Bình thường và bất thường những “nhân tài”
Câu thành ngữ “con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa” là thực trạng dưới xã hội phong kiến xưa. Trong chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa chuyện đó đương nhiên không thể chấp nhận. Ngay cả dưới thời phong kiến có khi thực trạng ấy lại không nặng nề, “phổ cập” và đáng buồn như hiện nay. Những vị vua anh minh đã nhìn thấy tác hại khôn lường của việc bổ nhiệm “hoàng thân, quốc thích”. Thế nên từ thời Hồng Đức đã có luật hồi tỵ rất tiến bộ, quy định chặt chẽ việc tuyển dụng của quan chức đối với những người thân tộc. Dưới chế độ quân vương, quyền lực cha truyền con nối chỉ được “mặc định” ở cấp độ cao nhất, đó là ngôi vương. Còn các hàng quan lại khác ở trung ương và địa phương rất khó được chấp nhận, nhất là thời kì vua sáng, tôi hiền. Điển hình sự nghiêm minh được thể hiện trong nền nếp tuyển dụng thông qua khoa cử. Người tài qua kì thi các cấp luôn được trọng dụng, con thứ dân vẫn có thể lên những vị trí quan trọng trong triều đình. Chuyện cả họ làm quan đã gây “lùm xùm” dư luận từ những năm qua. Gần nhất có thể kể đến như ở mấy tỉnh Hà Giang, Hải Dương, Bắc Ninh... Chuyện bổ nhiệm con bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc mới đây có dáng dấp vụ việc diễn ra tại Bắc Ninh năm trước. Tất nhiên mọi việc đều “chuẩn chỉnh” quy trình, được lãnh đạo địa phương khẳng định là vô tư, khách quan. Bà Trần Huyền Trang (bìa phải) vào biên chế bằng xét tuyển, được bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở KH&ĐT ở tuổi 31. Giả sử tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức thi tuyển vị trí việc làm tại Tỉnh đoàn và con Bí thư Tỉnh ủy trúng tuyển (dù không được đào tạo tại trường đoàn) thì tốt biết bao. Một cử nhân kinh tế thi đậu vào lĩnh vực trái ngành, vượt qua các ứng viên khác thì chắc phải có tài. Tương tự như vậy, nếu các cán bộ trẻ của Quảng Nam (Lê Phước Hoài Bảo, con trai nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Phước Thanh); của Quảng Bình (ông Hà Quốc Vương Anh, con trai của Phó Bí thư Thành ủy TP Đồng Hới Hà Quốc Phong); của Bắc Ninh (ông Nguyễn Nhân Chinh, con trai ông Nguyễn Nhân Chiến, Bí thư Tỉnh ủy) v.v… cũng đều được lựa chọn từ thi tuyển khách quan, không do xét tuyển, được thử thách thể hiện rõ tài năng, phẩm chất thì mọi sự có lẽ đã khác. Con cán bộ lãnh đạo được tuyển dụng, được bổ nhiệm chức vụ cao khi còn trẻ sẽ là điều bình thường nếu họ thể hiện được năng lực hơn người khác (cùng cơ quan, vị trí việc làm). Nếu không thể hiện sự nổi bật mà thăng tiến nhanh thì chắc chắn là điều bất thường. Trong một cơ quan quyền lực cấp huyện hoặc tỉnh nếu người đứng đầu có một vài người thân tộc dưới quyền nhưng được tuyển chọn công tâm, khách quan sẽ là bình thường. Song người đứng đầu, bên dưới có hàng chục người thân, họ hàng được xét tuyển giữ nhiều vị trí quan trọng thì rõ ràng không thể gọi là bình thường. Quá nhiều sự bất thường sẽ làm biến dạng quyền lực nhà nước, chuyển hóa quyền lực công thành quyền lực tư./. Đinh Hoàng Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 16 tháng 03 năm 2021 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét