Thứ Năm, 4 tháng 3, 2021

Tỉ lệ nhỏ cho số đông

 

 Tỉ lệ nhỏ cho số đông

Việt Nam là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp trên thế giới với 3.521 USD/người/năm, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đến hết năm 2020.

Bình quân có nghĩa một số tỉ phú đô la đã “gánh” thành tích thu nhập cho rất nhiều người và cũng rất nhiều người có mức thu nhập thấp hơn nhiều so với con số trên.

Với mức thu nhập trên thì người lao động liệu có thể mua được nhà ở bình dân, thường được gọi là nhà ở xã hội (NƠXH)?

Cư dân nhà thu nhập thấp đầu tiên ở Hà Nội giành giật chỗ để ô tô - Ảnh 1.

Người lao động khó có đủ thu nhập để sở hữu chung cư bình dân. Chung cư cao cấp là giấc mơ xa vời

Các đây chục năm, một Thứ trưởng Bộ Xây dựng từng chia sẻ tại cuộc hội thảo về bất động sản (BĐS), nếu chỉ trông vào lương, người nghèo đừng nghĩ đến nhà thu nhập thấp, vì “lương cỡ Bộ trưởng cũng phải 40 năm mới đủ tiền mua”!

Hồi cuối tháng 10/2019 Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đưa ra con số cho thấy, số lượng căn hộ bình dân (dưới 20 triệu đồng/m2) chỉ chiếm chừng 1% căn hộ được đưa ra thị trường. Như vậy có thể hiểu 99% sản phẩm nhà ở không dành cho số đông cư dân, số đông chỉ có thể tiếp cận 1%, một tỉ lệ của người “trúng số”!

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 16 Luật Nhà ở năm 2014 và Khoản 1, Khoản 2 Điều 5 Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lí NƠXH thì chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị… phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án quy hoạch chi tiết hoặc tổng mặt bằng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đã đầu tư hạ tầng kĩ thuật dành để đầu tư xây dựng NƠXH.

Pháp luật chung là thế nhưng điều kiện cụ thể ràng buộc chủ đầu tư dự án BĐS lại khá mờ nhạt. Vậy 20% tổng diện tích đất ở đó ai sẽ là người chịu trách nhiệm đầu tư NƠXH, xây dựng bao nhiêu mét vuông nhà, nguồn lực lấy từ đâu? Sẽ chẳng chủ đầu tư nào “dại dột” dồn nguồn vốn xây dựng căn hộ mang lại lợi nhuận ít ỏi. Hệ quả là chủ đầu tư hầu hết chọn thanh toán giá trị 20% đất đó cho chính quyền, coi như hoàn thành trách nhiệm.

Nếu pháp luật quy định chủ đầu tư phải xây dựng 20% diện tích sàn (hoặc 20% số căn hộ) là NƠXH thì tin rằng sẽ chẳng có thực trạng né luật, “chọn nạc bỏ xương” trong dự án BĐS như trên.

Và, tại sao pháp luật không hướng tới một tỉ lệ đảo ngược, dành 80% tổng diện tích đất ở cho xây dựng NƠXH, còn 20% cho căn hộ thương mại, nếu thực sự muốn hướng tới số đông.

Một chuyên gia kinh tế nhận định trên tờ Tạp chí Tài chính Việt Nam (Vietnam Finance) rằng, tăng trưởng GDP năm 2020 chủ yếu đến từ đầu tư công và FDI - những khu vực hầu như không sử dụng tín dụng, tuy nhiên tín dụng lại tăng tới 12,13%. Nhiều khả năng, dòng tiền đã chảy vào các kênh tài sản và tạo ra rủi ro cho nền kinh tế trong tương lai.

Liệu có bao nhiêu tiền trong con số 12,13% chảy vào những căn hộ thương mại đang chiếm 99% diện tích sàn như tại TP Hồ Chí Minh? Và liệu có phải BĐS cao cấp đang là nơi trú ấn, nơi đầu cơ của những người giàu?

Câu hỏi chỉ cơ quan quản lí vĩ mô mới có thể giải đáp và có giải pháp thay đổi tỉ lệ cho những con số nghịch lí!/.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 04 tháng 03 năm 2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét