Thế nhưng hãng Grab lại có cách hành xử khác thường, phần doanh thu tăng lên so với trước đây họ chuyển hết sang cho tài xế và cuối cùng là khách hàng gánh chịu. Ai cũng biết, làm như vậy lợi nhuận của Grab sẽ được giữ vững. Tài xế muốn giữ ổn định thu nhập bắt buộc phải tăng giá cuốc xe. Trong tình hình thị trường giá cước đã định hình, tương đồng thì việc tăng giá cước đồng nghĩa mất đi khách hàng, nếu muốn giữ khách thì tài xế phải tự giảm đi thu nhập. Phản ứng trước động thái bất công của hãng Grab tăng 5-6% giá dịch vụ, vừa qua hàng nghìn tài xế của hãng này đã biểu tình và tắt ứng dụng đòi hỏi chủ DN có chính sách phù hợp, đúng pháp luật với người lao động.
Các tài xế hang Grab biểu tình phản đối giới chủ tăng giá cuốc xe
Grab cũng bị phản đối tại Indonesia Việc tài xế Grab phải bỏ tiền đầu tư công cụ sản xuất (chiếc xe), chỉ hưởng lương trích từ mỗi cuốc xe, không có bảo hiểm (xã hội, y tế, thất nghiệp) chắc chắn chủ hãng phải biết. Họ thu đầy đủ doanh thu từ mỗi người lao động, không chịu khấu hao tài sản nhưng thuế lại dồn chủ yếu xuống vai người trực tiếp sản xuất? Liệu có loại hình kinh doanh nào “nhẹ nhàng” và thu lợi như thế, khi đó chỉ là vận hành một phần mềm ứng dụng đặt xe trên nền tảng Internet? DN kinh doanh ở bất kì thể chế kinh tế nào cũng cần thực hiện văn minh, đạo đức kinh doanh và thượng tôn pháp luật, không thể có ngoại lệ hay đặc ưu./. Đinh Hoàng Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 18 tháng 12 năm 2020 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét