Đoạt tiền “dương phủ”
Đồng tiền được con người cõi trần sử dụng để trao đổi giữa các giá trị. Tiền “âm phủ” được người mê tín tạo ra để cúng người đã về cõi âm, cúng ma tà vì nghĩ rằng nơi đó cũng cần tiền bán mua. Thế nhưng nay có những loại “ma” không dùng tiền âm phủ mà chuyên tìm cách đoạt tiền dương thế, đó là các doanh nghiệp “ma”.
Được gọi là ma có lẽ vì loại doanh nghiệp này thiên biến vạn hóa, thoắt ẩn, thoắt hiện, có như không, không nhưng mà có. Khi doanh nghiệp được cơ quan có thẩm quyền cấp phép kinh doanh thì nó hiện hữu. Thành lập xong, xin mã số thuế, mua được hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) thì bắt đầu tàng hình “như ma” trong hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp chẳng cần sản xuất kinh doanh, chỉ với các thủ thuật mua bán trên giấy rồi đến cơ quan thuế mang về “tiền tươi thóc thật”. Báo Người cao tuổi từng có bài về thực trạng “doanh nghiệp ở ẩn” mấy năm trước khi xảy ra những vụ trục lợi hoàn thuế GTGT của doanh nghiệp “ma”. Khi đó với con số mấy chục, mấy trăm tỉ những tưởng đã đủ lớn để cơ quan chức năng “động lòng” và rốt ráo vào cuộc. Thế nhưng dường như thực trạng này vẫn đang trên đà phát triển. Đầu tháng 9 vừa qua Công an thành phố Hải Phòng đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng Ngô Văn Phát (biệt danh đại gia Phát “dầu”) ở số 9 Lê Hồng Phong, quận Hải An, TP Hải Phòng để điều tra hành vi mua bán trái phép hóa đơn GTGT. Số hóa đơn liên quan đến vụ án Phát “dầu” có giá trị lên tới hơn 5.000 tỉ đồng! Như vậy, chỉ cần vài ba chục “doanh nghiệp ma” tầm cỡ như đại gia Phát “dầu” có thể coi nền kinh tế sẽ mắc chứng “xuất huyết” tiền thuế. Vì sao đã qua hàng chục năm thực hiện Luật Thuế GTGT mà đến nay ta vẫn như “bó tay” trước nạn trục lợi, “rút ruột” tiền thuế? Một doanh nghiệp được “sinh ra, nuôi dưỡng” có trách nhiệm của nhiều cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Cơ quan kế hoạch đầu tư cấp phép thành lập doanh nghiệp, cấp phép đăng kí kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014. Điều 209 của luật này quy định khá đầy đủ với 7 nhiệm vụ của cơ quan đăng kí kinh doanh. Nếu thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nhiệm vụ trên thì khó có doanh nghiệp nào có thể “tay không bắt giặc”. Luật Quản lí Thuế với 17 chương, 152 điều xem ra cũng chẳng còn “lỗ hổng” để doanh nghiệp “ma” lợi dụng nếu các điều luật được thực thi nghiêm minh. Vậy nhưng hiện các tờ hóa đơn GTGT đang như những tấm “séc khống”, doanh nghiệp “ma” chỉ cần ghi vào con số và “lĩnh tiền” từ ngành thuế! Những vụ phát hiện, triệt xóa doanh nghiệp “ma” của ngành công an chỉ là khâu cuối để giải quyết hậu quả của việc yếu kém trong quản lí. Điều luật đầy đủ, trách nhiệm của nhà quản lí, nghĩa vụ của doanh nghiệp đều “rõ như ban ngày”, vậy vì sao “ma” vẫn ngang nhiên phù phép, chiếp đoạt được tiền “dương phủ”? Phải chăng tiền chảy được vào túi “ma” vì trong đội ngũ quản lí đang có những người bị “ma rủ”?/. Đinh Hoàng Bài
bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 01 tháng 12 năm 2020 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét