Thứ Sáu, 9 tháng 7, 2021

Cơ chế độc quyền

 

 “Thang” bất an, bao giờ sẽ sửa?

Bảng giá điện bậc thang của EVN với mục tiêu khuyến khích người dân sử dụng nguồn năng lượng này tiết kiệm vì nguồn cung so với nhu cầu luôn có khoảng cách.

Thế nhưng cách thiết kế thang giá thì có vẻ lại như chủ yếu hướng tới lợi nhuận cao chứ chưa hẳn vì khuyến khích dùng điện tiết kiệm, bởi khách hàng càng dùng nhiều thì EVN càng lãi lớn.

Khó dung hòa lợi ích khi còn cơ chế độc quyền ngành điện

Bước nhảy giá điện ở các bậc không đều đặn, an toàn như khái niệm và cách hiểu về một chiếc thang cho người sử dụng, leo cao. Thử xem bảng giá điện sinh hoạt hiện hành: Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50: 1.678đ/kWh; Bậc 2: từ kWh từ 51 - 100: 1.734 kWh; Bậc 3: từ kWh từ 101 - 200: 2.014 kWh; Bậc 4: từ kWh từ 201 - 300: 2.536 kWh; Bậc 5: từ kWh từ 301 - 400: 2.834 kWh; Bậc 6: từ 401 kWh trở lên: 2.927 kWh. Như vậy, chỉ tại bậc nhảy đầu là ngắn (56 đồng), còn từ bậc tiếp theo đều gấp 4-9 lần so với bậc nhảy đầu tiên. Mà với nhu cầu đồ gia dụng thiết yếu mỗi gia đình hiện nay khó tìm được hộ chỉ tiêu thụ 100kW/h mỗi tháng. Vì vậy có thể hiểu bậc thang đầu chỉ “làm cho có” vì mọi người đều “leo tắt” qua bậc thang thứ hai.

Nếu bạn thử lấy thông số giá tiền trên thay bằng centimet để đóng một chiếc thang thì sẽ thấy, đó là chiếc thang lộn ngược, đố ai dám trèo! Còn với chiếc “thang giá điện” ai cũng phải “trèo” nếu còn muốn dùng điện.

Cách đây 3 năm dư luận bức xúc khi hóa đơn tiền điện tăng đột biến do cách tính giá điện bậc thang bất hợp lí tác động tới thu nhập, đời sống, sinh hoạt của người dân. Từ đó đến nay, “xuân thu nhị kì” cứ hè đến là lại rộ lên câu chuyện giá điện bậc thang. Nhiều chuyên gia chỉ rõ, cách xây dựng các bước nhảy số, nhảy giá tiền không phù hợp với đại đa số nhu cầu sử dụng điện của người dân là nguyên nhân khiến hóa đơn tiền điện tăng cao.

 

Từ năm 2019, trước những phản ánh về hóa đơn tiền điện tăng đột biến gấp 3-4 lần, ngành công thương đã thừa nhận sự bất cập trong áp dụng cách tính giá điện bậc thang và hứa sẽ nghiên cứu đề xuất biểu giá điện mới. Nhưng tới tháng 3/2020 do dịch Covid-19 ngành công thương lại xin lùi thời gian báo cáo phương án sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt. Vừa qua, ngành công thương lại hẹn sẽ trình lại Chính phủ phương án sửa biểu giá điện trong năm nay nhưng nói bây giờ mới là tháng 6, còn chưa hết năm! EVN cũng lại mới phát đi thông tin cảnh báo: Sản lượng tiêu thụ điện đã lên đỉnh mới!

Vậy là suốt 3 năm, việc sửa “chiếc thang giá” vẫn quanh quẩn điệp khúc “sẽ lấy ý kiến”, “đang lấy ý kiến”, “vẫn còn sớm” và sẽ… Xem ra “chiếc thang” này quá khó sửa, khi mà mục tiêu lợi nhuận không thể giảm. Có lẽ chỉ trong cơ chế độc quyền thì khách hàng mới có thể bị đối xử như vậy.

Nếu chưa rũ bỏ được tư duy lợi nhuận cao hơn quyền lợi khách hàng thì dù “chiếc thang giá” có được chỉnh sửa đôi chút về “hình thù”, sự bất cập sẽ vẫn tồn tại, người dùng điện khó an lòng với những chiếc hóa đơn tiền điện mỗi khi hè đến./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 09 tháng 07 năm 2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét