“Tham nhũng vặt” và tiêu cực Nếu bạn từng nằm điều trị tại bệnh viện hoặc đưa người thân vào điều trị (đặc biệt là ca nặng, ca phẫu thuật) sẽ thấy hiện tượng phong bì bồi dưỡng y bác sĩ đây đó vẫn tồn tại như một thứ “luật ngầm”. Bạn có thể không chấp nhận việc đó, song sẽ sớm nhận được “hệ quả”. Chẳng hạn như một mũi tiêm cắm “hơi mạnh”; một động tác thay băng gạc không được nhẹ nhàng của y tá khiến bệnh nhân đau điếng… Bạn từng xây dựng hay sửa chữa, cơi nới nhà dù đã xin phép nhưng nếu thiếu “quan tâm” tới cán bộ quản lí trật tự xây dựng tại địa bàn thì sẽ rơi vào hoàn cảnh nay bị phạt lỗi này, mai phạt lỗi khác, thậm chí đình chỉ xây dựng. Song, nếu “quan hệ tốt” thì dù xây vượt tầng nhà có thể người quản lí xây dựng cũng… “không biết”!
Lâu nay mọi người thường coi những hành vi nhũng nhiễu của một số cán bộ, công chức, viên chức khi thừa hành công vụ để tư lợi chỉ là “tham nhũng vặt”. Cụm từ này như mặc nhiên hạ thấp, giảm nhẹ mức nghiêm trọng của hành vi không đúng đắn, không được phép với bất kì người thừa hành công vụ nào. Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, tham nhũng là hành vi lợi dụng quyền hành để gây phiền hà, khó khăn và lấy của dân. Các hành vi tiêu cực, tham nhũng và các tệ nạn khiến một phần quyền lực chính trị được biến thành quyền lực kinh tế. Còn tại Luật Phòng chống tham nhũng số 36/2018/QH14 năm 2018, Điều 2 Luật này đã cụ thể hóa 12 nội dung của hành vi tham nhũng trong khu vực Nhà nước và 3 nội dung của hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài Nhà nước. Toàn bộ các nội dung trong Luật không có khái niệm “tham nhũng vặt”, tham nhũng dù tầm mức nào cũng vẫn là tham nhũng. Có lẽ coi là “vặt” nên nhiều hành vi tham nhũng chưa được quan tâm đúng mức trong công cuộc phòng chống tham nhũng ở các cấp, nhất là Bộ, ngành, địa phương. Ngày 18/3, tại tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ: “cần thiết nghiên cứu, đề xuất, báo cáo với Bộ Chính trị cho phép bổ sung thêm chức năng phòng, chống tiêu cực trong hoạt động của Ban Chỉ đạo. Nội hàm tiêu cực là gì, sẽ nghiên cứu kĩ, quy định thành quy chế để bảo đảm giữ gìn được phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ”. Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, “danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất, thêm cơ chế phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đó chính là chống suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống”. Những hành vi “tham nhũng vặt” chính là sự tiêu cực của cán bộ, công chức, viên chức. Tuy có thể giá trị trục lợi không lớn nhưng cái mất mát lớn chính là phẩm chất đạo đức của cán bộ, công chức và đặc biệt là sự mất niềm tin của Nhân dân vào cả hệ thống công quyền. Tuyên chiến với hành vi tiêu cực, “tham nhũng vặt” trước hết trách nhiệm thuộc về người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức. Còn đối với người dân, doanh nghiệp khi đối diện với hành vi nhũng nhiễu cũng cần có dũng khí, cần nói không với tiêu cực./. Đinh Hoàng Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 23 tháng 03 năm 2021
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét