Bao giờ bịt “lỗ hổng”? Đất đai hiện nay như thể “miếng bánh” với một số người nắm trong tay quyền quyết định sở hữu. Bí thư tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam vừa bị Bộ Chính trị đề nghị Ban chấp hành Trung ương xem xét xử lí kỉ luật cùng một loạt quan chức khác của tỉnh này đã bị kỉ luật Đảng; Trước đó, hàng loạt lãnh đạo Bộ, ngành, tỉnh, thành phố đã bị thi hành kỉ luật và xử lí hình sự. Đó là hai cựu chủ tịch tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng và Lê Đức Vinh; là cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và cựu Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Thoa; là các cựu Phó Chủ tịch TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Tài, Nguyễn Hữu Tín, Tất Thành Cang; là hai cựu Chủ tịch TP Đà Nẵng Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến v.v. Hàng loạt cán bộ Đà Nẵng hầu tòa vì sai phạm đất đai Điểm chung trong các vụ “ngã ngựa” và “hạ cánh không an toàn” kể trên đều có nguyên nhân sai phạm trong quản lí, sử dụng đất công. Những vụ tham nhũng đất đai bị phanh phui, trừng trị làm nức lòng dư luận nhưng lại là nỗi đau của tổ chức Đảng, chính quyền. Ngoài nguyên nhân chủ quan từ thiếu tu dưỡng, rèn luyện của cá nhân lãnh đạo ra thì không thể nói tới một yếu tố khác, đó là sự thiếu chặt chẽ, đồng bộ của hệ thống pháp luật mà hay được ví von như những “lỗ hổng”. Những “lỗ hổng” pháp luật đã tạo cơ hội cho cán bộ quản lí dễ lợi dụng, trục lợi. Chẳng hạn khi cổ phần hóa doanh nghiệp người ta tính không đúng giá trị đất đai trong giá trị doanh nghiệp thì lợi nhuận địa tô sẽ được chuyển sang cho tư nhân. Khi giao đất phát triển kinh tế xã hội bằng quyết định chỉ định thầu hoặc định giá thấp khi đấu thầu thì “đất vàng” dễ dàng được chuyển giao cho tư nhân, giá trị địa tô có ngay sau mỗi chữ kí của người có thẩm quyền. Đất đai hiện nay cũng là nguồn cơn của những điểm nóng về khiếu nại, khiếu kiện đông người. Cách đây hai năm, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tại một báo cáo thẩm tra cho biết, lĩnh vực khiếu nại, tố cáo tập trung chủ yếu về khiếu nại liên quan đến đất đai (chiếm 67,7 %) trong tổng số đơn. Nhiều quyết định hành chính về đất đai được đưa ra không chỉ người dân mất đất, ai cũng có thể thấy đối tượng hưởng lợi sau những quyết định, đó thường là những cá nhân, doanh nghiệp bất động sản.
Cử tri bức xúc tại một buổi tiếp xúc đại biểu Quốc hội TP HCM Mất cán bộ, đảng viên vì đất đai. Dân bức xúc, bất ổn xã hội cũng chủ yếu từ tranh chấp đất đai. Rõ ràng Luật Đất đai hiện hành không thể nói là không có vấn đề cần được nhìn nhận nghiêm túc, thấu đáo, kịp thời. Tại phiên họp thứ 57 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã có ý kiến băn khoăn vì “chưa thấy bóng dáng sửa Luật Đất đai” trong chương trình xây dựng luật tới hết năm 2022 mà Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Từ giữa nhiệm kì Quốc hội khóa XIV đã có những ý kiến đại biểu về việc cần sửa đổi bộ luật nền tảng này. Đến nay đã sang nhiệm kì Quốc hội mới mà xem ra việc chuẩn bị vẫn chưa hoàn tất! Phải chăng những bất cập trong Luật Đất đai chưa phải là vấn đề bức thiết lúc này?/. Đinh Hoàng Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 29 tháng 06 năm 2021 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét