Thứ Ba, 27 tháng 4, 2021

Đã đến lúc cần tăng lương hưu, trợ cấp XH

 

Chính sách cần kịp thời

Vừa qua Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất 2 phương án tăng lương hưu và trợ cấp xã hội. Cụ thể, nếu điều chỉnh từ ngày 1/7/2021, Bộ kiến nghị tăng 10%. Nếu điều chỉnh từ ngày 1/1/2022 (chậm 6 tháng), mức tăng kiến nghị là 15%. Mức này nhằm bảo đảm bù đắp trượt giá, duy trì giá trị của lương hưu, trợ cấp trước lạm phát và chia sẻ thành quả phát triển kinh tế ba năm liên tiếp từ 2019 đến 2021 và không thực hiện điều chỉnh lương hưu giai đoạn 2020-2021.

Như vậy các đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội cần lựa chọn, nếu nhận mức tăng sớm thì sẽ thấp hơn, “chịu khó” chờ 6 tháng sau sẽ hưởng mức tăng cao hơn là 5%.

 

 

An sinh xã hội vừa nhân văn vừa là động lực phát triển

 

Kể từ lần tăng 7,19% vào tháng 7/2019 đến tháng 7/2021 là tròn 2 năm chưa được điều chỉnh lương hưu, trợ cấp xã hội. Mọi người đều có thể tính ra được là nếu mức tăng như năm 2019 cũng chỉ là bù trượt giá lạm phát thời gian trước đó (năm 2017 là 3,53%, 2018 là 3,54%). Với mức lạm phát năm 2019 là 2,73% và năm 2020 là 3,23% thì tổng mức lạm phát hai năm đã là 5,96%. Nếu tháng 7 này tăng 10% thì mức lương được tăng thêm cũng chỉ chừng 4%. Tuy nhiên, trong rổ hàng hóa tính lạm phát thì những hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, điện nước, giao thông… lại luôn “tiên phong” và áp đảo trong “đội quân” tăng giá. Những mặt hàng không thiết yếu (ví dụ giá cước viên thông, điện máy…) không tăng hoặc giảm đã góp phần kéo chỉ số tiêu dùng xuống. Với đối tượng chính sách thì tiền lương chủ yếu chi cho hàng hóa thiết yếu phục vụ sinh hoạt hằng ngày nên giá trị đồng lương luôn giảm dù chỉ số lạm phát ở mức thấp.

Thử hỏi những người hưởng mức lương chừng 2,5 triệu đồng/tháng thì mức chênh lệch từ 10% lên 15% là bao nhiêu, có cần chờ thêm nửa năm nữa để hưởng thêm số tiền ít ỏi đó? Mức tăng cao thì chỉ những người hưởng mức lương cao có lợi (chủ yếu số hưởng lương hưu sau năm 2000).

Thực tế hiện các đối tượng hưởng lương hưu từ những năm 80, 90 của thế kỉ trước có mức rất thấp. Thử hỏi những người hưởng lương hưu cách đây gần 30 năm thì nay đã bao nhiêu tuổi? Sẽ có những người không còn được hưởng mức lương, trợ cấp tăng thêm 5% sau 6 tháng nữa bởi quy luật sinh tử tất yếu của cuộc sống.

Thông cảm với Nhà nước trước khó khăn chung trong hai năm qua vì tác động của đại dịch Covid-19 nên người dân hầu như không có ý kiến than phiền về việc trì hoãn tăng lương hưu, trợ cấp xã hội. Tuy nhiên, an sinh xã hội được an toàn và lành mạnh cũng là một động lực quan trọng của sự phát triển.

Chính sách kịp thời đôi khi nhân văn hơn là giá trị vật chất nó mang lại, đó là giá trị về tinh thần của người thụ hưởng./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 27 tháng 04 năm 2021

 

Thứ Hai, 26 tháng 4, 2021

Kinh doanh sách giáo khoa

 

Mục đích làm sách giáo khoa mới?

            Mỗi lần thay sách giáo khoa mới, người có trách nhiệm của ngành giáo dục, nhà xuất bản đều khẳng định là vì học sinh và hướng tới một mục tiêu cao cả hơn, đó là nâng tầm tri thức người Việt, để hòa nhập cộng đồng tri thức nhân loại…

Vì vậy dĩ nhiên, bộ sách mới phải tốt hơn (trước hết là nội dung, sau đó là hình thức) so với sách hiện hành. Đó cũng là lí do để một bộ sách mới xuất hiện và loại trừ những bộ sách cũ.

Năm trước dư luận từng nổi sóng, thậm chí có người gọi là cuộc “ném đá” vào bộ sách mới Tiếng Việt lớp 1 (bộ Cánh diều) vì những sai lỗi, ngô nghê và bất cập. Sách đã được hội đồng thẩm định gồm hàng chục vị toàn học hàm, học vị cao thông qua, vậy mà từ chuyên gia giáo dục đến bà bán cá ngoài chợ cũng dễ dàng vạch ra những vô lí và lỗi sạn. Dù vậy, một lãnh đạo hội đồng thẩm định vẫn thanh minh đã làm đúng, làm hết trách nhiệm và cho rằng nhà xuất bản không nghe theo ý kiến góp ý của hội đồng!?


 
Sách Cánh diều chất lượng ra sao khi nhiều lỗi sạn?

Kì họp Quốc hội vừa qua có đại biểu Quốc hội lại phát hiện, nêu ý kiến cho rằng không chỉ bộ sách Tiếng Việt 1 Cánh diều, có bộ sách khác cũng nhiều sai lỗi mà dư luận chưa chú ý tới. Vị đại biểu còn đặt nghi vấn: liệu có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà sách?

Cho đến thời điểm này, việc làm rõ trách nhiệm liên quan đến sách giáo khoa và việc sửa lỗi của các bộ sách kể trên gần như chìm vào im lặng. Phụ huynh, học sinh chỉ còn biết tin vào các Nhà xuất bản và trách nhiệm cơ quan quản lí, dù sao năm học tiếp theo cũng không còn xa.

Từ câu chuyện trên cho thấy, tiêu chí sách mới tốt hơn sách cũ xem ra chưa có gì khẳng định.

Vừa qua, Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam công bố giá sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 theo chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu thực hiện từ năm 2021-2022 lại gây xôn xao dư luận. Dù chất lượng sách chưa biết ra sao nhưng giá sách thì đã đồng loạt được “nâng lên”. Cụ thể, với bộ sách lớp 2 ‘Kết nối tri thức với cuộc sống’, giá sách giáo khoa 10 môn học (tương đương 10 cuốn) là 179.000 đồng. Còn bộ ‘Chân trời sáng tạo’ có giá 186.000 đồng. Sách giáo khoa lớp 6 mới có giá 245.000 đồng/bộ và 234.000 đồng/bộ (chưa kể sách Tiếng Anh). Đây là mức giá mà nhiều người cho rằng đã tăng hơn gấp đôi so với sách năm trước.

Lẽ thường theo quy luật thị trường, khi chất lượng tăng lên sẽ cần tăng giá tương ứng. Nhưng các bộ sách giáo khoa mới xem ra lại “bất tuân” quy luật này khi mà chất lượng còn nhiều điều phải bàn. Một lãnh đạo Nhà xuất bản giáo dục đã giải thích rằng giá sách cao là do in nhiều màu, giấy đẹp hơn…

Có lẽ câu thanh minh này là điều hợp lí duy nhất của lí do tăng giá sách.

Vậy mục đích làm sách mới là gì, phải chăng chỉ là giúp học sinh được “xài sang”?

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 24 tháng 04 năm 2021

 

Thứ Năm, 22 tháng 4, 2021

Chỉ muốn chi nhiều tiền

 

 Chi nhiều tiền hay tiêu tiền hiệu quả?

           Dự thảo Quy hoạch đường sắt thời kì tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến các Bộ, ngành, đề xuất thực hiện đầu tư mới đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Theo đó đề xuất đầu tư từ nay tới năm 2040, tàu chạy với tốc độ thiết kế 350km/h, chỉ chở khách, nâng cấp đường sắt hiện hữu để chở hàng. Trong đó, giai đoạn 1 (2021-2032), sẽ đầu tư đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP HCM, đưa vào khai thác năm 2030. Tổng vốn đầu tư hơn 561,5 nghìn tỉ đồng, bình quân 56.160 tỉ đồng/năm. Giai đoạn 2 (năm 2035-2040) tổng vốn đầu tư hơn 772,6 nghìn tỉ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn tuyến hơn 1,33 triệu tỉ đồng (khoảng 58,71 tỉ USD).

Với đề xuất này, Bộ GTVT mong muốn tiến thẳng lên hiện đại, sẽ có tuyến đường sắt “sánh vai” với đường sắt Nhật Bản. Trong khi đó, Bộ Kế hoạch & Đầu tư và một số chuyên gia lại đề xuất nâng cấp đường sắt hiện hữu để chạy tàu nhanh hơn, huy động vốn trong nước, giảm vay ODA, trước khi nghĩ tới công nghệ hiện đại. 

Đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên 

Đã có nhiều chuyên gia phản biện về chủ trương xây dựng tuyến đường sắt cao tốc này với những phân tích khá thuyết phục về sự không hiệu quả vì chi phí lớn, khó cạnh tranh với giao thông đường hàng không. Tuy nhiên xem ra ngành giao thông vẫn quyết tâm đề xuất phương án tiến thẳng lên đường sắt hiện đại.

Đầu tư cho giao thông không chỉ có đường sắt cao tốc, nhu cầu xây dựng đường bộ cao tốc, đường thủy, cảng biển và cả các tuyến đường sắt khác… cũng đang rất cần nguồn lực lớn nên con số hơn 56 nghìn tỉ mỗi năm riêng cho đường sắt cao tốc là không nhỏ.

Còn hiệu quả của các tuyến đường sắt, nhất là đường sắt đô thị đang xây dựng chưa biết tương lai sẽ thế nào nhưng đều có một thực trạng chung là đội vốn nhiều lần và tiến độ kéo dài. Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có tổng mức đầu tư 8.770 tỉ đội vốn lên 18.000 tỉ đồng; hay hai dự án đường sắt đô thị TP HCM (tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên và tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương) đội vốn hơn 51.710 tỉ đồng… đã là những con số khủng. Đường sắt cao tốc Bắc - Nam khi xây dựng liệu có theo “vết xe” các dự án đướng sắt đô thị? ai dám khẳng định sẽ không có tình trạng đội vốn và chậm tiến độ? Nếu dự án này cũng đội vốn gấp đôi, hơn 2,6 triệu tỉ sẽ là con số khó tưởng tượng nổi cho một dự án với nền kinh tế của ta.

Được biết thế giới đang hoàn thiện công nghệ tàu siêu tốc hyperloop (tốc độ từ 800 đến 1.200km/h), có thể thương mại hóa sau 10 năm tới. Như vậy năm 2032 khi ta hoàn thành (nếu đúng kế hoạch) 2 đoạn cao tốc Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP Hồ Chí Minh thì rất có thể đã lạc hậu so với thế giới, không còn là đường sắt cao tốc hiện đại.

Một đồng tiền thuế của dân khi chi trước hết cũng phải tính tới hiệu quả. Xem ra ngành giao thông đang muốn tiêu nhiều tiền song hiệu quả thì vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 22 tháng 04 năm 2021

 

"Con" phạm pháp, "bố" vô can

 

Phủi tay trách nhiệm

          Vụ án buôn lậu xăng giả với khối lượng hàng trăm triệu lít, hàng trăm tỉ đồng tiền mặt được thu giữ khiến dư luận ngỡ ngàng và vô cùng ngạc nhiên.

Những kẻ buôn bán mặt hàng này thu lợi nhuận có thể khiến bọn buôn bán ma túy cũng phải ngưỡng mộ. Từ xăng chất lượng thấp, pha dung môi, biến thành xăng A95, trốn các loại thuế phí, mỗi lít bán ra có thể lãi tới 8000 đồng!

Khi vụ án buôn lậu xăng giả được điều tra mở rộng đang phát lộ những kẽ hở và sự buông lỏng quản lí của các cơ quan chức năng. Một số cán bộ đã bị “mua” và trở thành thế lực bảo kê cho buôn lậu. 

 

Lực lượng công an Đồng Nai thu giữ hơn 100 tỉ đồng tiền mặt là tang vật vụ án buôn lậu xăng dầu

Với mặt hàng đặc biệt như xăng dầu, kinh doanh có điều kiện nên hàng triệu lí xăng dầu đâu có dễ mua bán như mớ rau, con cá ngoài chợ. Bọn buôn lậu cũng cần có kho chứa, cây xăng để tiêu thụ hàng lậu, những công trình này không tài nào lại có thể là “lậu”. Chính vì vậy, vụ bắt giữ ông  Lương Đình Tiến, Giám đốc Công ty Xăng dầu Long An là việc không bất ngờ với dư luận. Nếu bất ngờ thì là vì sao mới chỉ có một Công ty Xăng dầu Long An tiếp tay cho buôn lậu.

Một “đứa con” của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex, “ông lớn” trong mảng kinh doanh xăng dầu lại “dính vào” buôn lậu, vậy việc quản lí của Tập đoàn này thế nào, trách nhiệm liên đới ra sao?

Rất nhanh sau vụ bắt giữ Giám đốc Công ty Xăng dầu Long An, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã phát ngôn khẳng định “các sai phạm này nằm ngoài phạm vi chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm pháp lí ông Tiến được giao tại Công ty Xăng dầu Long An và không liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam nói chung và Công ty Xăng dầu Long An nói riêng”.

Như vậy “ông bố” Petrolimex vô can trong vụ việc “ông con” phạm pháp.

Thử ví dụ, hơn 40 công ty con của Petrolimex đều đi buôn lậu “để sống” như Công ty Xăng dầu Long An thì “ông bố” quản lí cái gì và thu lợi nhuận bao nhiêu từ mảng kinh doanh xăng dầu? Về nhân sự, Giám đốc công ty con có thuộc quyền quản lí của lãnh đạo Tập đoàn?

Về trách nhiệm liên đới trong quản lí, tại điểm b, khoản 1 Điều 13 Quy định số 102-QĐ-TW ngày 15/11/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về xử lí kỉ luật đảng viên vi phạm đã nêu: “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu thiếu trách nhiệm, không tổ chức quán triệt, tuyên truyền về công tác phòng, chống tội phạm theo chức trách, nhiệm vụ được giao; không có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hoặc không đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc phòng, chống tội phạm ở địa phương, lĩnh vực, tổ chức, cơ quan, đơn vị được giao trực tiếp phụ trách”.

Chiểu theo quy định này của Ban Chấp hành Trung ương, liệu lãnh đạo Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam có liên đới trách nhiệm gì không với vi phạm của Giám đốc Công ty Xăng dầu Long An?/.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 21 tháng 04 năm 2021

 

Thứ Hai, 19 tháng 4, 2021

Lừa đảo lan đột biến

 

 Ai chơi lan đột biến?

          Với thu nhập của người Việt Nam ta hiện nay (là nước trung bình thấp), số người mua hoa về chơi hằng ngày là khá ít ỏi, chủ yếu là dân đô thị, người thu nhập khá trở lên. Chỉ có ngày lễ, Tết Nguyên đán truyền thống mới là dịp nhà nhà mua hoa, cây cảnh về chơi. Mua những loại cây cảnh, hoa đắt hàng chục triệu một chậu lan, cây thế… chỉ có nhà giàu, khá giả mới bỏ ra chơi trong mấy ngày Tết. Riêng chơi các giống lan rừng và “họ hàng” loài cây này thường cần không gian rộng để có thể sở hữu số lượng không chỉ một vài cây.

Lan đột biến

Từ năm trước đã râm ran chuyện lan đột biến giá hàng chục triệu đồng mỗi cây, hàng trăm nghìn mỗi kie vài centimet cùng những thương vụ mua bán tiền tỉ khiến nhiều người ngạc nhiên. Bẵng đi một thời gian chuyện lan đột biến lắng xuống thì nay lại “lên cơn sốt” như đua cùng sốt giá đất.

Hàng hóa nào thì cuối cùng cũng cần tới điểm cuối cùng là người sử dụng, cụ thể lan đột biến cũng cần có người mua về chơi. Vậy thử hỏi có ai đã mua cây lan trăm triệu về nhà chơi, tên tuổi, địa chỉ thế nào? Câu trả lời là: Chưa thấy ai cả!

Tôi có anh bạn từ lâu say mê sưu tầm lan rừng. Sống tại Hà Nội anh thường đến chợ Bưởi những phiên chính để lùng tìm giống lan mới, loại lan còn thiếu trong “bộ sưu tập” để mua. Anh đã bỏ khá nhiều công sức để có một giàn vườn lan rất đẹp trên sân thượng một ngôi nhà trong phố. Lan là loài cây “kĩ tính”, nếu không tìm hiểu để biết cách chăm sóc đúng thì cây sẽ chẳng phát triển và trổ hoa, thậm chí còn lụi tàn. Khi hỏi đã có nhánh lan đột biến nào chưa, anh cười: “Lan đột biến đâu có nhiều thế mà mọi người đua nhau săn tìm? Còn vẻ đẹp thì lan đột biến đâu hơn gì lan rừng cho lắm. Mà đã đột biến thì phải từ tự nhiên với tỉ lệ vô cùng thấp, khi chiết tách cây ra bán thì làm gì còn đột biến nữa”. Anh cho biết mấy người bạn cùng chơi lan “có sỏi trong đầu” nhưng chưa ai chơi lan đột biến vì giá cao mà chẳng biết có phải đột biến không, họ chủ yếu chơi lan rừng.

 


Rút cuộc, lan đột biến giá tiền tỉ chỉ là câu chuyện của những người đầu tư lan với nhau. Từ năm trước tới nay vẫn chưa ai biết có những giao dịch nào là thật. Chỉ có một thứ đột biến thật, đó là mức giá và những thương vụ khủng được lan truyền!

Từ vụ chủ vườn lan tại Ứng Hòa, Hà Nội nghi ôm tiền tỉ bỏ trốn, cơ quan chức năng đang vào cuộc điều tra làm rõ. Rất có khả năng thị trường lan đột biến chỉ là ảo, do một số nhóm đối tượng tạo ra những “cơn sóng” nhằm huy động vốn từ người đầu tư ham lời để lừa đảo./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 17 tháng 04 năm 2021

 

Thứ Sáu, 16 tháng 4, 2021

Người trồng, người phá?

 

Dễ hay khó với mục tiêu một tỉ cây xanh?

           Màu xanh đồng nghĩa với sự thịnh vượng, là màu của sự sinh sôi và phát triển bền vững. Chính vì vậy, ngay đầu Xuân năm mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị chính thức chọn thông điệp cho chương trình trồng 1 tỉ cây xanh là “Vì một Việt Nam xanh”. Thông điệp được đưa ra tại Lễ phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ xuân Tân Sửu năm 2021 tại tỉnh Phú Yên.

 

Rừng thông Đak Đoa, Gia Lai sẽ nhường chỗ cho sân golf FLC

Sáng ngày 26/3, tại khu vực Cầu Treo thuộc khuôn viên Biển Hồ, tỉnh Gia Lai phối hợp với Báo Tiền Phong và các nhà tài trợ tổ chức Lễ phát động trồng cây hưởng ứng Chương trình 1 tỉ cây xanh - “Vì một Việt Nam xanh”. Lãnh đạo tỉnh Gia Lai đã rất nhạy bén, nhanh chóng hưởng ứng chủ trương lớn của Thủ tướng Chính phủ nhiệm kì vừa qua bằng hành động cụ thể, thiết thực.

Đầu tháng 4, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã kí quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân golf Đak Đoa (tỉnh Gia Lai). Theo đó sẽ thực hiện chuyển mục đích sử dụng 155,93ha rừng thông cổ thụ sang mục đích khác để thực hiện dự án do Công ty cổ phần Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư. Hiểu đơn giản là 155,93 ha rừng thông cổ thụ sẽ nhường chỗ để phục vụ cho dự án của một doanh nghiệp tư nhân rất lớn.

Thông tin về chủ trương lớn và những hoạt động chưa thật “ăn nhập” trên khiến nhiều người đặt câu hỏi, không biết buổi lễ phát động hôm 26/3 tỉnh Gia Lai đã trồng được bao nhiêu cây non, có nhiều bằng số cây trong gần 156 ha rừng thông trên? Và quan trọng hơn là mất bao nhiêu năm nữa những cây mới trồng này sẽ trở thành cây cổ thụ như tại cánh rừng thông sẽ nhường chỗ cho dự án sân golf FLC?

Rừng thông Đak Đoa

Con số một tỉ cây nếu chia bình quân cho 63 tỉnh, thành phố thì mỗi địa phương cũng phải trồng được hơn 150 triệu cây, trong 5 năm, mỗi năm cần trồng 30 triệu. Tất nhiên, đó là chia bình quân, sẽ có địa phương cần trồng hơn nhiều con số đó và có những địa phương không thể có đất để trồng (như một số tỉnh vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long).

Trồng 1 tỉ cây xanh không chỉ là khát vọng lớn lao, đẹp đẽ của lãnh đạo Chính phủ, nó còn là một mục tiêu không dễ dàng đạt được nếu thiếu sự đồng lòng của mọi cấp mọi ngành, người dân và cộng đồng doanh nghiệp cả nước.

          Trồng được một cây cho đến lúc trưởng thành đã khó, trở thành cây cổ thụ cần không ít thời gian tính bằng năm tháng đời người. Thế nhưng, khi người ta có thể phá đi cả một cánh rừng cổ thụ quý một cách dễ dàng thì để đạt mục tiêu “Vì một Việt Nam xanh” là vô vàn khó khăn!/.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 16 tháng 04 năm 2021

Thứ Năm, 15 tháng 4, 2021

“Ông lớn” sợ cạnh tranh?

 

“Ông lớn” sợ cạnh tranh?

           Cạnh tranh là động lực của phát triển. Đó là quy luật, nếu làm trái sẽ kìm hãm sự phát triển.

Một thời “ông lớn” đang độc quyền mảng viễn thông, khi chủ trương cho tự do kinh doanh đã có nhiều ý kiến phản đối nhằm bảo vệ quyền lợi riêng nhưng núp dưới lí do an ninh quốc gia. Khi đó chỉ có người giàu, cán bộ lãnh đạo, quản lí doanh nghiệp mới sở hữu chiếc điện thoại di động. Vì độc quyền nên giá cước di động khi đó còn đắt hơn hiện nay, sau mấy chục năm. Nay thì ai cũng rõ, viễn thông phát triển bùng nổ, chẳng ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, giá cước không tăng mà ngày càng giảm, mang lại lợi ích cho xã hội và sự phát triển.

Mới đây, hãng hàng không Vietnam Airlines đã đề xuất Bộ Giao thông Vận tải thực hiện áp giá sàn và tăng giá trần vé vận tải hành khách hàng không. Lí do được đưa ra là giúp hàng không vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 và hạn chế sự cạnh tranh giữa các hãng! Được biết, hồi tháng 3/2017, hãng này cũng từng gửi Bộ Giao thông Vận tải phương án áp giá sàn cho một vé máy bay hạng phổ thông nội địa là 1,54 triệu đồng, còn giá trần là 4,2 triệu đồng.

Với kiến nghị áp giá sàn vé máy bay của Vietnam Airlines, ai cũng nhận ra việc cạnh tranh sẽ giảm đồng thời người tiêu dùng bất lợi.

Hiện nay, thị trường hàng không cũng như thị trường xăng dầu chưa có cạnh tranh thực sự do một số doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh, chiếm thị phần trên 30%. Theo Luật Giá, nhà nước chỉ áp giá trần mà không áp giá sàn. Nguyên tắc cạnh tranh là đặc trưng cơ bản của kinh tế thị trường, phải có cạnh tranh để hạ giá thành sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Từ khi một số hãng hàng không tư nhân xuất hiện như Bamboo Airways, Vietjet Air… giúp thị trường hàng không khởi sắc, giá thành phù hợp nên người dân nhiều tầng lớp đã có thể tiếp cận loại dịch vụ vận tải “cao cấp” này. Có thể bộ máy quản lí của các doanh nghiệp sinh sau đã đúc rút được kinh nghiệm, tinh giản bộ máy và có phương thức vận hành tốt nên giảm được chi phí sản xuất, hạ giá dịch vụ. Vietnam Airlines vốn là doanh nghiệp Nhà nước, phải chăng do chi phí bộ máy lớn nên sức cạnh tranh khó khăn và cần sự can thiệp của cơ quan quản lí?

Đề xuất của Vietnam Airlines đi ngược với nguyên tắc quản lí giá trong Luật Giá năm 2012, theo đó Nhà nước thực hiện quản lí giá theo cơ chế thị trường; tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật. Tại điều 19 của Luật Giá quy định rõ, Nhà nước chỉ thực hiện định giá đối với: Hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước sản xuất, kinh doanh; tài nguyên quan trọng; hàng dự trữ quốc gia; sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước. Giá cước vận tải hàng không nằm ngoài quy định luật này.

Một “ông lớn” như Vietnam Airlines nếu thực sự “khỏe” tại sao lại e ngại cạnh tranh để rồi muốn sửa luật?/.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 15 tháng 04 năm 2021

Thứ Ba, 13 tháng 4, 2021

Đừng đổ oan cho cuốn sổ

 

 Đừng đổ oan cho cuốn sổ

           Thẻ căn cước công dân (CCCD) trong đó có mã số định danh cá nhân đã và đang được cơ quan chức năng gấp rút hoàn tất. Đây có thể coi là những hồ sơ thủ tục hành chính được cô đọng nhất, “rất nhiều trong một”. Với kỉ nguyên số, công nghệ 4.0 thì việc này là tất yếu.

Cuốn sổ hộ khẩu, cho đến lúc này đang là công cụ quan trọng nhất để cơ quan chức năng quản lí cư trú của công dân. Mọi giao dịch với cơ quan hành chính Nhà nước, cùng với tấm chứng minh thư luôn hiện diện cuốn sổ hộ khẩu. Khai sinh, khai tử, nhập học, xin việc, công chứng, chứng thực… tất thảy đều phải mang theo sổ hộ khẩu. Ở thành phố, những người có sổ hộ khẩu thuộc các phường, quận nội thành lại càng giá trị, nhất là việc học hành của con em. Nhiều người vì thế coi cuốn sổ hộ khẩu như có một quyền năng rất lớn, mất nó chẳng khác “mất sổ gạo” với dân đô thị thời bao cấp.

Thông tin “khai tử” sổ hộ khẩu là niềm vui của mọi người vì thủ tục hành chính sẽ được đơn giản hóa, thuận tiện hơn. Tuy nhiên cũng có người hiểu chưa đầy đủ về việc bỏ sổ hộ khẩu, nghĩ rằng có thể hoàn toàn tự do cư trú không cần sự quản lí của cơ quan chức năng. Ví dụ một gia đình đang cư trú tại quận A vẫn có thể nhập học cho con em tại quận B, thậm chí ở tỉnh thành phố khác vì không cần đến cuốn sổ “hậu khổ”.

Tại diễn đàn Quốc hội, kì họp cuối năm 2017, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã giải thích về việc này, theo ông cho dù bỏ sổ hộ khẩu nhưng chắc chắn các biện pháp quản lí dân cư như đăng kí thường trú, tạm trú, tạm vắng vẫn thực hiện, theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ. Bộ trưởng khẳng định: “Chắc chắn là phải có quản lí, nhưng theo hướng đơn giản hóa thủ tục, vì đã là nhà nước thì phải có chức năng quản lí chứ không thể để ai muốn vào thì vào, ai muốn ra thì ra”.

Nôm na có thể hiểu, cuốn sổ hộ khẩu với những thông tin trong đó, nó vẫn “nằm” trong hồ sơ quản lí công dân, cơ quan quản lí chỉ cần tra theo mã số định danh cá nhân trên CCCD là nắm được tình hình cư trú của công dân. Các thông tin của công dân khi có di biến động sẽ được cập nhật kịp thời. Khi đi làm các thủ tục hành chính người dân không phải mang theo các loại giấy tờ như bằng cấp, sổ hộ khẩu… nên rất tiện lợi, không lo thất lạc, mất, hỏng. Tội phạm cũng không thể làm giả CCCD.

Cuốn sổ hộ khẩu chỉ là một công cụ giúp cơ quan chức năng quản lí, khi trình độ khoa học kĩ thuật công nghệ ở một mức độ nhất định. Bất kì quốc gia nào cũng cần có những công cụ để quản lí xã hội. Cách quản lí thủ công, rườm rà một thời gian dài dần tạo “tiếng xấu” cho cuốn sổ hộ khẩu, một thứ không thể thiếu trong quản lí dân cư.

Trong tương lai, trình độ khoa học công nghệ tiến lên một mức mới, tấm thẻ CCCD vẫn chỉ là một công cụ thô sơ, liệu khi đó người ta sẽ lại chê nó như có “quyền năng” quá lớn?

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 13 tháng 04 năm 2021

 

Thứ Năm, 8 tháng 4, 2021

Thí điểm chỉ để... thí điểm!

 

Nỗi lo… thí điểm

Từ “thí điểm” được hiểu là người ta thực hiện việc gì đó trong phạm vi hẹp, thời gian ngắn để rút kinh nghiệm rồi nhân ra diện rộng. Đích của việc thí điểm là để đỡ tốn phí tiền của, thời gian của xã hội trong quá trình phát triển.

Thế nhưng gần đây có nhiều cuộc thí điểm chẳng theo quy tắc giản đơn kể trên, để lại hệ quả không tốt cho kinh tế, xã hội.

Cuộc thí điểm với các hãng xe công nghệ kéo dài mấy năm trời, thu hút hàng nghìn tài xế cùng phương tiện lao vào “đầu quân”, chưa xong thì hãng Uber đã “ăn đủ” rồi “bán cái” cho Grab để chạy sang thị trường nước khác. Không có cuộc tổng kết rút kinh nghiệm xem được gì, cần chấn chỉnh gì song các hãng nay như đang tiếp tục cuộc “thí điểm” vì lượng xe đã bão hòa, không thể tăng thêm. Thị trường taxi mất mấy năm bất ổn vì cạnh tranh không lành mạnh, còn Nhà nước thì thất thu thuế đôi đường (sụt giảm thuế của taxi truyền thống, không thu được đủ thuế với xe công nghệ).

Cũng nói về giao thông, 5 năm trước Hà Nội thí điểm mở tuyến buýt nhanh BRT với kì vọng sẽ sớm phổ biến được loại  hình giao thông công cộng hiện đại, ưu việt. Tuy nhiên do đường phố Thủ đô vốn nhỏ hẹp, đang quá tải phương tiện lại phải “xén” riêng một làn cho BRT chắc chắn sự quá tải sẽ gia tăng. Ngay từ đầu nhiều chuyên gia giao thông và cả dư luận đã có những ý kiến trái chiều, đa số chưa đồng thuận hoặc nghi ngại. Thế nhưng có vẻ điều đó không thắng nổi ý chí của cơ quan quản lí khi họ muốn có bằng được tuyến BRT này. Mấy chục triệu đô la đổ vào tuyến thí điểm như biết trước sẽ “ném qua cửa sổ” song việc gì phải diễn ra thì đã diễn ra. Lo ngại hơn, Hà Nội đang rút kinh nghiệm để mở thêm các tuyến BRT khác!

Hàng cây phong chết khô trên đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội

Mấy ngày qua dư luận lại xôn xao về một cuộc thí điểm không thành công nữa của Hà Nội, đó là việc trồng cây phong lá đỏ. Cách đây một nhiệm kì, người dân Thủ đô “tiếc ngẩn ngơ” khi những hàng cây xanh tươi trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh (tuyến đường từng được mệnh danh đẹp nhất Hà Nội) bị đốn hạ để nhường chỗ cho cây vàng tâm (có người cho rằng đó thực ra là cây mỡ). Chỉ thời gian ngắn nhiều cây “mỡ - vàng tâm” đã héo khô héo quắt. Cách đây hơn 3 năm một giống cây mới - cây phong lá đỏ đến từ xứ lạnh lại được trồng thử nghiệm trên dải phân cách tuyến phố Nguyễn Chí Thanh và Trần Duy Hưng. Cuộc thí điểm không thành nên vừa qua Phó Chủ tịch TP Hà Nội đã đồng ý phương án thay thế cây phong lá đỏ bằng cây bàng lá nhỏ, giống cây đến từ xứ Đài…

Việt Nam ta là nước nhiệt đới, cây xanh có lẽ chẳng thiếu giống loài ưu việt, vậy mà các nhà quản lí cứ miệt mài thí điểm những giống cây lạ để rồi mấy năm sau lại phải “thí điểm” thêm. Đơn giản như cây bàng lá nhỏ Đài Loan sao có thể tạo bóng mát và sức sống bằng “cây bàng lá đỏ” của Việt Nam.

Nếu thí điểm chỉ là để… thí điểm thì thật đáng lo!/.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 08 tháng 04 năm 2021

Thứ Tư, 7 tháng 4, 2021

Loại trừ “lò luyện”, học tủ

 

Đánh giá năng lực để loại trừ “lò luyện”, học tủ

Với học sinh trung học phổ thông, kì thi tốt nghiệp lâu nay thực sự là một “cuộc chiến” để bước vào ngưỡng cửa trường đại học (ĐH). Để chuẩn bị cho “chiến dịch” thi cử, cả học sinh và giáo viên tốn khá nhiều tâm sức vào các môn sẽ có mặt trong kì thi trước mắt.

Tình trạng dạy, học tủ, học sinh phải lao vào các “lò” luyện thi cũng vì mục tiêu dành điểm cao trong các môn thi. Khi kì thi “hai trong một” - thi tốt nghiệp được lấy làm kết quả xét tuyển ĐH đã phần nào giảm áp lực đó nhưng thực trạng trên vẫn tồn tại.

 

Những lò luyện thi như thế này đang ngày một vắng bóng

Năm 2018 Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh công bố bài thi mẫu bài thi đánh giá năng lực thi trung học phổ thông quốc gia. Đây là trường ĐH đầu tiên tổ chức kì thi năng lực để sử dụng kết quả xét tuyển, mở ra một phương thức tuyển sinh mới.

Đến nay đã có các trường ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức kì thi đánh giá năng lực (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội gọi là kì thi đánh giá tư duy).

Với các ngân hàng đề thi gồm hàng nghìn câu hỏi cả trắc nghiệm và tự luận sẽ bao quát kiến thức của ba năm trung học phổ thông. Mỗi câu hỏi cung cấp đủ kiến thức để kiểm tra năng lực, tư duy phân tích chứ không thiên về kiểm tra trí nhớ, khả năng học thuộc của thí sinh. Vì ngân hàng đề rất lớn nên các “lò” luyện thi không thể bao quát hết và cũng không thể có các mẫu bài để luyện. Cách thi này như “khắc tinh” của cách học thuộc lòng, học gì thi nấy. Và, các “lò” luyện thi vào các dịp hè cũng sẽ tự triệt tiêu.

Thi bằng đánh giá năng lực cũng buộc các nhà trường phải coi trọng mọi môn học, nếu theo cách dạy cũ (môn chính, môn phụ) sẽ không thể bảo đảm năng lực cho học sinh.  

Hiện nay, hầu hết các trường ĐH của các nước tiên tiến trên thế giới đều tuyển sinh theo mô hình đánh giá năng lực, họ xây dựng những phương án tuyển sinh riêng hoặc nhóm trường sẽ có những phương thức tuyển sinh riêng thay vì sử dụng một bài thi chung như ở Việt Nam.

Chỉ mới qua mấy mùa thi theo phương thức đánh giá năng lực, năm 2020 đã có 59 trường ĐH sử dụng kết quả cách thi này của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh để xét tuyển. Có thể đây sẽ là xu hướng tuyển sinh sắp tới, khi mà tình trạng gian lận thi cử vẫn chưa được loại bỏ.

Trong đánh giá cán bộ lâu nay do nặng về bằng cấp nên đã dẫn tới thực trạng cán bộ chạy theo bằng cấp, cán bộ dù có bằng thạc sĩ, tiến sĩ vẫn không đáp ứng được thực tiễn. Nếu việc đánh giá cán bộ coi trọng hơn vào năng lực thực tiễn thì nạn chạy theo bằng cấp sẽ dần triệt tiêu. Cũng như vậy, thi đánh giá năng lực sẽ triệt tiêu nạn học lệch, học tủ… đồng thời giúp ngành giáo dục đào luyện được những học sinh có năng lực thực sự chứ không chỉ là điểm số một kì thi./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 07 tháng 04 năm 2021

Thứ Ba, 6 tháng 4, 2021

Cần sớm hướng tới năng lượng sạch

 

 Cần sớm hướng tới năng lượng sạch

Mới đây Nghị viện châu Âu đã biểu quyết, ủng hộ ý tưởng áp thuế phát thải đối với hàng hóa nhập khẩu. Đây là bước đi đầu tiên trong việc tạo lập một tiêu chuẩn kĩ thuật mới mẻ mà các nước xuất khẩu hàng hoá vào châu Âu, trong đó Việt Nam không thể không tính đến.

Trước hết là các sản phẩm dễ tính toán lượng khí thải ra trong quá trình sản xuất như thép, xi măng, nhôm, giấy, hoá chất… Tiếp đến là mọi loại sản phẩm như may mặc, giầy da, thậm chí sản phẩm phi vật chất như phần mềm máy tính hay bản vẽ thiết kế xây dựng. Bởi vì quá trình sản xuất các sản phẩm phi vật chất ấy cũng dùng tới điện, có nghĩa vẫn phát khí thải làm cho Trái đất nóng lên.

Trong khi các nước đang nỗ lực đầu tư các nguồn năng lượng sạch, đặc biệt loại bỏ nhiệt điện than thì Việt Nam ta lại như đang trên đà ngược lại. Cuối năm 2019 tỉnh Quảng Trị khởi công xây dựng Nhà máy nhiệt điện BOT Quảng Trị I có tổng công suất 1.320MW, tổng mức vốn đầu tư 55.093 tỉ đồng. Đầu năm nay tỉnh Quảng Bình đã khởi công xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 với tổng công suất lắp đặt 1.200 MW, tổng mức đầu tư 1,86 tỉ USD…

Quảng Bình, Quảng Trị không có nguồn than hay khí, nhiệt điện không thể là lợi thế, tiềm năng nắng, gió lại khá dồi dào nhưng sự quan tâm chưa tương xứng.

Theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg, giá mua điện mặt trời mà EVN chi trả đủ hấp dẫn khiến nhiều hộ gia đình và nhà đầu tư ồ ạt triển khai các dự án điện mặt trời áp mái. Sự tăng trưởng nóng đã gây ra hiện tượng thừa điện, hệ thống điện quá tải khi nhiều dự án cùng hòa lên lưới.

Điện mặt trời phát triển nóng 2 năm qua

Dự thảo Quy hoạch điện VIII Bộ Công Thương đang lấy ý kiến để hoàn thiện phê duyệt. Theo dự thảo Quy hoạch này, trong vòng 5 năm tới, công suất xây thêm của nhiệt điện than là gần 9.100 MW, trong khi điện mặt trời chỉ là 600 MW. Thế nhưng, chỉ riêng năm 2020 đã có thêm 8.900 MW công suất điện mặt trời mái nhà kết nối vào lưới điện. Nghĩa là, với tốc độ lắp đặt điện mặt trời mái nhà như trên, chỉ cần thời gian rất ngắn đã có thể đạt toàn bộ mục tiêu công suất.

Điện mặt trời, điện gió và các nguồn năng lượng sạch đang là xu hướng của thế giới. Điểm hạn chế của nguồn năng lượng này là tính không ổn định, giá thành cao… Đây là điều lo ngại của ngành điện và cũng chưa có giải pháp khắc phục nên có thể là lí do nguồn năng lượng này chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ trong Quy hoạch điện VIII.

Cách đây 30 năm, nước Đức thúc đẩy sản xuất điện tái tạo khi tỉ trọng sản lượng điện gió và mặt trời chỉ đạt dưới 0,1%. Lúc đó cũng có lo ngại điện tái tạo làm tăng nguy cơ mất an toàn và ổn định lưới điện. Tuy nhiên, Đức nay thuộc 5 quốc gia dẫn đầu về điện sạch. Năm 2018, tỉ trọng sản lượng điện gió và mặt trời phát lên lưới của Đức là 26%.

            Với lợi thế đi sau, liệu ta có học được kinh nghiệm của nước Đức trong vấn đề năng lượng sạch? Nếu không có nguồn năng lượng sạch, sẽ tới lúc hàng hóa xuất khẩu Việt Nam khó có thể cạnh tranh tại thị trường châu Âu./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 06 tháng 04 năm 2021