Thứ Sáu, 25 tháng 6, 2021

Cần giải pháp mạnh với chây ì nợ thuế

 

Cần giải pháp mạnh với hành vi chây ì nợ thuế, phí

Cục Thuế TP Hà Nội vừa qua đã công khai danh sách lần đầu đối với 1.936 cá nhân, doanh nghiệp nộp thuế với số nợ thuế phí, nợ nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất với 743,9 tỉ đồng.

Hồi cuối năm trước Cục Thuế Hà Nội cũng đã thực hiện công khai danh sách 260 đơn vị nợ thuế với số tiền hơn 273,2 tỉ đồng. Còn số nợ thuế, phí trên cả nước, theo thống kê báo cáo tại kì họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV là 106.548 tỉ đồng.

Giải pháp “bêu tên” trên phương tiện thông tin đại chúng đã phần nào đã giúp giảm bớt số doanh nghiệp có “thói quen” chây ì, chậm nộp nghĩa vụ thuế, tài chính với Nhà nước.

 

Lilama là một trong những doanh nghiệp lớn nợ thuế

Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách, mọi chi phí từ an sinh xã hội, quốc phòng an ninh đến chi thường xuyên của bộ máy nhà nước… đều trông cậy vào đóng góp của người dân, doanh nghiệp thông qua nghĩa vụ thuế, tài chính. Vì vậy từ lâu đã có câu khẩu hiệu “nộp thuế là yêu nước”. Nếu ai cũng trốn tránh, chây ỳ tiền thuế thì bộ máy nhà nước vận hành ra sao?

Dù việc “bêu tên” đã được thực hiện mấy năm qua song đến nay vẫn có hàng nghìn cá nhân, doanh nghiệp cố tình chậm nộp thuế, lờ đi nghĩa vụ tài chính chứng tỏ giải pháp này vẫn chưa đủ mạnh. Cơ quan quản lí cần có thêm những cách làm khác, mạnh mẽ và quyết liệt hơn.

Vừa qua có địa phương đã đưa ra giải pháp “cho nghỉ chơi” với doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội của người lao động. Với quan điểm, hành vi chậm nộp, trốn tránh trách nhiệm, vi phạm quyền lợi của người lao động sẽ gây bất an cho xã hội nếu không có biện pháp, chế tài mạnh, thậm chí dẫn đến “nhờn luật”. “Cho nghỉ chơi” được thực hiện bằng cách không giải quyết thủ tục hành chính với doanh nghiệp đến khi nào hoàn thành trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội. Đây là giải pháp mà ngành thuế có thể nghiên cứu, làm theo.

Hiện mức phạt chậm nộp thuế chỉ 0,03%/ngày nên không ít doanh nghiệp chấp nhận phạt để chiếm dụng tiền thuế vì mức này vẫn có lợi hơn đi vay ngân hàng thương mại. Hơn nữa có doanh nghiệp dù không khó khăn tài chính song lại thực hiện sách lược “để lâu… hóa bùn” với hi vọng sẽ được xóa nợ. Với những doanh nghiệp như trên có lẽ cơ quan quản lí cũng cần “cho nghỉ chơi” bằng những biện pháp mạnh, phù hợp quy định của luật pháp. Chẳng hạn như với doanh nghiệp bất động sản, chính quyền tạm dừng, chưa cho tham gia dự án mới; hoặc với các ngân hàng thì cần đưa doanh nghiệp nợ thuế vào dạng rủi ro tài chính để từ chối khoản vay mới v.v. Nhà nước cũng cần loại các cá nhân, doanh nghiệp nợ thuế ra khỏi danh sách được hoãn, dãn thuế do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Tiền thuế như nguồn dinh dưỡng để vận hành thể chế, bảo đảm an toàn nền tài chính quốc gia. Hành vi trốn, lậu, chây ì nợ thuế kéo dài cần coi là những vi phạm pháp luật nghiêm trọng vì nó làm suy mòn tiềm lực và sức mạnh đất nước./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 25 tháng 06 năm 2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét