Đánh giá năng lực để loại trừ “lò luyện”, học tủ
Với học sinh trung học phổ thông, kì thi tốt nghiệp lâu nay thực sự là một “cuộc chiến” để bước vào ngưỡng cửa trường đại học (ĐH). Để chuẩn bị cho “chiến dịch” thi cử, cả học sinh và giáo viên tốn khá nhiều tâm sức vào các môn sẽ có mặt trong kì thi trước mắt. Tình trạng dạy, học tủ, học sinh phải lao vào các “lò” luyện thi cũng vì mục tiêu dành điểm cao trong các môn thi. Khi kì thi “hai trong một” - thi tốt nghiệp được lấy làm kết quả xét tuyển ĐH đã phần nào giảm áp lực đó nhưng thực trạng trên vẫn tồn tại.
Những lò luyện thi như thế này đang ngày một vắng bóng Năm 2018 Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh công bố bài thi mẫu bài thi đánh giá năng lực thi trung học phổ thông quốc gia. Đây là trường ĐH đầu tiên tổ chức kì thi năng lực để sử dụng kết quả xét tuyển, mở ra một phương thức tuyển sinh mới. Đến nay đã có các trường ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức kì thi đánh giá năng lực (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội gọi là kì thi đánh giá tư duy). Với các ngân hàng đề thi gồm hàng nghìn câu hỏi cả trắc nghiệm và tự luận sẽ bao quát kiến thức của ba năm trung học phổ thông. Mỗi câu hỏi cung cấp đủ kiến thức để kiểm tra năng lực, tư duy phân tích chứ không thiên về kiểm tra trí nhớ, khả năng học thuộc của thí sinh. Vì ngân hàng đề rất lớn nên các “lò” luyện thi không thể bao quát hết và cũng không thể có các mẫu bài để luyện. Cách thi này như “khắc tinh” của cách học thuộc lòng, học gì thi nấy. Và, các “lò” luyện thi vào các dịp hè cũng sẽ tự triệt tiêu. Thi bằng đánh giá năng lực cũng buộc các nhà trường phải coi trọng mọi môn học, nếu theo cách dạy cũ (môn chính, môn phụ) sẽ không thể bảo đảm năng lực cho học sinh. Hiện nay, hầu hết các trường ĐH của các nước tiên tiến trên thế giới đều tuyển sinh theo mô hình đánh giá năng lực, họ xây dựng những phương án tuyển sinh riêng hoặc nhóm trường sẽ có những phương thức tuyển sinh riêng thay vì sử dụng một bài thi chung như ở Việt Nam. Chỉ mới qua mấy mùa thi theo phương thức đánh giá năng lực, năm 2020 đã có 59 trường ĐH sử dụng kết quả cách thi này của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh để xét tuyển. Có thể đây sẽ là xu hướng tuyển sinh sắp tới, khi mà tình trạng gian lận thi cử vẫn chưa được loại bỏ. Trong đánh giá cán bộ lâu nay do nặng về bằng cấp nên đã dẫn tới thực trạng cán bộ chạy theo bằng cấp, cán bộ dù có bằng thạc sĩ, tiến sĩ vẫn không đáp ứng được thực tiễn. Nếu việc đánh giá cán bộ coi trọng hơn vào năng lực thực tiễn thì nạn chạy theo bằng cấp sẽ dần triệt tiêu. Cũng như vậy, thi đánh giá năng lực sẽ triệt tiêu nạn học lệch, học tủ… đồng thời giúp ngành giáo dục đào luyện được những học sinh có năng lực thực sự chứ không chỉ là điểm số một kì thi./. Đinh Hoàng Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 07 tháng 04 năm 2021 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét