Thứ Ba, 30 tháng 3, 2021

“Tham nhũng vặt” và tiêu cực

 

“Tham nhũng vặt” và tiêu cực  

             Nếu bạn từng nằm điều trị tại bệnh viện hoặc đưa người thân vào điều trị (đặc biệt là ca nặng, ca phẫu thuật) sẽ thấy hiện tượng phong bì bồi dưỡng y bác sĩ đây đó vẫn tồn tại như một thứ “luật ngầm”. Bạn có thể không chấp nhận việc đó, song sẽ sớm nhận được “hệ quả”. Chẳng hạn như một mũi tiêm cắm “hơi mạnh”; một động tác thay băng gạc không được nhẹ nhàng của y tá khiến bệnh nhân đau điếng…

      Bạn từng xây dựng hay sửa chữa, cơi nới nhà dù đã xin phép nhưng nếu thiếu “quan tâm” tới cán bộ quản lí trật tự xây dựng tại địa bàn thì sẽ rơi vào hoàn cảnh nay bị phạt lỗi này, mai phạt lỗi khác, thậm chí đình chỉ xây dựng. Song, nếu “quan hệ tốt” thì dù xây vượt tầng nhà có thể người quản lí xây dựng cũng… “không biết”! 

 

      Lâu nay mọi người thường coi những hành vi nhũng nhiễu của một số cán bộ, công chức, viên chức khi thừa hành công vụ để tư lợi chỉ là “tham nhũng vặt”.

      Cụm từ này như mặc nhiên hạ thấp, giảm nhẹ mức nghiêm trọng của hành vi không đúng đắn, không được phép với bất kì người thừa hành công vụ nào.

      Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, tham nhũng là hành vi lợi dụng quyền hành để gây phiền hà, khó khăn và lấy của dân. Các hành vi tiêu cực, tham nhũng và các tệ nạn khiến một phần quyền lực chính trị được biến thành quyền lực kinh tế.

      Còn tại Luật Phòng chống tham nhũng số 36/2018/QH14 năm 2018, Điều 2 Luật này đã cụ thể hóa 12 nội dung của hành vi tham nhũng trong khu vực Nhà nước và 3 nội dung của hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài Nhà nước. Toàn bộ các nội dung trong Luật không có khái niệm “tham nhũng vặt”, tham nhũng dù tầm mức nào cũng vẫn là tham nhũng. Có lẽ coi là “vặt” nên nhiều hành vi tham nhũng chưa được quan tâm đúng mức trong công cuộc phòng chống tham nhũng ở các cấp, nhất là Bộ, ngành, địa phương.

      Ngày 18/3, tại tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ: “cần thiết nghiên cứu, đề xuất, báo cáo với Bộ Chính trị cho phép bổ sung thêm chức năng phòng, chống tiêu cực trong hoạt động của Ban Chỉ đạo. Nội hàm tiêu cực là gì, sẽ nghiên cứu kĩ, quy định thành quy chế để bảo đảm giữ gìn được phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ”. Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, “danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất, thêm cơ chế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đó chính là chống suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống”.

      Những hành vi “tham nhũng vặt” chính là sự tiêu cực của cán bộ, công chức, viên chức. Tuy có thể giá trị trục lợi không lớn nhưng cái mất mát lớn chính là phẩm chất đạo đức của cán bộ, công chức và đặc biệt là sự mất niềm tin của Nhân dân vào cả hệ thống công quyền.

       Tuyên chiến với hành vi tiêu cực, “tham nhũng vặt” trước hết trách nhiệm thuộc về người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức. Còn đối với người dân, doanh nghiệp khi đối diện với hành vi nhũng nhiễu cũng cần có dũng khí, cần nói không với tiêu cực./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 23 tháng 03 năm 2021

 

Thứ Hai, 29 tháng 3, 2021

Thứ bóng đá bạo liệt

 

Không chấp nhận thứ bóng đá bạo liệt

Có một bình luận viên bóng đá từng đặt tên cho hành động một cầu thủ tung chân đạp ngang chân đối phương là “đốn củi” và coi người đó như “gã tiều phu đốn củi”.

Xem lại đoạn băng cầu thủ Ngô Hoàng Thịnh vào bóng ở phút 28 của trận đấu giữa CLB Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội FC khiến tiền vệ Hùng Dũng chấn thương nặng thì câu ví von trên thật không quá!

“Thế kỉ 21 rồi mà bóng đá vẫn còn những nét hoang sơ như vậy thì thật xót xa! Bóng đá là nghề mà người ta cần quyết liệt để chiến đấu nhưng pha bóng này là thứ bóng đá thô bạo ngoài tầm suy nghĩ. Thật đáng buồn”, bình luận viên Ngô Quang Tùng đã phải thốt lên như vậy khi bình luận về pha phạm lỗi của Ngô Hoàng Thịnh.

 

Pha vào bóng bằng gầm giày của Hoàng Thịnh khiến Hùng Dũng gãy chân

Bóng đá là môn thể thao đồng đội đòi hỏi khá toàn diện với mỗi cầu thủ cả về sức khỏe, kĩ năng và nhất là nhận thức để vừa thực hiện tốt nhiệm vụ, vừa bảo đảm an toàn cho mình và đối phương, tạo nên nét văn hóa của môn thể thao vua. Pha bóng của Ngô Hoàng Thịnh cho thấy cầu thủ này hoàn toàn thiếu vắng những phẩm chất đó.

Cách đây mấy năm từng có những pha bóng vô cùng nguy hiểm như Quế Ngọc Hải vào bóng với tiền vệ Anh Khoa của SHB Đà Nẵng tại vòng 25 V-League 2015; pha phạm lỗi của Tăng Tiến với Duy Mạnh ở trận đấu lượt đi V-League 2018 giữa Hà Nội và Hoàng Anh Gia Lai tại sân Hàng Đẫy; pha thủ môn Trần Bửu Ngọc (Cần Thơ) đưa cả gầm giầy vào đầu gối tiền đạo Trịnh Duy Long trong trận Cần Thơ và Sài Gòn tại vòng 17 V-League 2016; pha đạp gãy chân Anh Hùng (An Giang) của tiền vệ Đình Đồng (Sông Lam Nghệ An) tại vòng 7 Eximbank V-League 2014 v.v. 

 

Những pha tranh cướp xấu xí như trên trong bóng đá nước ta đã giảm nhiều trong vài năm qua cùng những thành tựu vẻ vang trên đấu trường khu vực khiến bạn bè quốc tế bắt đầu để mắt tới nền bóng đá Việt Nam. Hình ảnh này chắc chắn khiến bóng đá Việt Nam xấu đi nhiều trong mắt bạn bè.

Hàng loạt trang báo thể thao nổi tiếng thế giới như Marca, AS hay Sport Bible... lập tức đã bình luận và đăng tải clip dẫn đến chấn thương của Đỗ Hùng Dũng. Tờ Marca của Tây Ban Nha còn giật tít: “Chấn thương kinh hoàng ở giải đấu tại Việt Nam khiến thế giới kinh sợ!”.

Tiền vệ Hùng Dũng, quả bóng vàng 2019 là sự lựa chọn số 1 trong vị trí này cho đội tuyển Việt Nam chuẩn bị vòng loại Worl Cup 2022 khu vực châu Á vào tháng 6 tới. Những giọt nước mắt và hành động tự đập tan chiếc điện thoại cầm tay của HLV Park Hang Seo cho thấy sự giận dữ, tiếc nuối và bất lực của ông khi nghe tin Hùng Dũng bị chấn thương gãy chân.

Sự thiếu vắng của Hùng Dũng sẽ là thiệt hại lớn với đội tuyển bóng đá Việt Nam trước cơ hội đi tiếp trên đấu trường quốc tế lớn mà hàng triệu con tim Việt Nam đang khao khát.

Để có một nền bóng đá sánh vai cùng các quốc gia khác cần rất nhiều điều, nhưng trước tiên ta phải kiên quyết loại bỏ thứ bóng đá bạo liệt và không thể chấp nhận những “gã tiều phu” trên sân cỏ!/.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 27 tháng 03 năm 2021

 

Thứ Năm, 25 tháng 3, 2021

Đánh thuế “chém gió”

 

Đánh thuế “chém gió”

Lớp trẻ sống ở Hà thành, nhất là học sinh, sinh viên có một thú vui ngoài giờ là “thưởng thức” trà chanh, trà đá và “chém gió” với bạn bè. Những câu chuyện vui, khoác lác vô thưởng, vô phạt chẳng chết ai, nó chỉ mang đến sự vui vẻ, nhất là khi ngồi tại một “quán cóc” bên Hồ Tây lộng gió.

Khác với cánh trẻ sinh viên, nay có những kẻ lấy “chém gió” làm một công cụ hái tiền thiên hạ.

Bạn có tin không khi chỉ ngồi nhà mỗi ngày vào một trang ứng dụng trên điện thoại mang tên MinePi để “điểm danh” vì được chủ trang hứa tính điểm và tích lũy tăng dần số tiền mang tên Pi Network, một đồng tiền sẽ có tương lai như Bitcoin? Hoặc như một số mô hình gọi vốn đầu tư tài chính trên mạng với lãi suất 180%/năm? Chắc chắn nhiều người không bao giờ tin, có người sẽ khẳng định đó là trò lừa đảo. Vậy nhưng vẫn có hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn người đổ cả trăm triệu, hàng tỉ đồng vào đầu tư vì tin tưởng vào những chuyên gia “chém gió”!

Năm trước rộ lên chuyện nhiều phi vụ giao dịch lan đột biến trị giá nhiều tỉ đồng, “bao người” kiếm tiền tỉ từ đầu tư mua đi bán lại giống lan quý hiếm này. Chuyện hư hư, thực thực và cũng chẳng rõ cá nhân cụ thể nào kiếm được tiền lãi khủng. Chỉ thấy nhiều người khóc dở mếu dở khi trót đầu tư lan rồi giá tụt, chẳng bán được cho ai, thậm chí mua phải lan nhân giống công nghiệp.

 

Chia sẻ thông tin giả về hoạt động mua bán lan đột biến có thể bị xử phạt

Bẵng đi một thời gian, gần đây lại rộ lên câu chuyện về một phi vụ giao dịch lan đột biến ở thị xã Đông Triều (Quảng Ninh).  Một người được cho là mua cây lan trị giá 250 tỉ đồng, đã đăng tải thông tin về việc nhận chuyển giao 3 cuộc giao dịch lớn với vườn lan Var Đất Mỏ có tổng giao dịch là 288.500.000.000 đồng, trong đó có 1 cây Ngọc Sơn Cước có giá 250 tỉ đồng! Có lẽ vụ “chém gió” này đã tạo thành “bão” và chuyển vào bão nghi ngờ của dư luận buộc cơ quan chức năng phải vào cuộc.

Vụ “làm ăn” lớn như thế chắc chắn ngành thuế địa phương cũng “có lộc”? Cứ hỏi ngành quản lí này sẽ rõ. Tuy nhiên, khi báo chí nắm thông tin thì một cán bộ Phòng Tuyên truyền Hỗ trợ Cục Thuế Quảng Ninh lại cho rằng, đối tượng là hộ gia đình phát triển nông nghiệp không thuộc đối tượng quản lí của cơ quan thuế. Thuế chỉ quản lí doanh nghiệp và hộ kinh doanh! Đúng là một “chuyện lạ có thật”, người buôn bán tiền triệu còn phải nộp một loại thuế nhất định, khi thu nhập trên trăm triệu mỗi năm còn phải nộp thuế thu nhập cá nhân, vậy mà buôn bán mấy trăm tỉ lại “nằm ngoài” phạm vi quản lí thuế!?

Những vụ “chém gió” huy động vốn đa cấp hay buôn bán trao tay những thương vụ lớn như trên không bao giờ là chuyển vô thưởng vô phạt. Nó là những ngọn gió mê hoặc nhiều người khiến họ không còn tỉnh táo, dồn hết vốn liếng tài sản cho những kẻ đầu cơ, lừa đảo, khi tỉnh ngộ thì đã muộn.

Mong các cơ quan chức năng và cả chính quyền không để những trò “chém gió” mãi hoành hành, gây bất an xã hội./.

  Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 25 tháng 03 năm 2021

 

Thứ Sáu, 19 tháng 3, 2021

Địa tô sẽ không chảy vào túi riêng?

 

Nguồn lợi về với toàn dân

Lâu nay, khi nhà nước đầu tư công trình hạ tầng như mở rộng đường cũ, xây dựng tuyến đường mới ở đô thị thì giá đất hai bên đường và xung quanh khu vực tăng lên nhiều lần. Không ít người có nhà trong hẻm bỗng trở thành nhà mặt tiền, như thể trúng số độc đắc.

Không chỉ nhà nước đầu tư, nay nhiều doanh nghiệp nhạy bén, xin làm dự án giao thông BOT đô thị kết hợp dự án bất động sản tại khu vực đó. Sau khi làm xong tuyến đường mới hoặc mở rộng đường cũ, phần đất đối ứng cũng nâng cao giá trị vì chênh lệch địa tô tăng vọt.

Những người bị thu hồi đất để làm đường, mở rộng đường thường không được hưởng lợi, thậm chí thiệt hại khi giá đền bù đất ở của nhà nước thấp hơn nhiều so với giao dịch thị trường. Ngay cả Nhà nước, đối tượng bỏ tiền ra làm đường cũng không được hưởng lợi nhiều từ việc đầu tư hạ tầng đó. Bất cập này không chỉ vài năm, nó đã có từ hàng chục năm trước.

Rõ ràng, việc chỉnh trang đô thị, mở rộng đường, xây dựng tuyến phố mới đều đưa đến những lợi ích cùng rủi ro mà các nhà quản lí không thể không biết. Dù thực trạng ai cũng biết song các nhà quản lí lại có vẻ như “chưa quan tâm”. Sự “vô tâm” trong quản lí còn để lại hệ quả những ngôi nhà “siêu mỏng”, “siêu méo” làm xấu đi hình ảnh tuyến phố sau chỉnh trang, nhất là tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

 

Những ngôi nhà siêu mỏng, hình tam giác bên đường Phạm Văn Đồng, TP Hà Nội  

Mới đây TP Hồ Chí Minh đã quyết định phê duyệt Đề án “Quản lí đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TP.HCM”. Một trong những nội dung của Đề án được dư luận quan tâm, đó là thành phố sẽ thu hồi đất kế bên công trình hạ tầng để đấu giá và tái định cư người dân nhường đất cho công trình.

Với đề xuất mới này, người dân thuộc diện giải tỏa có thể được lợi nhiều hơn bằng việc tái định cư tại chỗ, hoặc được bồi thường với giá tốt hơn (từ nguồn kinh phí đấu giá quỹ đất dôi dư). Nhà nước thu hồi được chi phí đầu tư xây dựng công trình chỉnh trang đường phố, giảm gánh nặng ngân sách.

Để thực hiện được chủ trương mới này, vấn đề quan trọng trước tiên là phải tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân. Nhiều chuyên gia quy hoạch, xây dựng và bất động sản cho rằng thành phố cần phải xây dựng phương án cụ thể, rõ ràng ngay từ đầu. Khi mở rộng một tuyến đường, phải có bài toán chính sách, tài chính cụ thể, chặt chẽ, làm cho dân thấy được hưởng lợi hơn hiện tại cái gì, Nhà nước lợi cái gì. Khi người dân thấy được cái lợi hơn so với hiện tại họ sẽ đồng tình và sẵn sàng cùng Nhà nước thực hiện để ổn định chỗ ở mới. Khi đó nguồn lợi đầu tư, chỉnh trang đô thị sẽ mang lại cho toàn dân chứ không rơi vào túi những nhóm người hoặc số ít cư dân.

Nếu TP Hồ Chí Minh thực hiện thành công chủ trương trên sẽ là bài học, là mô hình cho các địa phương khác rút kinh nghiệm làm theo. Để bên những tuyến đường khang trang tốn hàng nghìn tỉ đồng đầu tư không bị “điểm tô” bằng các ngôi nhà nhếch nhác, xấu xí./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 19 tháng 03 năm 2021

Thứ Tư, 17 tháng 3, 2021

Ngoại ngữ hội nhập

 

Hội nhập bằng ngoại ngữ nào?

Tổ chức quốc tế lớn nhất toàn cầu là Liên Hiệp Quốc sử dụng 6 ngôn ngữ chính thức (tại các cuộc họp và tất cả văn bản chính thức), đó là các tiếng Ả Rập, Trung Quốc, Anh, Pháp, Nga và Tây Ban Nha. Riêng Ban thư kí sử dụng 2 ngôn ngữ làm việc là tiếng Anh và Pháp.

Như vậy, để kết nối, hội nhập toàn cầu thuận lợi, các quốc gia cần hướng tới đào tạo để phổ cập cao nhất đối với các ngôn ngữ trên.

Theo chương trình giáo dục, hiện nay học sinh khối phổ thông bắt buộc học một ngoại ngữ (gọi là Ngoại ngữ 1) và tự chọn thêm ít nhất một ngoại ngữ khác (Ngoại ngữ 2) theo nguyện vọng cá nhân và khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục. Tính gộp lại hiện có 7 thứ tiếng được chọn làm Ngoại ngữ 1 gồm: Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Nhật.

Ngày 9/2/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 712/QĐ-BGDĐT về “Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Hàn, tiếng Đức - Ngoại ngữ 1 hệ 10 năm thí điểm”. Chương trình thực hiện giảng dạy cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 12. Như vậy, Ngoại ngữ 1 nay có thêm tiếng Hàn, tiếng Đức và tổng là 9.

Các Trung tâm tiếng Hàn lèo tèo học sinh

Đặc điểm môn học theo Quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo với môn tiếng Hàn là: “đem đến cho học sinh một ngoại ngữ mới, một công cụ cho các em có thể giao tiếp, trao đổi thông tin với người Hàn, tìm hiểu về đất nước Hàn Quốc, so sánh với Việt Nam, góp phần tăng cường quan hệ hiểu biết giữa hai dân tộc, phát triển phẩm chất và năng lực cá nhân, hình thành ý thức công dân toàn cầu…”!

Rất có thể nhiều người dân Hàn Quốc cũng chưa phát hiện ra rằng ngôn ngữ dân tộc mình lại có vai trò quốc tế lớn như vậy, khi nó góp phần “hình thành ý thức công dân toàn cầu”.

Song có lẽ nhận định trên có thể chỉ là ý kiến chủ quan của một số chuyên gia, người tham mưu chắp bút. Với dân số hai miền Triều tiên khoảng 80 triệu người, ít hơn Việt Nam gần 20 triệu. Hàn Quốc không phải là quốc gia có ảnh hưởng lớn trên thế giới giống các nước thực dân cũ như Anh, Pháp, Tây Ban Nha… Cũng không có tổ chức quốc tế nào của Liên Hợp Quốc sử dụng tiếng Hàn làm ngôn ngữ chính thức. Chẳng lẽ các chuyên gia giáo dục lại căn cứ vào mối quan hệ kinh tế hai nước với một số doanh nghiệp tỉ đô? hay vì yêu mến một HLV bóng đá? hoặc thậm chí tại Hàn Quốc đang có nhiều cô dâu Việt!?...

Cha ông ta từ xa xưa đã dặn, “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”. Ôm đồm nội dung sẽ làm phân tán nguồn lực trong khi “lực” còn yếu. Một ngoại ngữ nhiều nước sử dụng nhất là tiếng Anh thì Việt Nam ta còn thua xa các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia… Và, ta đang “nhập khẩu” nhiều giáo viên tiếng Anh từ nước hàng xóm Philippnes! Thực trạng buồn này không thể thiếu trách nhiệm của ngành giáo dục.

Hoạch định, xây dựng nội dung chương trình giáo dục phổ thông là công việc vô cùng hệ trọng, nó tác động tới nền giáo dục và những thế hệ tương lai nên không thể xuất phát từ cảm tính hay ý chí chủ quan, nó phải là một khoa học đích thực./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  17 tháng 03 năm 2021

Thứ Ba, 16 tháng 3, 2021

Bất thường những "nhân tài"

 

Bình thường và bất thường những “nhân tài”

Câu thành ngữ “con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa” là thực trạng dưới xã hội phong kiến xưa. Trong chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa chuyện đó đương nhiên không thể chấp nhận. Ngay cả dưới thời phong kiến có khi thực trạng ấy lại không nặng nề, “phổ cập” và đáng buồn như hiện nay. Những vị vua anh minh đã nhìn thấy tác hại khôn lường của việc bổ nhiệm “hoàng thân, quốc thích”. Thế nên từ thời Hồng Đức đã có luật hồi tỵ rất tiến bộ, quy định chặt chẽ việc tuyển dụng của quan chức đối với những người thân tộc.

Dưới chế độ quân vương, quyền lực cha truyền con nối chỉ được “mặc định” ở cấp độ cao nhất, đó là ngôi vương. Còn các hàng quan lại khác ở trung ương và địa phương rất khó được chấp nhận, nhất là thời kì vua sáng, tôi hiền. Điển hình sự nghiêm minh được thể hiện trong nền nếp tuyển dụng thông qua khoa cử. Người tài qua kì thi các cấp luôn được trọng dụng, con thứ dân vẫn có thể lên những vị trí quan trọng trong triều đình.

Chuyện cả họ làm quan đã gây “lùm xùm” dư luận từ những năm qua. Gần nhất có thể kể đến như ở mấy tỉnh Hà Giang, Hải Dương, Bắc Ninh... Chuyện bổ nhiệm con bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc mới đây có dáng dấp vụ việc diễn ra tại Bắc Ninh năm trước. Tất nhiên mọi việc đều “chuẩn chỉnh” quy trình, được lãnh đạo địa phương khẳng định là vô tư, khách quan.

Bà Trần Huyền Trang (bìa phải) vào biên chế bằng xét tuyển, được bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở KH&ĐT ở tuổi 31.

Giả sử tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức thi tuyển vị trí việc làm tại Tỉnh đoàn và con Bí thư Tỉnh ủy trúng tuyển (dù không được đào tạo tại trường đoàn) thì tốt biết bao. Một cử nhân kinh tế thi đậu vào lĩnh vực trái ngành, vượt qua các ứng viên khác thì chắc phải có tài.

Tương tự như vậy, nếu các cán bộ trẻ của Quảng Nam (Lê Phước Hoài Bảo, con trai nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Phước Thanh); của Quảng Bình (ông Hà Quốc Vương Anh, con trai của Phó Bí thư Thành ủy TP Đồng Hới Hà Quốc Phong); của Bắc Ninh (ông Nguyễn Nhân Chinh, con trai ông Nguyễn Nhân Chiến, Bí thư Tỉnh ủy) v.v… cũng đều được lựa chọn từ thi tuyển khách quan, không do xét tuyển, được thử thách thể hiện rõ tài năng, phẩm chất thì mọi sự có lẽ đã khác.

Con cán bộ lãnh đạo được tuyển dụng, được bổ nhiệm chức vụ cao khi còn trẻ sẽ là điều bình thường nếu họ thể hiện được năng lực hơn người khác (cùng cơ quan, vị trí việc làm). Nếu không thể hiện sự nổi bật mà thăng tiến nhanh thì chắc chắn là điều bất thường.

Trong một cơ quan quyền lực cấp huyện hoặc tỉnh nếu người đứng đầu có một vài người thân tộc dưới quyền nhưng được tuyển chọn công tâm, khách quan sẽ là bình thường. Song người đứng đầu, bên dưới có hàng chục người thân, họ hàng được xét tuyển giữ nhiều vị trí quan trọng thì rõ ràng không thể gọi là bình thường.

Quá nhiều sự bất thường sẽ làm biến dạng quyền lực nhà nước, chuyển hóa quyền lực công thành quyền lực tư./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 16 tháng 03 năm 2021

Thứ Hai, 15 tháng 3, 2021

Giá của học vị

 

Học hàm gắn trên bảng giá

Nhà khoa học, nghệ sĩ… bằng sự nỗ lực học hỏi, tu luyện, cống hiến gặt hái thành tựu sẽ được vinh danh bằng các bậc học hàm, học vị, nghệ danh. Để có được những tước danh đích thực không bao gờ dễ dàng, có khi bằng cả cuộc đời, vì vậy danh hiệu là thứ vô giá.

Những danh vị không chỉ là sự ghi nhận công lao, đây cũng là cơ sở để Nhà nước có chính sách đãi ngộ xứng đáng với những người có đóng góp lớn cho cộng đồng. Xã hội cũng coi những người có danh vị là tấm gương để học tập, giáo dục con em noi theo trở thành những người thành đạt, có ích cho gia đình, xã hội. Từ đó có thể thấy rằng học hàm, học vị, nghệ danh là thứ cao sang, tôn quý, tuyệt nhiên không phải là hàng hóa.

Vừa qua Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) có một quyết định gây xôn xao dư luận. Hội đồng Quản lý của Bệnh viện này vừa thông qua Nghị quyết về giá một số dịch vụ khám chữa bệnh tại bệnh viện, áp dụng từ 1/4 tới. Cụ thể, giá khám bệnh theo yêu cầu có 4 mức: Khám Giáo sư: 550.000 đồng; Khám Phó giáo sư: 450.000 đồng; Khám Tiến sĩ, BSCKII: 350.000 đồng; Khám Thạc sĩ, BSCKI: 250.000 đồng…

Bệnh viện Bạch Mai được Nhà nước đầu tư lớn song cũng đã chuyển sang tự chủ tài chính

Vẫn biết rằng trong cơ chế thị trường, các bệnh viện tự chủ phải tìm mọi cách để khai thác hết tiềm lực, nâng cao lợi nhuận, song cái bảng giá trên không tránh khỏi đưa đến một cảm nhận về sự thương mại, thực dụng.

“Lương y như từ mẫu”, những lương y chân chính không lấy mục tiêu kiếm tiền là cao nhất mà là cứu người. Cách định giá như trên sẽ đưa đến xu hướng dồn những tinh hoa nghề y đến khu vực trả nhiều tiền. Trong khi thực tế đòi hỏi lại khác, những người có trình độ cao cần đến khu vực, những ca bệnh phức tạp, nguy hiểm, nơi mà chưa hẳn bệnh nhân là người giàu có. Và, rất có thể trong khi thừa những giáo sư, phó giáo sư khám cho người chỉ “hắt hơi, sổ mũi” thì những bác sĩ non nớt lại phải vật lộn cứu chữa ca bệnh thập tử nhất sinh.

Có lẽ chẳng thiếu cách để bệnh viện không cần gắn chức danh khoa học trên bảng giá một cách thô thiển. Thực tế nhiều bệnh viện đã làm, họ tập trung đội ngũ chất lượng cao vào các phòng, khoa riêng có mức giá cao cho người có nhu cầu. Thể chế thị trường buộc mọi người chấp nhận điều đó. Duy có điều cần nhớ, thể chế mà ta đang hướng tới là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cao đẹp.

Gắn học hàm vào bảng giá khám chữa bệnh còn khiến bệnh nhân cảm nhận mối quan hệ “tiền trao cháo múc”, làm giảm đi hình ảnh cao quý của người có danh vị khoa học. Cách làm này cũng thể hiện tư duy chưa thực sự tôn trọng nhân cách trong môi trường trí thức tinh hoa./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày  13 tháng 03 năm 2021

Thứ Tư, 10 tháng 3, 2021

Cắt cũ, “mọc” mới

 

Cắt cũ, “mọc” mới

Ngày 2/2/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở phổ thông công lập. Theo đó giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Trước đó khi “giấy phép con” chứng chỉ ngoại ngữ, tin học được loại bỏ khiến đội ngũ thầy cô quá đỗi vui mừng. Một loại chứng chỉ “chẳng để làm gì” nhưng “không có không xong” cuối cùng đã được cắt bỏ. Tuy nhiên, niềm vui “ngắn chẳng tày gang” bởi cái chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trên cũng chẳng khác những “giấy phép con” mới.

 

Chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đã được cắt bỏ

Rất nhạy bén trước tình hình, thông báo quảng cáo mở các lớp bồi dưỡng giữ hạng chức danh nghề nghiệp của các trường đại học tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận nhanh chóng hướng tới các giáo viên. Với thời gian từ 5 ngày đến một tuần học trực tiếp hoặc online, học phí dao động từ 2,5-3 triệu đồng/khóa là có tấm chứng chỉ.

Với những giáo viên đã 10-20 năm đứng lớp, kinh nghiệm, kiến thức, kĩ năng chắc đã đủ để hành nghề, vậy dăm bảy ngày học để có cái chứng chỉ “dán lên ngực” liệu có nâng cao thêm năng lực, trình độ?

Nội dung và thời gian ngắn ngủi đã có thể hoàn thành chứng chỉ, vậy tại sao Bộ Giáo dục và Đào tạo không hướng dẫn rồi cho phép các địa phương tự tổ chức tập huấn và cấp chứng chỉ cho giáo viên? Sao để họ “thân ai tự lo”, tốn kém tiền bạc? Một điều ai cũng nhận ra, quy định trên mang lại lợi ích không nhỏ cho những đơn vị mở lớp dạy và cấp chứng chỉ.

Được biết, quy định tại các thông tư nêu trên có căn cứ theo luật và nghị định của Chính phủ. Cụ thể, Luật Viên chức (số 58/2010/QH12) năm 2010 quy định người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và viên chức phải thực hiện chế độ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trước khi bổ nhiệm hạng. Còn Nghị định số 101/2017/NĐ-CP của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức cũng quy định chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. 


Pháp luật là ý chí chủ quan do con người đề ra vận dụng vào cuộc sống. Khi nó phù hợp, tiến bộ sẽ giúp cho vận hành thuận lợi, nâng cao hiệu quả hoạt động, ngược lại sẽ kìm hãm sự phát triển. Chính vì vậy hệ thống pháp luật luôn được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, không bất biến. Những điều luật được ban hành cách đây 5-10 năm, nay mới có thông tư hướng dẫn thì không thể cứ “nhắm mắt” chẳng tính đến sự phù hợp, nhất là trong thời đại khoa học công nghệ tiến nhanh như vũ bão hiện nay.

Chính phủ đang nỗ lực xây dựng thể chế kiến tạo, rà xét cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính… những lực cản của sự phát triển, ngành giáo dục không thể đứng ngoài.

Đừng để những chứng chỉ biến thành những “tấm bùa” lợi và hại. Lợi với ai không biết nhưng với đội ngũ giáo viên thì nó gây thiệt hại cả về tiền bạc và tinh thần./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 10 tháng 03 năm 2021

 

Thứ Bảy, 6 tháng 3, 2021

Tiền điện tử VND

 

 Tiền điện tử VND, tại sao không?

Blockchain (chuỗi khối) là một cơ sở dữ liệu phân cấp lưu trữ thông tin trong các khối thông tin được liên kết với nhau bằng mã hóa và mở rộng theo thời gian. Mỗi khối thông tin đều chứa thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết tới khối trước đó, kèm một mã thời gian và dữ liệu giao dịch. Blockchain được thiết kế để chống lại việc thay đổi của dữ liệu: Một khi dữ liệu đã được mạng lưới chấp nhận thì sẽ không có cách nào thay đổi được nó.

 


Bitcoin là đồng tiền điện tử mã hóa được phát minh dựa trên nguyên lí Blockchain. Là một tài nguyên ảo với một số lượng giới hạn, Bitcoin không thể thay đổi hoặc làm giả. Ví như kim loại vàng trên hành tinh cũng là tài nguyên hữu hạn, con người càng khai thác thì trữ lượng ngày một ít đi.  

Ngày 22/10/2010, lần đầu tiên Bitcoin được sử dụng để mua hàng hóa. Khi đó 10.000 bitcoin (tương đương 25 USD) mua được 2 bánh pizza. Cuối năm 2020 Bitcoin tiếp tục tăng và đặc biệt những ngày gần đây có lúc đã cán mốc 58.000USD/Bitcoin. Vốn hóa của thị trường Bitcoin hiện đã vượt 1 nghìn tỉ USD trong khi thị trường vàng là 10,5 nghìn tỉ USD. Nếu 1 Bitcoin đạt mức dự báo của một số chuyên gia là 500.000 USD thì nó xấp xỉ vốn hóa thị trường vàng thế giới. Dù không có sự bảo đảm vật chất của một tổ chức hoặc thể chế song rất có thể Bitcoin sẽ là đối thủ của tiền tệ, vàng và hệ thống ngân hàng.

Xu hướng số hóa đang ngày càng hiện thực hóa. Nhiều quốc gia đã bắt đầu tiến trình phát hành đồng tiền điện tử riêng. Với công nghệ Blockchain, hệ thống ngân hàng hoàn toàn có thể và chắc chắn tương lai gần sẽ ứng dụng vào việc quản lí, vận hành tiền tệ an toàn, hiệu quả. Khác với Bitcoin, tiền điện tử ngân hàng có thể được bảo đảm bằng thực lực của nền kinh tế quốc gia và tiềm lực hệ thống ngân hàng.

Năm 2020 Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã phát hành tiền nhân dân tệ điện tử. Trung Quốc là nền kinh tế đầu tiên trên thế giới vận hành đồng tiền kĩ thuật số có chủ quyền, hoàn toàn khác với đồng Bitcoin không biên giới.

Đồng tiền số Trung Quốc được gọi tắt CBDC. Khảo sát của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) vào tháng 1/2021 cho thấy có 86% trong 65% ngân hàng trung ương trên thế giới hiện đang sở hữu một hình thức nào đó của CBDC.  

Nhóm một số nền kinh tế mới nổi với hệ thống yếu cũng đang theo đuổi CBDC giúp cho hoạt động thanh toán linh hoạt và nâng cao hiệu quả của chính sách tiền tệ. Ví dụ, Campuchia vào tháng 10/2020 đã công bố hệ thống thanh toán có tên Bakong được cùng đồng phát triển với công ty blockchain Soramitsu (Nhật Bản).

Nhiều nước nước châu Á khác như Thái Lan, Singapore, Nhật, Hàn Quốc… cũng đang nghiên cứu và thử nghiệm tiền điện tử.

Blockchain cũng đang được một số quốc gia, doanh nghiệp ứng dụng vào mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội…

Với công nghệ Blockchain, sẽ chẳng có đồng tiền điện tử nào đó bị làm giả. Sự tiện dụng và an toàn của đồng tiền dạng này sẽ sớm thay thế tiền giấy.

Hi vọng trong tương lai không xa, người dân Việt Nam sẽ được sử dụng đồng tiền điện tử của Ngân hàng Nhà nước./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 06 tháng 03 năm 2021