Hội nhập bằng ngoại ngữ nào?
Tổ chức quốc tế lớn nhất toàn cầu là Liên Hiệp Quốc sử dụng 6 ngôn ngữ chính thức (tại các cuộc họp và tất cả văn bản chính thức), đó là các tiếng Ả Rập, Trung Quốc, Anh, Pháp, Nga và Tây Ban Nha. Riêng Ban thư kí sử dụng 2 ngôn ngữ làm việc là tiếng Anh và Pháp. Như vậy, để kết nối, hội nhập toàn cầu thuận lợi, các quốc gia cần hướng tới đào tạo để phổ cập cao nhất đối với các ngôn ngữ trên. Theo chương trình giáo dục, hiện nay học sinh khối phổ thông bắt buộc học một ngoại ngữ (gọi là Ngoại ngữ 1) và tự chọn thêm ít nhất một ngoại ngữ khác (Ngoại ngữ 2) theo nguyện vọng cá nhân và khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục. Tính gộp lại hiện có 7 thứ tiếng được chọn làm Ngoại ngữ 1 gồm: Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Nhật. Ngày 9/2/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 712/QĐ-BGDĐT về “Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Hàn, tiếng Đức - Ngoại ngữ 1 hệ 10 năm thí điểm”. Chương trình thực hiện giảng dạy cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 12. Như vậy, Ngoại ngữ 1 nay có thêm tiếng Hàn, tiếng Đức và tổng là 9. Các Trung tâm tiếng Hàn lèo tèo học sinh Đặc điểm môn học theo Quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo với môn tiếng Hàn là: “đem đến cho học sinh một ngoại ngữ mới, một công cụ cho các em có thể giao tiếp, trao đổi thông tin với người Hàn, tìm hiểu về đất nước Hàn Quốc, so sánh với Việt Nam, góp phần tăng cường quan hệ hiểu biết giữa hai dân tộc, phát triển phẩm chất và năng lực cá nhân, hình thành ý thức công dân toàn cầu…”! Rất có thể nhiều người dân Hàn Quốc cũng chưa phát hiện ra rằng ngôn ngữ dân tộc mình lại có vai trò quốc tế lớn như vậy, khi nó góp phần “hình thành ý thức công dân toàn cầu”. Song có lẽ nhận định trên có thể chỉ là ý kiến chủ quan của một số chuyên gia, người tham mưu chắp bút. Với dân số hai miền Triều tiên khoảng 80 triệu người, ít hơn Việt Nam gần 20 triệu. Hàn Quốc không phải là quốc gia có ảnh hưởng lớn trên thế giới giống các nước thực dân cũ như Anh, Pháp, Tây Ban Nha… Cũng không có tổ chức quốc tế nào của Liên Hợp Quốc sử dụng tiếng Hàn làm ngôn ngữ chính thức. Chẳng lẽ các chuyên gia giáo dục lại căn cứ vào mối quan hệ kinh tế hai nước với một số doanh nghiệp tỉ đô? hay vì yêu mến một HLV bóng đá? hoặc thậm chí tại Hàn Quốc đang có nhiều cô dâu Việt!?... Cha ông ta từ xa xưa đã dặn, “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”. Ôm đồm nội dung sẽ làm phân tán nguồn lực trong khi “lực” còn yếu. Một ngoại ngữ nhiều nước sử dụng nhất là tiếng Anh thì Việt Nam ta còn thua xa các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia… Và, ta đang “nhập khẩu” nhiều giáo viên tiếng Anh từ nước hàng xóm Philippnes! Thực trạng buồn này không thể thiếu trách nhiệm của ngành giáo dục. Hoạch định, xây dựng nội dung chương trình giáo dục phổ thông là công việc vô cùng hệ trọng, nó tác động tới nền giáo dục và những thế hệ tương lai nên không thể xuất phát từ cảm tính hay ý chí chủ quan, nó phải là một khoa học đích thực./. Đinh Hoàng Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 17 tháng 03 năm 2021 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét