Thứ Năm, 10 tháng 6, 2021

Cần nhiều giải pháp hơn là giải cứu

 

Không lạm dụng “giải cứu”

Giải cứu nông sản xuất phát từ nét đẹp trong truyền thống tương thân tương ái của người Việt.

Lâu nay một số nông sản thường được sản xuất chạy theo giá cả thị trường. Khi thấy giá tăng là nông dân lại thi nhau mở rộng sản xuất, không cần biết nhu cầu thị trường đến đâu. Vậy là cứ một vụ giá tăng, vụ sau lại rớt. Khi thấy sản phẩm rớt giá thì lại chán và cùng nhau chuyển hướng khác… vòng luẩn quẩn lặp đi lặp lại.

Không kể hoạt động giải cứu do thiên tai, dịch bệnh bất khả kháng, việc giải cứu nông sản do sản xuất dư thừa “xuân thu nhị kì” cho thấy sự bất ổn của nền kinh tế tự phát, tư duy sản xuất nhỏ, phó mặc may rủi.

Có thể khẳng định dù mỗi đợt giải cứu thành công thì đó vẫn là một thất bại của nền sản xuất. Người làm ra sản phẩm có thể không thua lỗ do được giải cứu nhưng với người tiêu dùng (tiêu thụ sản phẩm giải cứu) là sự thiệt thòi vì phải bỏ ra chi phí không theo dự tính, có thể chỉ là “chi phí tình thương”. Và lúc này sự thiệt hại nằm trong sự lãng phí của xã hội vì hiệu qủa sản xuất, tiêu dùng thấp.

Năm 2021, diện tích vải trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đạt 28.100 ha, được mùa và được giá

Từ giải cứu còn mang tới cho người ta suy nghĩ đó là mặt hàng hóa ế thừa, giá rẻ, mua giúp người sản xuất đồng thời có chút lợi về giá. Tuy nhiên giải cứu đôi khi trở thành con dao hai lưỡi, gây hại cho người sản xuất. Ví như vừa qua có thông tin trên mạng kêu gọi giải cứu vải thiều Bắc Giang khiến giá mặt hàng này đang cao bỗng chững lại và giảm xuống mặc dù vải đầu vụ chưa đủ cho xuất khẩu và cung ứng vào các siêu thị. Rất nhanh UBND tỉnh này đã kịp thời phát ngôn rõ là tỉnh không có nhu cầu giải cứu, thông tin kêu gọi giải cứu vải thiều là sai sự thật. Như vậy, lạm dụng giải cứu đôi khi lại là nguyên nhân khiến nông sản rớt giá, làm hại nhà nông.

 

Vải thiều Bắc Giang, đặc sản Hải Dương lên sàn thương mại điện tử.

Từ vài năm gần đây, sản xuất nông sản, nhất là nhiều loại trái cây như xoài, nhãn, vải thiều… tại nhiều địa phương đã dần hướng tới tiêu chuẩn và chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế. Đi đôi với nâng chất lượng là liên kết, mở rộng thị trường, sản xuất theo đơn đặt hàng nên giá trị hàng nông sản ngày một nâng cao. Các giải pháp kết nối cung cầu đa dạng đã góp phần tiêu thụ nông sản ngày một tốt hơn, cả khi có dịch bệnh như hiện nay.

Bên cạnh đó, lạm dụng hoạt động giả cứu cũng khiến cho người sản xuất hàng hóa ỉ lại, không thay đổi tư duy để theo kịp sự phát triển của nền kinh tế thị trường cạnh tranh.

Một nền kinh tế phát triển lành mạnh không cần đến giải cứu mà cần những giải pháp kết nối cung cầu, sản xuất theo tiêu chuẩn và nhu cầu của thị trường. Trách nhiệm này chủ yếu thuộc về cơ quan quản lí và chính quyền địa phương/.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 10 tháng 06 năm 2021

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét