Thứ Năm, 21 tháng 1, 2021

Xã hội

 

Phóng sinh sao cho an lành

Buổi sáng sớm mỗi thứ Bảy hằng tuần ai đi qua khu vực trước chùa Tĩnh Lâu bên Hồ Tây sẽ gặp cảnh nhóm (chừng 40-50 người) đứng hướng ra hồ chắp tay tụng kinh du dương như một dàn đồng ca kéo dài hàng tiếng đồng hồ. Bên cạnh là dăm bảy thùng nhựa chứa đầy cá chép, trắm, lươn, chạch… những thực thể sống được mang đến đây để những người sùng tín phóng sinh sau buổi hành lễ.

Người phóng sinh có thể chẳng biết rằng, những tay “ngư tặc” Hồ Tây cũng đang đứng xem phía sau, ngắm thùng cá và toan tính cho mẻ lưới trộm nặng tay khi màn đêm buông xuống. Nếu biết thứ mình phóng sinh chỉ có thời gian sống tính bằng ngày, liệu họ có còn nhẫn nại hành lễ hết tuần này đến tuần khác?

Một con cá Hồ Tây vừa được đánh bắt

Tục phóng sinh theo tích cũ dân gian chỉ là cứu rỗi những sinh linh đang gặp nạn hiểm nguy, nếu không được cứu giúp kịp thời sự sống sẽ khó bảo toàn. Với tâm niệm cứu một mạng sống phúc đẳng hà sa, người ta gặp sinh linh lâm nạn thì cần ra tay cứu giúp. Đó mới là ý nghĩa thực chất và nhân văn của tục lệ phóng sinh động vật sống như cá, chim... Còn theo phật pháp khuyên nhủ thì việc phóng sinh cần làm: Phải phát xuất từ lòng từ bi, không vì ý nghĩa tư lợi; tự do, không phân lượng lớn nhỏ, ít nhiều; thực hiện âm thầm, chọn nơi vắng vẻ; nhanh nhẹn, rốt ráo tránh cho các sinh vật phải chịu kéo dài nỗi khổ sợ hãi, ngột ngạt, tù túng vì bị giam cầm...

Một tích cũ nay đang phát triển thái quá không còn đúng ý nghĩa ban đầu. Người ta thu bắt những sinh vật đang sống an lành mang đi hành lễ như thể đánh đổi với thần phật nhằm hi vọng mang lại phúc đức, an lành cho bản thân, gia đình. Quá trình đó có thể họ vô tình đã phạm lỗi sát sinh: Khi đánh bắt, vận chuyển sẽ có những con vật bị chết. Khi thả chúng xuống môi trường khác lạ cũng khiến chúng không thể sống được lâu. Và tệ nhất, những con cá mệt mỏi, lơ ngơ vừa được thả xuống tại Hồ Tây như kể trên phần nhiều bị đánh bắt trộm ngay sau khi được phóng sinh. Việc phóng sinh như thế chẳng khác nào phóng… tử! Nếu quả thực có thần phật, các đấng quyền linh liệu có bằng lòng với cách phóng sinh như thế? Có lẽ “các ngài” không trách phạt đã là may mắn cho những người vô tình sát sinh.

Cách phóng sinh không an toàn còn đang gây ra hệ quả ô nhiễm môi trường, phát tán sinh vật ngoại lai làm ảnh hưởng môi trường sinh thái của các hệ động, thực vật bản địa. Nạn ốc bươu vàng, rùa tai đỏ, tôm hùm đỏ… là hệ quả của việc dễ dãi, thậm chí buông lỏng quản lí, để người dân tự do phát tán ra môi trường những động vật ngoại lai có hại.

Nên chăng cơ quan quản lí, cả văn hóa và nông nghiệp cần có những quy định cụ thể việc phóng sinh khi thờ cúng để người dân tuân thủ, không gây hại tới môi sinh./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 21 tháng 01 năm 2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét