Thứ Tư, 2 tháng 6, 2021

Tuổi trẻ lên đường

 

Trách nhiệm với tuyến đầu

Vào cuối những năm 60, đầu những năm 70 thế kỉ trước, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt nhất cũng là đỉnh điểm phong trào thanh niên xung phong tòng quân ra tiền tuyến đánh giặc. Hàng nghìn sinh viên các trường đại học nô nức viết đơn, tạm gác bút nghiên cầm súng lên đường, lòng vui như trẩy hội dù phía trước là khói lửa chiến tranh, là sự sống và cái chết. Những trang nhật kí nóng hổi nhiệt huyết và trách nhiệm của tuổi trẻ trước vận mệnh dân tộc đã được nhiều liệt sĩ như Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc… ghi lại.

Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 hôm nay mọi người như thấy sống lại khí thế cách mạng của tuổi trẻ trong những năm chiến tranh, khi sinh viên các trường đại học, cao đẳng nô nức xung phong vào các tâm dịch Covid-19 để thực hiện nhiệm vụ. Các vùng dịch lúc này như những “trọng điểm chiến tranh” đang được sinh viên và cả thầy cô nhiều trường đại học hướng về, tiên phong là các trường đại học chuyên ngành y, dược.

Đó là 110 giáo viên và sinh viên ngành y học dự phòng Đại học Y Hà Nội với hai lần xuất quân; là hơn 271 thầy cô, sinh viên Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương; hơn 330 cán bộ, giảng viên, sinh viên Đại học Y dược (Đại học Thái Nguyên); hơn 100 sinh viên K49 và K50 của Học viện Quân Y; hàng chục sinh viên, thầy cô Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, Đại học Điều Dưỡng Nam Định, Đại học Y dược Hải Phòng v.v… tất cả đều hội tụ tại hai tâm dịch nóng nhất lúc này: Bắc Giang, Bắc Ninh. 

Những ngày qua, hình ảnh nhiều cán bộ, sinh viên mồ hôi đầm đìa trong bộ đồ bảo hộ giữa giữa ngày hè nóng rực khiến ai nấy đầy xúc động. Trận chiến chống dịch không chỉ hiểm nguy dịch bệnh rình rập mà còn là cuộc thử thách về sức lực, sự can đảm, lòng kiên trì. Suốt hai năm dịch Covid-19, nhiều y, bác sĩ, các chiến sĩ biên phòng… vẫn chưa có dịp về thăm gia đình, thậm chí người thân qua đời họ cũng không thể giữ tròn chữ hiếu… Hơn ai hết, họ mong dịch bệnh sớm được ngăn chặn, kết thúc để cuộc sống trở lại bình thường.

 

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hải được các y bác sĩ đồng nghiệp tiếp nước hồi sức - Ảnh: CDC Bắc Ninh

Nỗ lực của những người tại tuyến đầu chống dịch là vậy, còn phía “hậu phương” thì sao?

Trong chiến tranh, hành động trốn tránh nghĩa vụ quân sự là điều hổ thẹn không chỉ với cá nhân mà còn cả với gia đình, họ tộc. Hành vi trốn cách li, không khai báo y tế, khai báo không trung thực… cũng có thể coi như trốn tránh nghĩa vụ trong thời chiến cần sự lên án nghiêm khắc của dư luận. Họ chính là người gây ra những điểm “chiến sự” mới, tạo nguy cơ và hiểm họa cho cộng đồng, tổn thất vật chất cho xã hội.

Chỉ đơn giản những hành vi như không đeo khẩu trang, cố ý tụ tập đông người… cũng có thể tạo thêm gánh nặng cho xã hội, đè nặng lên đôi vai những người đang ở tuyến đầu chống dịch.

Trách nhiệm với “tiền tuyến” lúc này không chỉ trông đợi vào đội ngũ y, bác sĩ, sinh viên các nhà trường, lực lượng vũ trang… Đó phải là trách nhiệm của tất cả mọi người, mọi lúc, mọi nơi. Có như vậy dịch bệnh mới sớm được khống chế và đẩy lùi./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 02 tháng 06 năm 2021

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét