Thứ Tư, 23 tháng 12, 2020

Chính trị

 

Căn nguyên “bệnh” vô cảm

Con người hay bất cứ thực thể sống nào cũng đều có cảm xúc trước tác động của ngoại cảnh, không thể vô cảm.

Nhưng gần đây ta hay được nghe nhắc tới “bệnh” vô cảm trong những người có chức quyền của cơ quan quyền lực nhà nước. Vậy căn bệnh đó là thế nào và căn nguyên từ đâu?

 

Nước mắt dân oan Thủ Thiêm

Luật pháp không có chỗ cho cảm xúc, đặc biệt là chốn công đường. Hình tượng Bao Công trên phim ảnh cho ta cảm nhận một sự lạnh lùng, nhưng lạ thay vẫn thấy một Bao Công đầy tình người vì những phán quyết luôn đúng đắn, luôn là chân lí.

Ngược lại, những phán quyết dựa trên điều chưa đúng đắn, không phải là chân lí khiến mọi người cảm nhận được sự vô cảm. Do vậy, tồn tại bệnh vô cảm thường gắn liền với những bất cập, lỗ hổng, thậm chí sai lầm trong chính sách, pháp luật. Người thực thi chính sách có thể có niềm tin hoặc cố để tin rằng những việc mình làm là đúng đắn, là chân lí dù nó dựa trên những chính sách được ban hành không đúng đắn.

Tham nhũng chính sách gần đây đã được các lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhắc tới không dưới một lần.

Nhà nước có thẩm quyền ban hành chính sách. Thẩm quyền đó lại thông qua những con người cụ thể. Đó là những người có quyền hoạch định chính sách, thẩm định và thông qua chính sách, dù họ cần được hệ thống tập thể, dân chủ (Hội đồng Nhân dân, Quốc hội) “đóng dấu” để thực thi. Một cá nhân khó có thể cài cắm ý tưởng tư lợi vào chính sách, nhưng một “nhóm lợi ích” đủ mạnh thì có thể làm được điều này. Và khi đó, việc “tham nhũng chính sách” coi như đã hoàn thành.

Một số chuyên gia luật pháp, kinh tế đã chỉ ra, tham nhũng chính sách mang lại lợi ích siêu lớn cho những kẻ tham nhũng, đồng thời cũng để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng cho đất nước. Một chính sách phát triển ngành, địa phương méo mó được thông qua có thể mang lợi lợi ích rất lớn cho một số người, nhưng đồng thời cũng làm cạn kiệt các nguồn lực của đất nước. Một quyền năng không chính đáng được cài vào trong luật có thể hợp pháp hóa sự nhũng nhiễu vô tận của một số công chức, nhưng đồng thời cũng làm cho đời sống của người dân, hoạt động của doanh nghiệp vào vòng khốn đốn.

Mấy năm trước, khi nước mắt dân oan Thủ Thiêm vỡ òa thì nhiều người mới hiểu rằng người dân nơi đây đã bị sự vô cảm “phong tỏa” quá lâu, bị đè nén quá nặng nề. Nhưng có thể một số hoặc không ít người chức quyền vẫn tin rằng họ thực thi đúng pháp luật, họ có chỗ dựa là những quy định, quy hoạch, điều luật còn hiện hữu… vì vậy, họ không thể cảm nhận nỗi đau của người dân.

Muốn ngăn ngừa và sửa được bệnh vô cảm thì trước tiên phải ngăn ngừa được những chính sách sinh ra không xuất phát từ sự đúng đắn, không phải là chân lí./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 23 tháng 12 năm 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét