Nguồn lợi về với toàn dân
Lâu nay, khi nhà nước đầu tư công trình hạ tầng như mở rộng đường cũ, xây dựng tuyến đường mới ở đô thị thì giá đất hai bên đường và xung quanh khu vực tăng lên nhiều lần. Không ít người có nhà trong hẻm bỗng trở thành nhà mặt tiền, như thể trúng số độc đắc. Không chỉ nhà nước đầu tư, nay nhiều doanh nghiệp nhạy bén, xin làm dự án giao thông BOT đô thị kết hợp dự án bất động sản tại khu vực đó. Sau khi làm xong tuyến đường mới hoặc mở rộng đường cũ, phần đất đối ứng cũng nâng cao giá trị vì chênh lệch địa tô tăng vọt. Những người bị thu hồi đất để làm đường, mở rộng đường thường không được hưởng lợi, thậm chí thiệt hại khi giá đền bù đất ở của nhà nước thấp hơn nhiều so với giao dịch thị trường. Ngay cả Nhà nước, đối tượng bỏ tiền ra làm đường cũng không được hưởng lợi nhiều từ việc đầu tư hạ tầng đó. Bất cập này không chỉ vài năm, nó đã có từ hàng chục năm trước. Rõ ràng, việc chỉnh trang đô thị, mở rộng đường, xây dựng tuyến phố mới đều đưa đến những lợi ích cùng rủi ro mà các nhà quản lí không thể không biết. Dù thực trạng ai cũng biết song các nhà quản lí lại có vẻ như “chưa quan tâm”. Sự “vô tâm” trong quản lí còn để lại hệ quả những ngôi nhà “siêu mỏng”, “siêu méo” làm xấu đi hình ảnh tuyến phố sau chỉnh trang, nhất là tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Những ngôi nhà siêu mỏng, hình tam giác bên đường Phạm Văn Đồng, TP Hà Nội Mới đây TP Hồ Chí Minh đã quyết định phê duyệt Đề án “Quản lí đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TP.HCM”. Một trong những nội dung của Đề án được dư luận quan tâm, đó là thành phố sẽ thu hồi đất kế bên công trình hạ tầng để đấu giá và tái định cư người dân nhường đất cho công trình. Với đề xuất mới này, người dân thuộc diện giải tỏa có thể được lợi nhiều hơn bằng việc tái định cư tại chỗ, hoặc được bồi thường với giá tốt hơn (từ nguồn kinh phí đấu giá quỹ đất dôi dư). Nhà nước thu hồi được chi phí đầu tư xây dựng công trình chỉnh trang đường phố, giảm gánh nặng ngân sách. Để thực hiện được chủ trương mới này, vấn đề quan trọng trước tiên là phải tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân. Nhiều chuyên gia quy hoạch, xây dựng và bất động sản cho rằng thành phố cần phải xây dựng phương án cụ thể, rõ ràng ngay từ đầu. Khi mở rộng một tuyến đường, phải có bài toán chính sách, tài chính cụ thể, chặt chẽ, làm cho dân thấy được hưởng lợi hơn hiện tại cái gì, Nhà nước lợi cái gì. Khi người dân thấy được cái lợi hơn so với hiện tại họ sẽ đồng tình và sẵn sàng cùng Nhà nước thực hiện để ổn định chỗ ở mới. Khi đó nguồn lợi đầu tư, chỉnh trang đô thị sẽ mang lại cho toàn dân chứ không rơi vào túi những nhóm người hoặc số ít cư dân. Nếu TP Hồ Chí Minh thực hiện thành công chủ trương trên sẽ là bài học, là mô hình cho các địa phương khác rút kinh nghiệm làm theo. Để bên những tuyến đường khang trang tốn hàng nghìn tỉ đồng đầu tư không bị “điểm tô” bằng các ngôi nhà nhếch nhác, xấu xí./. Đinh Hoàng Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 19 tháng 03 năm 2021 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét