Thứ Bảy, 6 tháng 3, 2021

Tiền điện tử VND

 

 Tiền điện tử VND, tại sao không?

Blockchain (chuỗi khối) là một cơ sở dữ liệu phân cấp lưu trữ thông tin trong các khối thông tin được liên kết với nhau bằng mã hóa và mở rộng theo thời gian. Mỗi khối thông tin đều chứa thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết tới khối trước đó, kèm một mã thời gian và dữ liệu giao dịch. Blockchain được thiết kế để chống lại việc thay đổi của dữ liệu: Một khi dữ liệu đã được mạng lưới chấp nhận thì sẽ không có cách nào thay đổi được nó.

 


Bitcoin là đồng tiền điện tử mã hóa được phát minh dựa trên nguyên lí Blockchain. Là một tài nguyên ảo với một số lượng giới hạn, Bitcoin không thể thay đổi hoặc làm giả. Ví như kim loại vàng trên hành tinh cũng là tài nguyên hữu hạn, con người càng khai thác thì trữ lượng ngày một ít đi.  

Ngày 22/10/2010, lần đầu tiên Bitcoin được sử dụng để mua hàng hóa. Khi đó 10.000 bitcoin (tương đương 25 USD) mua được 2 bánh pizza. Cuối năm 2020 Bitcoin tiếp tục tăng và đặc biệt những ngày gần đây có lúc đã cán mốc 58.000USD/Bitcoin. Vốn hóa của thị trường Bitcoin hiện đã vượt 1 nghìn tỉ USD trong khi thị trường vàng là 10,5 nghìn tỉ USD. Nếu 1 Bitcoin đạt mức dự báo của một số chuyên gia là 500.000 USD thì nó xấp xỉ vốn hóa thị trường vàng thế giới. Dù không có sự bảo đảm vật chất của một tổ chức hoặc thể chế song rất có thể Bitcoin sẽ là đối thủ của tiền tệ, vàng và hệ thống ngân hàng.

Xu hướng số hóa đang ngày càng hiện thực hóa. Nhiều quốc gia đã bắt đầu tiến trình phát hành đồng tiền điện tử riêng. Với công nghệ Blockchain, hệ thống ngân hàng hoàn toàn có thể và chắc chắn tương lai gần sẽ ứng dụng vào việc quản lí, vận hành tiền tệ an toàn, hiệu quả. Khác với Bitcoin, tiền điện tử ngân hàng có thể được bảo đảm bằng thực lực của nền kinh tế quốc gia và tiềm lực hệ thống ngân hàng.

Năm 2020 Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã phát hành tiền nhân dân tệ điện tử. Trung Quốc là nền kinh tế đầu tiên trên thế giới vận hành đồng tiền kĩ thuật số có chủ quyền, hoàn toàn khác với đồng Bitcoin không biên giới.

Đồng tiền số Trung Quốc được gọi tắt CBDC. Khảo sát của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) vào tháng 1/2021 cho thấy có 86% trong 65% ngân hàng trung ương trên thế giới hiện đang sở hữu một hình thức nào đó của CBDC.  

Nhóm một số nền kinh tế mới nổi với hệ thống yếu cũng đang theo đuổi CBDC giúp cho hoạt động thanh toán linh hoạt và nâng cao hiệu quả của chính sách tiền tệ. Ví dụ, Campuchia vào tháng 10/2020 đã công bố hệ thống thanh toán có tên Bakong được cùng đồng phát triển với công ty blockchain Soramitsu (Nhật Bản).

Nhiều nước nước châu Á khác như Thái Lan, Singapore, Nhật, Hàn Quốc… cũng đang nghiên cứu và thử nghiệm tiền điện tử.

Blockchain cũng đang được một số quốc gia, doanh nghiệp ứng dụng vào mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội…

Với công nghệ Blockchain, sẽ chẳng có đồng tiền điện tử nào đó bị làm giả. Sự tiện dụng và an toàn của đồng tiền dạng này sẽ sớm thay thế tiền giấy.

Hi vọng trong tương lai không xa, người dân Việt Nam sẽ được sử dụng đồng tiền điện tử của Ngân hàng Nhà nước./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 06 tháng 03 năm 2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét