Thứ Năm, 14 tháng 1, 2021

Xã hội

 

Đừng để “nhiễm bệnh” từ thông tin độc hại

 

Một lời nói ra không cân nhắc dễ mang họa vào thân. Nếu ăn uống vô tội vạ, mất vệ sinh ắt sẽ mang bệnh. Bệnh nói ở đây chỉ đơn thuần về thể chất.

Có căn bệnh khác, đó là bệnh về tinh thần, tư tưởng, nó hình thành trong cách người ta “ăn” những thông tin không lành mạnh, thậm chí độc hại vào trong “bộ nhớ”.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng từng chia sẻ: Sống khỏe cần lưu tâm cả về thể chất và tinh thần. Nghĩa là mình cần đưa vào cơ thể những thứ sạch và tốt. Đó là thức ăn, đồ uống, tri thức, tin tức. Nên nhớ câu “họa từ miệng ra, bệnh từ miệng vào”…

 

Thời đại thông tin bùng nổ nên người ta có rất nhiều lựa chọn để thu nạp trên môi trường mạng, từ báo chí chính thống đến diễn đàn tự do không kiểm soát. Món hàng bán rong ngoài vỉa hè, trôi nổi ngoài chợ cóc, chợ dân sinh không thể so sánh với chất lượng hàng hóa trong siêu thị. Khi nhận phải hàng không đạt chất lượng, hàng giả trôi nổi thì người mua chỉ biết “tự chịu trách nhiệm”. Thông tin cũng vậy, nguồn tin không thể truy xuất gốc tích thì chẳng ai bảo đảm đó là đúng hay sai.

Khi đất nước còn trong chiến tranh chống ngoại xâm, dù thông tin hiếm hoi, khó tiếp cận nhưng kênh phát thanh của địch cũng có thể len lỏi vào cuộc sống tinh thần xã hội. Khi đó “nghe đài địch” là chuyện cấm kị vì nó tác động tâm lí vô cùng nguy hiểm với mọi tầng lớp người dân. Ngày nay mạng internet phủ toàn cầu nên việc tiếp cận mọi nguồn thông tin dễ dàng, việc quản lí của cơ quan quản lí không thể phủ khắp. Để không bị “nhiễm độc” thông tin thì mỗi người phải hình thành được sức “đề kháng”. Nhưng các nguồn tin độc hại ngày nay ngày một tinh vi hơn, được đan trộn với những thông tin thật khiến nhiều người từ bị lừa dối, nhầm lẫn đến bị “thu phục”, dần trở nên tin tưởng “hàng giả”.

Song, không ít người được coi là đã có sức “đề kháng” nhưng vẫn nhiễm độc thông tin. Đó là những người bất mãn khi còn đương chức không dám phản kháng, đến khi nghỉ tìm thấy sự “đồng cảm” với một số trang mạng, tờ báo nước ngoài thiếu thiện cảm với Đảng, Nhà nước ta. Dần dà họ “nghiện” và đồng hành các trang “ngoài lề” này, thậm chỉ cổ súy cho những điều bịa đặt. Khi đó là lúc họ đã thực sự nhiễm độc thông tin xấu và “phát bệnh”. Những phát ngôn, hành động đi ngược lại chủ trương, đường lối của Đảng của một số cá nhân thời gian qua là hệ quả của quá trình “tự đầu độc” và nhiễm độc thông tin.

Như thông lệ, cứ mỗi dịp đất nước chuẩn bị bước vào một sự kiện lớn như Đại hội Đảng, Bầu cử Quốc hội là nguồn thông tin độc hại, xuyên tạc, bóp méo tình hình trong nước lại nở rộ, mọc như nấm sau mưa. Lúc này mỗi người nên nghĩ tới lời chia sẻ của giáo sư Nguyễn Lân Dũng rằng, để sống khỏe cần lưu tâm cả về thể chất và tinh thần, cần đưa vào cơ thể những thứ sạch và tốt, trong đó có thông tin./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 14 tháng 01 năm 2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét