Thứ Năm, 15 tháng 4, 2021

“Ông lớn” sợ cạnh tranh?

 

“Ông lớn” sợ cạnh tranh?

           Cạnh tranh là động lực của phát triển. Đó là quy luật, nếu làm trái sẽ kìm hãm sự phát triển.

Một thời “ông lớn” đang độc quyền mảng viễn thông, khi chủ trương cho tự do kinh doanh đã có nhiều ý kiến phản đối nhằm bảo vệ quyền lợi riêng nhưng núp dưới lí do an ninh quốc gia. Khi đó chỉ có người giàu, cán bộ lãnh đạo, quản lí doanh nghiệp mới sở hữu chiếc điện thoại di động. Vì độc quyền nên giá cước di động khi đó còn đắt hơn hiện nay, sau mấy chục năm. Nay thì ai cũng rõ, viễn thông phát triển bùng nổ, chẳng ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, giá cước không tăng mà ngày càng giảm, mang lại lợi ích cho xã hội và sự phát triển.

Mới đây, hãng hàng không Vietnam Airlines đã đề xuất Bộ Giao thông Vận tải thực hiện áp giá sàn và tăng giá trần vé vận tải hành khách hàng không. Lí do được đưa ra là giúp hàng không vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 và hạn chế sự cạnh tranh giữa các hãng! Được biết, hồi tháng 3/2017, hãng này cũng từng gửi Bộ Giao thông Vận tải phương án áp giá sàn cho một vé máy bay hạng phổ thông nội địa là 1,54 triệu đồng, còn giá trần là 4,2 triệu đồng.

Với kiến nghị áp giá sàn vé máy bay của Vietnam Airlines, ai cũng nhận ra việc cạnh tranh sẽ giảm đồng thời người tiêu dùng bất lợi.

Hiện nay, thị trường hàng không cũng như thị trường xăng dầu chưa có cạnh tranh thực sự do một số doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh, chiếm thị phần trên 30%. Theo Luật Giá, nhà nước chỉ áp giá trần mà không áp giá sàn. Nguyên tắc cạnh tranh là đặc trưng cơ bản của kinh tế thị trường, phải có cạnh tranh để hạ giá thành sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Từ khi một số hãng hàng không tư nhân xuất hiện như Bamboo Airways, Vietjet Air… giúp thị trường hàng không khởi sắc, giá thành phù hợp nên người dân nhiều tầng lớp đã có thể tiếp cận loại dịch vụ vận tải “cao cấp” này. Có thể bộ máy quản lí của các doanh nghiệp sinh sau đã đúc rút được kinh nghiệm, tinh giản bộ máy và có phương thức vận hành tốt nên giảm được chi phí sản xuất, hạ giá dịch vụ. Vietnam Airlines vốn là doanh nghiệp Nhà nước, phải chăng do chi phí bộ máy lớn nên sức cạnh tranh khó khăn và cần sự can thiệp của cơ quan quản lí?

Đề xuất của Vietnam Airlines đi ngược với nguyên tắc quản lí giá trong Luật Giá năm 2012, theo đó Nhà nước thực hiện quản lí giá theo cơ chế thị trường; tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật. Tại điều 19 của Luật Giá quy định rõ, Nhà nước chỉ thực hiện định giá đối với: Hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước sản xuất, kinh doanh; tài nguyên quan trọng; hàng dự trữ quốc gia; sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước. Giá cước vận tải hàng không nằm ngoài quy định luật này.

Một “ông lớn” như Vietnam Airlines nếu thực sự “khỏe” tại sao lại e ngại cạnh tranh để rồi muốn sửa luật?/.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 15 tháng 04 năm 2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét