Thứ Năm, 22 tháng 4, 2021

Chỉ muốn chi nhiều tiền

 

 Chi nhiều tiền hay tiêu tiền hiệu quả?

           Dự thảo Quy hoạch đường sắt thời kì tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến các Bộ, ngành, đề xuất thực hiện đầu tư mới đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Theo đó đề xuất đầu tư từ nay tới năm 2040, tàu chạy với tốc độ thiết kế 350km/h, chỉ chở khách, nâng cấp đường sắt hiện hữu để chở hàng. Trong đó, giai đoạn 1 (2021-2032), sẽ đầu tư đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP HCM, đưa vào khai thác năm 2030. Tổng vốn đầu tư hơn 561,5 nghìn tỉ đồng, bình quân 56.160 tỉ đồng/năm. Giai đoạn 2 (năm 2035-2040) tổng vốn đầu tư hơn 772,6 nghìn tỉ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn tuyến hơn 1,33 triệu tỉ đồng (khoảng 58,71 tỉ USD).

Với đề xuất này, Bộ GTVT mong muốn tiến thẳng lên hiện đại, sẽ có tuyến đường sắt “sánh vai” với đường sắt Nhật Bản. Trong khi đó, Bộ Kế hoạch & Đầu tư và một số chuyên gia lại đề xuất nâng cấp đường sắt hiện hữu để chạy tàu nhanh hơn, huy động vốn trong nước, giảm vay ODA, trước khi nghĩ tới công nghệ hiện đại. 

Đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên 

Đã có nhiều chuyên gia phản biện về chủ trương xây dựng tuyến đường sắt cao tốc này với những phân tích khá thuyết phục về sự không hiệu quả vì chi phí lớn, khó cạnh tranh với giao thông đường hàng không. Tuy nhiên xem ra ngành giao thông vẫn quyết tâm đề xuất phương án tiến thẳng lên đường sắt hiện đại.

Đầu tư cho giao thông không chỉ có đường sắt cao tốc, nhu cầu xây dựng đường bộ cao tốc, đường thủy, cảng biển và cả các tuyến đường sắt khác… cũng đang rất cần nguồn lực lớn nên con số hơn 56 nghìn tỉ mỗi năm riêng cho đường sắt cao tốc là không nhỏ.

Còn hiệu quả của các tuyến đường sắt, nhất là đường sắt đô thị đang xây dựng chưa biết tương lai sẽ thế nào nhưng đều có một thực trạng chung là đội vốn nhiều lần và tiến độ kéo dài. Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có tổng mức đầu tư 8.770 tỉ đội vốn lên 18.000 tỉ đồng; hay hai dự án đường sắt đô thị TP HCM (tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên và tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương) đội vốn hơn 51.710 tỉ đồng… đã là những con số khủng. Đường sắt cao tốc Bắc - Nam khi xây dựng liệu có theo “vết xe” các dự án đướng sắt đô thị? ai dám khẳng định sẽ không có tình trạng đội vốn và chậm tiến độ? Nếu dự án này cũng đội vốn gấp đôi, hơn 2,6 triệu tỉ sẽ là con số khó tưởng tượng nổi cho một dự án với nền kinh tế của ta.

Được biết thế giới đang hoàn thiện công nghệ tàu siêu tốc hyperloop (tốc độ từ 800 đến 1.200km/h), có thể thương mại hóa sau 10 năm tới. Như vậy năm 2032 khi ta hoàn thành (nếu đúng kế hoạch) 2 đoạn cao tốc Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP Hồ Chí Minh thì rất có thể đã lạc hậu so với thế giới, không còn là đường sắt cao tốc hiện đại.

Một đồng tiền thuế của dân khi chi trước hết cũng phải tính tới hiệu quả. Xem ra ngành giao thông đang muốn tiêu nhiều tiền song hiệu quả thì vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 22 tháng 04 năm 2021

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét