Thứ Tư, 30 tháng 6, 2021

Văn hóa

 

 Cưỡi ngựa xem… “phây”

Thành ngữ có câu cưỡi ngựa xem hoa, có nghĩa người ta quan sát sự vật hoặc làm việc gì đó một cách qua loa, ví như người cưỡi ngựa, do đi nhanh và nhìn từ xa nên không thể thấy hết vẻ đẹp của bông hoa. Để biết đầy đủ hương sắc trọn vẹn một bông hoa thì cần dừng lại ngắm nhìn, thưởng thức ở cự li đủ gần.

Hiện nay đa số người dùng điện thoại thông minh nhưng lại chưa tỉnh táo và bị thứ vật dụng thông minh này dẫn dắt. Người ta như đang “cưỡi điện thoại” để quan sát cuộc sống qua Facebook, Zalo... Điện thoại khiến người ta quên đi mọi thứ đang diễn ra xung quan và giúp có thể lướt nhanh trên thế giới ảo. Nhiều người cho rằng, chiếc điện thoại đang làm cho những người ở xa (phần nhiều ít thân thiết) gần lại với nhau song lại làm cho những người thân bên cạnh ngày một xa cách.

Tranh minh họa

Một gia đình trẻ sống tại thành phố hai vợ chồng đi làm từ sáng đến tối, thời gian hiếm hoi bên nhau là bữa cơm chiều nhưng khi đó có thể chồng thì dán mắt vào chiếc ti vi, vợ và con mỗi người cũng chăm chú vào một chiếc điện thoại riêng lúc ăn. Bữa cơm kết thúc chưa chắc họ đã nói với nhau được câu chuyện gì rồi ai về phòng nấy tiếp tục với không gian riêng… Người chồng nắm rõ tình hình thời sự trong nước, thế giới; cô vợ biết được chị bạn thân hôm nay đi chơi ở đâu, làm gì, bữa tối đã nấu món gì cho gia đình nhưng có thể cả hai chẳng biết đứa con học hành tại trường thế nào, có chuyện gì cần chia sẻ hay không… Ngôi nhà chung, mái ấm gia đình như dần chuyển thành một nơi họ chỉ cùng trú chân quan đêm!

Tại một hội nghị rất quan trọng, diễn giả say sưa trình bày nội dung đã được chuẩn bị công phu và tâm huyết, thế nhưng phía dưới có đến quả nửa thính giả ai nấy đang chăm chú vào chiếc điện thoại của mình. Người thì lướt web xem tin tức, phim ảnh trên mạng; người lên “phây” chát vui với bạn bè, xem mọi người đang ở đâu, làm gì; người thì vào webcam tại nhà xem osin trông trẻ, dọn dẹp nhà cửa ra sao… kết thúc hội nghị, điều đọng lại với không ít người chỉ nhạt nhòa như vừa cưỡi ngựa xem hoa…

Thực trạng dù chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” song nó đã chiếm rất nhiều thời gian của mỗi người. Khác với ta đọc một cuốn sách hay khi nó mang lại những thông tin cô đọng, ấn tượng, bổ ích, xem thông tin trên mạng qua chiếc điện thoại có thể giúp biết rất nhiều thứ nhưng tất cả chỉ nhạt nhòa lướt qua, khó lưu lại những thông tin giá trị cần thiết.

Thời gian là vàng là ngọc. Những thiết bị điện tử thông minh đang “ăn trộm” vàng ngọc của mỗi người mà chúng ta không biết!/.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 30 tháng 06 năm 2021

Thứ Ba, 29 tháng 6, 2021

Bất cập Luật Đất đai 2013

 

 Bao giờ bịt “lỗ hổng”?

Đất đai hiện nay như thể “miếng bánh” với một số người nắm trong tay quyền quyết định sở hữu.

Bí thư tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam vừa bị Bộ Chính trị đề nghị Ban chấp hành Trung ương xem xét xử lí kỉ luật cùng một loạt quan chức khác của tỉnh này đã bị kỉ luật Đảng;

Trước đó, hàng loạt lãnh đạo Bộ, ngành, tỉnh, thành phố đã bị thi hành kỉ luật và xử lí hình sự. Đó là hai cựu chủ tịch tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng và Lê Đức Vinh; là cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và cựu Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Thoa; là các cựu Phó Chủ tịch TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Tài, Nguyễn Hữu Tín, Tất Thành Cang; là hai cựu Chủ tịch TP Đà Nẵng Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến v.v.

Hàng loạt cán bộ Đà Nẵng hầu tòa vì sai phạm đất đai

Điểm chung trong các vụ “ngã ngựa” và “hạ cánh không an toàn” kể trên đều có nguyên nhân sai phạm trong quản lí, sử dụng đất công.

Những vụ tham nhũng đất đai bị phanh phui, trừng trị làm nức lòng dư luận nhưng lại là nỗi đau của tổ chức Đảng, chính quyền. Ngoài nguyên nhân chủ quan từ thiếu tu dưỡng, rèn luyện của cá nhân lãnh đạo ra thì không thể nói tới một yếu tố khác, đó là sự thiếu chặt chẽ, đồng bộ của hệ thống pháp luật mà hay được ví von như những “lỗ hổng”. Những “lỗ hổng” pháp luật đã tạo cơ hội cho cán bộ quản lí dễ lợi dụng, trục lợi. Chẳng hạn khi cổ phần hóa doanh nghiệp người ta tính không đúng giá trị đất đai trong giá trị doanh nghiệp thì lợi nhuận địa tô sẽ được chuyển sang cho tư nhân. Khi giao đất phát triển kinh tế xã hội bằng quyết định chỉ định thầu hoặc định giá thấp khi đấu thầu thì “đất vàng” dễ dàng được chuyển giao cho tư nhân, giá trị địa tô có ngay sau mỗi chữ kí của người có thẩm quyền.

Đất đai hiện nay cũng là nguồn cơn của những điểm nóng về khiếu nại, khiếu kiện đông người. Cách đây hai năm, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tại một báo cáo thẩm tra cho biết, lĩnh vực khiếu nại, tố cáo tập trung chủ yếu về khiếu nại liên quan đến đất đai (chiếm 67,7 %) trong tổng số đơn. Nhiều quyết định hành chính về đất đai được đưa ra không chỉ người dân mất đất, ai cũng có thể thấy đối tượng hưởng lợi sau những quyết định, đó thường là những cá nhân, doanh nghiệp bất động sản.

 

Cử tri bức xúc tại một buổi tiếp xúc đại biểu Quốc hội TP HCM

Mất cán bộ, đảng viên vì đất đai. Dân bức xúc, bất ổn xã hội cũng chủ yếu từ tranh chấp đất đai. Rõ ràng Luật Đất đai hiện hành không thể nói là không có vấn đề cần được nhìn nhận nghiêm túc, thấu đáo, kịp thời.

Tại phiên họp thứ 57 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã có ý kiến băn khoăn vì “chưa thấy bóng dáng sửa Luật Đất đai” trong chương trình xây dựng luật tới hết năm 2022 mà Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Từ giữa nhiệm kì Quốc hội khóa XIV đã có những ý kiến đại biểu về việc cần sửa đổi bộ luật nền tảng này. Đến nay đã sang nhiệm kì Quốc hội mới mà xem ra việc chuẩn bị vẫn chưa hoàn tất! Phải chăng những bất cập trong Luật Đất đai chưa phải là vấn đề bức thiết lúc này?/.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 29 tháng 06 năm 2021

Thứ Hai, 28 tháng 6, 2021

Cải cách hành chính

 

 Vấ đề… chứng chỉ  

            Thông thường sinh viên khi đã học xong một trong các hệ đào tạo cao đẳng, đại học… là có đủ vốn kiến thức ban đầu để bước vào nghề tại khu vực công hoặc tư. Nếu có điều kiện thì học các bậc cao hơn trước khi vào nghề. Quá trình công tác, làm việc người ta có thể tự học tập kết hợp thực tiễn công việc để nâng cao trình độ, năng lực.

Tin rằng mọi trường đại học đều khẳng định sản phẩm mình đào tạo đều đạt tiêu chuẩn quy định, tức là sinh viên ra trường đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của thị trường lao động và một số vị trí trong bộ máy hành chính Nhà nước theo chuyên ngành đào tạo.

Song thực tiễn gần đây đang diễn ra khiến người ta nghĩ rằng các loại bằng cấp đào tạo chưa phải đã đủ mà còn cần thêm những… chứng chỉ để đáp ứng chuẩn trình độ. Đã xảy ra chuyện đội ngũ giáo viên ở một số địa phương qua nhiều năm đứng trên bục giảng, hoàn thành tốt nhiệm vụ lại phải nháo nhào lo đi học lấy tấm chứng chỉ để “trụ hạng” hoặc khi nâng lương, bổ nhiệm... Được đào tạo cơ bản vẫn phải “trụ hạng” phả chăng quá trình hành nghề trình độ đã bị “mai một” và “xuống hạng”! 

 

Nên loại bỏ các loại chứng chỉ, không riêng gì ngoại ngữ, tin học

Trong lĩnh vực giáo dục, tại Điều 72, Luật Giáo dục năm 2019 quy định trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo: Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non; bằng cử nhân trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông; bằng thạc sĩ đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học; bằng tiến sĩ đối với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Luật không hề có quy định nào về các loại chứng chỉ. Như vậy, chứng chỉ chẳng khác “giấy phép con”, những “điều kiện” dưới luật, nó như “to hơn” bằng cấp đào tạo cơ bản.

Trước nhiều ý kiến trái chiều của dư luận xã hội, cơ quan quản lí đã thấy những bất cập của “vấn đề” chứng chỉ. Vừa qua Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư 02/2021/TT-BNV, theo đó từ ngày 1/8/2021 sẽ chính thức bãi bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học của công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư.

Xét theo lẽ thông thường, khi chứng chỉ có tính quyết định, cần thiết như vậy thì việc đào tạo chứng chỉ cần phải có hệ thống, cơ bản và đó cũng phải là một “hệ đào tạo” chứ không thể chỉ dăm bảy ngày mà phủ định những bằng cấp mấy năm đào tạo. Nếu chứng chỉ là một số nội dung cập nhật, bổ sung kiến thức đơn thuần thì hãy đưa vào chương trình tập huấn hằng năm ngay tại cơ sở.

Thực ra yêu cầu chứng chỉ với công chức, viên chức về bản chất cũng chẳng khác so với một số điều kiện nhiêu khê trong sản xuất kinh doanh mà các cấp, ngành đã và đang nỗ lực cắt giảm. Việc Bộ Nội vụ rà soát, cắt giảm hàng loạt chứng chỉ hi vọng là bước đột phá tiếp theo trong chủ trương cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Cần loại bỏ tư duy coi trọng bằng cấp, chứng chỉ trong đánh giá cán bộ, công chức, viên chức lâu nay. Phẩm chất, năng lực thực tiễn (năng lực thật) mới là điều quan trọng nhất, quyết định tới chất lượng, giá trị lao động./.  

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 26 tháng 06 năm 2021

Thứ Sáu, 25 tháng 6, 2021

Cần giải pháp mạnh với chây ì nợ thuế

 

Cần giải pháp mạnh với hành vi chây ì nợ thuế, phí

Cục Thuế TP Hà Nội vừa qua đã công khai danh sách lần đầu đối với 1.936 cá nhân, doanh nghiệp nộp thuế với số nợ thuế phí, nợ nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất với 743,9 tỉ đồng.

Hồi cuối năm trước Cục Thuế Hà Nội cũng đã thực hiện công khai danh sách 260 đơn vị nợ thuế với số tiền hơn 273,2 tỉ đồng. Còn số nợ thuế, phí trên cả nước, theo thống kê báo cáo tại kì họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV là 106.548 tỉ đồng.

Giải pháp “bêu tên” trên phương tiện thông tin đại chúng đã phần nào đã giúp giảm bớt số doanh nghiệp có “thói quen” chây ì, chậm nộp nghĩa vụ thuế, tài chính với Nhà nước.

 

Lilama là một trong những doanh nghiệp lớn nợ thuế

Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách, mọi chi phí từ an sinh xã hội, quốc phòng an ninh đến chi thường xuyên của bộ máy nhà nước… đều trông cậy vào đóng góp của người dân, doanh nghiệp thông qua nghĩa vụ thuế, tài chính. Vì vậy từ lâu đã có câu khẩu hiệu “nộp thuế là yêu nước”. Nếu ai cũng trốn tránh, chây ỳ tiền thuế thì bộ máy nhà nước vận hành ra sao?

Dù việc “bêu tên” đã được thực hiện mấy năm qua song đến nay vẫn có hàng nghìn cá nhân, doanh nghiệp cố tình chậm nộp thuế, lờ đi nghĩa vụ tài chính chứng tỏ giải pháp này vẫn chưa đủ mạnh. Cơ quan quản lí cần có thêm những cách làm khác, mạnh mẽ và quyết liệt hơn.

Vừa qua có địa phương đã đưa ra giải pháp “cho nghỉ chơi” với doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội của người lao động. Với quan điểm, hành vi chậm nộp, trốn tránh trách nhiệm, vi phạm quyền lợi của người lao động sẽ gây bất an cho xã hội nếu không có biện pháp, chế tài mạnh, thậm chí dẫn đến “nhờn luật”. “Cho nghỉ chơi” được thực hiện bằng cách không giải quyết thủ tục hành chính với doanh nghiệp đến khi nào hoàn thành trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội. Đây là giải pháp mà ngành thuế có thể nghiên cứu, làm theo.

Hiện mức phạt chậm nộp thuế chỉ 0,03%/ngày nên không ít doanh nghiệp chấp nhận phạt để chiếm dụng tiền thuế vì mức này vẫn có lợi hơn đi vay ngân hàng thương mại. Hơn nữa có doanh nghiệp dù không khó khăn tài chính song lại thực hiện sách lược “để lâu… hóa bùn” với hi vọng sẽ được xóa nợ. Với những doanh nghiệp như trên có lẽ cơ quan quản lí cũng cần “cho nghỉ chơi” bằng những biện pháp mạnh, phù hợp quy định của luật pháp. Chẳng hạn như với doanh nghiệp bất động sản, chính quyền tạm dừng, chưa cho tham gia dự án mới; hoặc với các ngân hàng thì cần đưa doanh nghiệp nợ thuế vào dạng rủi ro tài chính để từ chối khoản vay mới v.v. Nhà nước cũng cần loại các cá nhân, doanh nghiệp nợ thuế ra khỏi danh sách được hoãn, dãn thuế do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Tiền thuế như nguồn dinh dưỡng để vận hành thể chế, bảo đảm an toàn nền tài chính quốc gia. Hành vi trốn, lậu, chây ì nợ thuế kéo dài cần coi là những vi phạm pháp luật nghiêm trọng vì nó làm suy mòn tiềm lực và sức mạnh đất nước./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 25 tháng 06 năm 2021

Thứ Tư, 23 tháng 6, 2021

Tinh hoa

 

 Tinh hoa

Gần đây người xem các kênh truyền hình (kể cả VTV) thường được nghe những cụm từ “giới thượng lưu”, “giới tinh hoa” trên các video quảng cáo bất động sản, khu nghỉ dưỡng cao cấp.

Vậy giới thượng lưu, những con người được coi là tinh hoa trong xã hội ta là ai?

Trong tiếng Anh có cụm từ upper class chỉ tầng lớp thượng lưu trong xã hội gồm những người nắm giữ địa vị xã hội cao nhất, các nhân vật giàu có nhất trong xã hội, nắm trong tay quyền lực chính trị lớn nhất. Trong tiếng Pháp, từ élite, (gốc tiếng Latinh là eligere), chỉ tầng lớp tinh hoa hoặc thành phần ưu tú, là một nhóm nhỏ những người có quyền thế nắm giữ khối tài sản bất cân xứng, giữ đặc quyền đặc lợi, quyền lực chính trị. Đối lập, người lao động được coi là kẻ làm thuê, hạ đẳng. Giới thượng lưu, quý tộc được nói tới nhiều trong giai đoạn tư bản thực dân những thế kỉ trước. Trong thể chế dân chủ ngày nay, tại các nước tư bản, sự bình đẳng đã được đề cao, những phân biệt, kì thị, cả tệ phân biệt chủng tộc đã và đang dần bị loại trừ.

Việt Nam ta sau khi dành độc lập tự do, thống nhất đất nước thực hiện đường lối của Đảng xây dựng theo mô nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Mục tiêu cao đẹp hướng tới là dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Hơn 70 năm xây dựng chế độ mới, mô hình mà Đảng và Nhân dân ta lựa chọn ngày một hoàn thiện và khẳng định tính ưu việt. Giá trị, nhân phẩm của từng cá nhân được coi trọng, bình đẳng, thước đo của nó không lấy từ giá trị vật chất. Do vậy cụm từ thượng lưu dưới xã hội tư bản nay dùng với chế độ ta có vẻ lạc lõng, không phù hợp.

Còn giới tinh hoa, theo quan niệm chung và suy nghĩ của đa số thì trong chế độ xã hội ta đó phải là những cá nhân trí tuệ, nhân cách tiêu biểu mang lại sự tích cực, lợi ích cho số đông, thúc đẩy xã hội phát triển. Một cá nhân tinh hoa chưa hẳn là giàu có vật chất, họ giàu có về trí tuệ và nhân cách. Hồ Chủ tịch bằng nhân cách và tài năng của mình từng thu hút nhiều tinh hoa đi theo phụng sự đất nước như kĩ sư Trần Đại Nghĩa, giáo sư toán học Lê Văn Thiêm, nhà nông học Lương Định Của, tiến sĩ y khoa Đặng Văn Ngữ, giáo sư Phạm Huy Thông, các bác sĩ Trần Hữu Tước, Nguyễn Khắc Viện v.v… Họ chính là những tinh hoa đã cống hiến cuộc đời cho sự nghiệp chung, không màng danh lợi.

          Quyền lực, đồng tiền… không làm nên giá trị con người, không đắp tạo nên tinh hoa. Trịnh Xuân Thanh, Vũ Nhôm hay nhiều quan chức tham nhũng khác, họ có thể sở hữu rất nhiều tiền bạc, tài sản, từng có vị thế, quyền lực cao trong thể chế song không thể coi đó là những tinh hoa, cũng chưa chắc đã đạt tiêu chí thượng lưu như trong xã hội tư bản.

 

Nhiều tiền của đâu phải tinh hoa

          Những biệt thự sang trọng, căn hộ trị giá cả triệu USD được quảng cáo chỉ dành cho giới thượng lưu, tinh hoa, vậy họ là ai trong xã hội ta?

Chỉ là quảng cáo song truyền thông cần phù hợp với những giá trị phổ quát của chế độ xã hội mà số đông đang hướng tới, đang xây dựng./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 17 tháng 06 năm 2021

Thứ Năm, 10 tháng 6, 2021

Cần nhiều giải pháp hơn là giải cứu

 

Không lạm dụng “giải cứu”

Giải cứu nông sản xuất phát từ nét đẹp trong truyền thống tương thân tương ái của người Việt.

Lâu nay một số nông sản thường được sản xuất chạy theo giá cả thị trường. Khi thấy giá tăng là nông dân lại thi nhau mở rộng sản xuất, không cần biết nhu cầu thị trường đến đâu. Vậy là cứ một vụ giá tăng, vụ sau lại rớt. Khi thấy sản phẩm rớt giá thì lại chán và cùng nhau chuyển hướng khác… vòng luẩn quẩn lặp đi lặp lại.

Không kể hoạt động giải cứu do thiên tai, dịch bệnh bất khả kháng, việc giải cứu nông sản do sản xuất dư thừa “xuân thu nhị kì” cho thấy sự bất ổn của nền kinh tế tự phát, tư duy sản xuất nhỏ, phó mặc may rủi.

Có thể khẳng định dù mỗi đợt giải cứu thành công thì đó vẫn là một thất bại của nền sản xuất. Người làm ra sản phẩm có thể không thua lỗ do được giải cứu nhưng với người tiêu dùng (tiêu thụ sản phẩm giải cứu) là sự thiệt thòi vì phải bỏ ra chi phí không theo dự tính, có thể chỉ là “chi phí tình thương”. Và lúc này sự thiệt hại nằm trong sự lãng phí của xã hội vì hiệu qủa sản xuất, tiêu dùng thấp.

Năm 2021, diện tích vải trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đạt 28.100 ha, được mùa và được giá

Từ giải cứu còn mang tới cho người ta suy nghĩ đó là mặt hàng hóa ế thừa, giá rẻ, mua giúp người sản xuất đồng thời có chút lợi về giá. Tuy nhiên giải cứu đôi khi trở thành con dao hai lưỡi, gây hại cho người sản xuất. Ví như vừa qua có thông tin trên mạng kêu gọi giải cứu vải thiều Bắc Giang khiến giá mặt hàng này đang cao bỗng chững lại và giảm xuống mặc dù vải đầu vụ chưa đủ cho xuất khẩu và cung ứng vào các siêu thị. Rất nhanh UBND tỉnh này đã kịp thời phát ngôn rõ là tỉnh không có nhu cầu giải cứu, thông tin kêu gọi giải cứu vải thiều là sai sự thật. Như vậy, lạm dụng giải cứu đôi khi lại là nguyên nhân khiến nông sản rớt giá, làm hại nhà nông.

 

Vải thiều Bắc Giang, đặc sản Hải Dương lên sàn thương mại điện tử.

Từ vài năm gần đây, sản xuất nông sản, nhất là nhiều loại trái cây như xoài, nhãn, vải thiều… tại nhiều địa phương đã dần hướng tới tiêu chuẩn và chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế. Đi đôi với nâng chất lượng là liên kết, mở rộng thị trường, sản xuất theo đơn đặt hàng nên giá trị hàng nông sản ngày một nâng cao. Các giải pháp kết nối cung cầu đa dạng đã góp phần tiêu thụ nông sản ngày một tốt hơn, cả khi có dịch bệnh như hiện nay.

Bên cạnh đó, lạm dụng hoạt động giả cứu cũng khiến cho người sản xuất hàng hóa ỉ lại, không thay đổi tư duy để theo kịp sự phát triển của nền kinh tế thị trường cạnh tranh.

Một nền kinh tế phát triển lành mạnh không cần đến giải cứu mà cần những giải pháp kết nối cung cầu, sản xuất theo tiêu chuẩn và nhu cầu của thị trường. Trách nhiệm này chủ yếu thuộc về cơ quan quản lí và chính quyền địa phương/.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 10 tháng 06 năm 2021

 

Thứ Sáu, 4 tháng 6, 2021

Vaccine là giải pháp căn bản

 

Vaccine, cần thêm sự tin tưởng

Đại dịch Covid-19 xâm nhập vào nước ta đã trải qua gần năm rưỡi. Cũng từng đó thời gian cả đất nước như bước vào cuộc chiến mới căng thẳng, cam go. Nhịp sống có lúc phải căng lên đỉnh điểm, có thời gian được chùng xuống song chưa lúc nào trở lại trang thái bình thường trước đây. Chính vì vậy mọi hoạt động từ sản xuất, kinh doanh đến văn hóa, thể thao, du lịch, giáo dục và sinh hoạt thường ngày của cả xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ngăn chặn, phòng ngừa khi nguy cơ dịch bệnh từ bên ngoài; bao vây, dập dịch, điều trị tốt cho người bệnh khi dịch xâm nhập… toàn bộ hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, người dân cả nước đã và đang nỗ lực thực hiện rất hiệu quả suốt mười mấy tháng qua. Tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 vẫn hiện hữu trên thế giới và khả năng cao phải sống chung với visus Corona chủng mới thì chiến lược tiêm vắc xin nhanh chóng, phủ rộng mới là giải pháp căn cơ, quan trọng nhất lúc này. Tại phiên họp ngày 24/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo phải thần tốc, nỗ lực hơn nữa chiến lược vắc xin.

Với sự đồng lòng, hưởng ứng nhanh chóng, mạnh mẽ của người dân, doanh nghiệp những ngày qua cho thấy để có nguồn lực mua đủ lượng vắc xin cho hơn 90 triệu dân là không quá khó khăn. Tuy nhiên không thể chủ quan với những khó khăn khác, trong đó có niềm tin vào vắc xin.

 

Từ khi vắc xin xuất hiện hơn hai thế kỉ trước cho đến nay nó đã khẳng định là giải pháp quan trọng nhất cứu loài người khỏi những đại dịch nguy hiểm. Tả, dịch hạch, lao, sởi, đậu mùa, ho gà, bạch hầu, uốn ván… rất nhiều căn bệnh cực kì nguy hiểm, tỉ lệ tử vong cao nay cơ bản đã được “khắc chế” bởi vắc xin. Dù vậy, cho đến nay vẫn có một bộ phận người dân trên thế giới trong đó cả ở Việt Nam chưa thật tin tưởng vào vắc xin, thậm chí đã có những nhóm được hình thành kêu gọi tẩy chay vắc xin. Mỗi khi có trường hợp tai biến không mong muốn trong tiêm chủng là họ tận dụng, khuyếch đại hậu quả để tuyên truyền cho trào lưu “untivaccine”.

Hiện tỉ lệ tai biến sau tiêm chủng vắc xin Covid-19 là vô cùng nhỏ so với lợi ích mà nó mang lại như WHO đã khuyến cáo. Ngay như với Việt Nam, hàng trăm nghìn người tiêm mới chỉ xảy ra một vụ tai biến tử vong của một phụ nữ (cũng chưa khẳng định nguyên nhân chính do vắc xin), trong khi tỉ lệ tử vong do Covid-19 chừng 1% (trên thế giới khoảng 2%).

Với tỉ lệ cần đạt là trên 70% dân số được tiêm phòng để tạo miễn dịch cộng đồng tức là hầu hết người trưởng thành phải được tiêm vắc xin (vì hiện đa số quốc gia chưa mạo hiểm tiêm chủng vắc xin mới này cho trẻ em). Sự hoài nghi vào vắc xin sẽ là sự cản trở mục tiêu đạt tỉ lệ tiêm chủng cần thiết.

Do vậy, khi đã có vắc xin, điều quan trọng để đạt hiệu quả cao nhất là tất cả người dân đều tin tưởng và nhanh chóng tiêm phòng. Như vậy chúng ta mới sớm trở lại với nhịp sống bình thường an toàn dù Covid-19 có thể vĩnh viễn tồn tại./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 04 tháng 06 năm 2021

 

Thứ Tư, 2 tháng 6, 2021

Tuổi trẻ lên đường

 

Trách nhiệm với tuyến đầu

Vào cuối những năm 60, đầu những năm 70 thế kỉ trước, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt nhất cũng là đỉnh điểm phong trào thanh niên xung phong tòng quân ra tiền tuyến đánh giặc. Hàng nghìn sinh viên các trường đại học nô nức viết đơn, tạm gác bút nghiên cầm súng lên đường, lòng vui như trẩy hội dù phía trước là khói lửa chiến tranh, là sự sống và cái chết. Những trang nhật kí nóng hổi nhiệt huyết và trách nhiệm của tuổi trẻ trước vận mệnh dân tộc đã được nhiều liệt sĩ như Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc… ghi lại.

Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 hôm nay mọi người như thấy sống lại khí thế cách mạng của tuổi trẻ trong những năm chiến tranh, khi sinh viên các trường đại học, cao đẳng nô nức xung phong vào các tâm dịch Covid-19 để thực hiện nhiệm vụ. Các vùng dịch lúc này như những “trọng điểm chiến tranh” đang được sinh viên và cả thầy cô nhiều trường đại học hướng về, tiên phong là các trường đại học chuyên ngành y, dược.

Đó là 110 giáo viên và sinh viên ngành y học dự phòng Đại học Y Hà Nội với hai lần xuất quân; là hơn 271 thầy cô, sinh viên Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương; hơn 330 cán bộ, giảng viên, sinh viên Đại học Y dược (Đại học Thái Nguyên); hơn 100 sinh viên K49 và K50 của Học viện Quân Y; hàng chục sinh viên, thầy cô Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, Đại học Điều Dưỡng Nam Định, Đại học Y dược Hải Phòng v.v… tất cả đều hội tụ tại hai tâm dịch nóng nhất lúc này: Bắc Giang, Bắc Ninh. 

Những ngày qua, hình ảnh nhiều cán bộ, sinh viên mồ hôi đầm đìa trong bộ đồ bảo hộ giữa giữa ngày hè nóng rực khiến ai nấy đầy xúc động. Trận chiến chống dịch không chỉ hiểm nguy dịch bệnh rình rập mà còn là cuộc thử thách về sức lực, sự can đảm, lòng kiên trì. Suốt hai năm dịch Covid-19, nhiều y, bác sĩ, các chiến sĩ biên phòng… vẫn chưa có dịp về thăm gia đình, thậm chí người thân qua đời họ cũng không thể giữ tròn chữ hiếu… Hơn ai hết, họ mong dịch bệnh sớm được ngăn chặn, kết thúc để cuộc sống trở lại bình thường.

 

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hải được các y bác sĩ đồng nghiệp tiếp nước hồi sức - Ảnh: CDC Bắc Ninh

Nỗ lực của những người tại tuyến đầu chống dịch là vậy, còn phía “hậu phương” thì sao?

Trong chiến tranh, hành động trốn tránh nghĩa vụ quân sự là điều hổ thẹn không chỉ với cá nhân mà còn cả với gia đình, họ tộc. Hành vi trốn cách li, không khai báo y tế, khai báo không trung thực… cũng có thể coi như trốn tránh nghĩa vụ trong thời chiến cần sự lên án nghiêm khắc của dư luận. Họ chính là người gây ra những điểm “chiến sự” mới, tạo nguy cơ và hiểm họa cho cộng đồng, tổn thất vật chất cho xã hội.

Chỉ đơn giản những hành vi như không đeo khẩu trang, cố ý tụ tập đông người… cũng có thể tạo thêm gánh nặng cho xã hội, đè nặng lên đôi vai những người đang ở tuyến đầu chống dịch.

Trách nhiệm với “tiền tuyến” lúc này không chỉ trông đợi vào đội ngũ y, bác sĩ, sinh viên các nhà trường, lực lượng vũ trang… Đó phải là trách nhiệm của tất cả mọi người, mọi lúc, mọi nơi. Có như vậy dịch bệnh mới sớm được khống chế và đẩy lùi./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 02 tháng 06 năm 2021