Tinh hoa Gần đây người xem các kênh truyền hình (kể cả VTV) thường được nghe những cụm từ “giới thượng lưu”, “giới tinh hoa” trên các video quảng cáo bất động sản, khu nghỉ dưỡng cao cấp. Vậy giới thượng lưu, những con người được coi là tinh hoa trong xã hội ta là ai? Trong tiếng Anh có cụm từ upper class chỉ tầng lớp thượng lưu trong xã hội gồm những người nắm giữ địa vị xã hội cao nhất, các nhân vật giàu có nhất trong xã hội, nắm trong tay quyền lực chính trị lớn nhất. Trong tiếng Pháp, từ élite, (gốc tiếng Latinh là eligere), chỉ tầng lớp tinh hoa hoặc thành phần ưu tú, là một nhóm nhỏ những người có quyền thế nắm giữ khối tài sản bất cân xứng, giữ đặc quyền đặc lợi, quyền lực chính trị. Đối lập, người lao động được coi là kẻ làm thuê, hạ đẳng. Giới thượng lưu, quý tộc được nói tới nhiều trong giai đoạn tư bản thực dân những thế kỉ trước. Trong thể chế dân chủ ngày nay, tại các nước tư bản, sự bình đẳng đã được đề cao, những phân biệt, kì thị, cả tệ phân biệt chủng tộc đã và đang dần bị loại trừ. Việt Nam ta sau khi dành độc lập tự do, thống nhất đất nước thực hiện đường lối của Đảng xây dựng theo mô nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Mục tiêu cao đẹp hướng tới là dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Hơn 70 năm xây dựng chế độ mới, mô hình mà Đảng và Nhân dân ta lựa chọn ngày một hoàn thiện và khẳng định tính ưu việt. Giá trị, nhân phẩm của từng cá nhân được coi trọng, bình đẳng, thước đo của nó không lấy từ giá trị vật chất. Do vậy cụm từ thượng lưu dưới xã hội tư bản nay dùng với chế độ ta có vẻ lạc lõng, không phù hợp. Còn giới tinh hoa, theo quan niệm chung và suy nghĩ của đa số thì trong chế độ xã hội ta đó phải là những cá nhân trí tuệ, nhân cách tiêu biểu mang lại sự tích cực, lợi ích cho số đông, thúc đẩy xã hội phát triển. Một cá nhân tinh hoa chưa hẳn là giàu có vật chất, họ giàu có về trí tuệ và nhân cách. Hồ Chủ tịch bằng nhân cách và tài năng của mình từng thu hút nhiều tinh hoa đi theo phụng sự đất nước như kĩ sư Trần Đại Nghĩa, giáo sư toán học Lê Văn Thiêm, nhà nông học Lương Định Của, tiến sĩ y khoa Đặng Văn Ngữ, giáo sư Phạm Huy Thông, các bác sĩ Trần Hữu Tước, Nguyễn Khắc Viện v.v… Họ chính là những tinh hoa đã cống hiến cuộc đời cho sự nghiệp chung, không màng danh lợi. Quyền lực, đồng tiền… không làm nên giá trị con người, không đắp tạo nên tinh hoa. Trịnh Xuân Thanh, Vũ Nhôm hay nhiều quan chức tham nhũng khác, họ có thể sở hữu rất nhiều tiền bạc, tài sản, từng có vị thế, quyền lực cao trong thể chế song không thể coi đó là những tinh hoa, cũng chưa chắc đã đạt tiêu chí thượng lưu như trong xã hội tư bản.
Nhiều tiền của đâu phải tinh hoa Những biệt thự sang trọng, căn hộ trị giá cả triệu USD được quảng cáo chỉ dành cho giới thượng lưu, tinh hoa, vậy họ là ai trong xã hội ta? Chỉ là quảng cáo song truyền thông cần phù hợp với những giá trị phổ quát của chế độ xã hội mà số đông đang hướng tới, đang xây dựng./. Đinh Hoàng Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 17 tháng 06 năm 2021 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét