“Lò ấp” liệu có quay lại? Dư luận từng xôn xao câu chuyện “lò ấp” tại một viện khoa học danh tiếng trong 2 năm 2015 và 2016 cho “xuất lò” 700 tiến sĩ và 2.811 thạc sĩ. Và, “lò ấp” không chỉ có tại một viện khoa học trên… Trước thực trạng đó Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo sau đại học, trong đó quy định luận án tiến sĩ phải công bố 2 bài báo trong đó có 1 bài đăng trên tạp chí thuộc danh mục ISI/Scopus (bài kia có thể đăng trong nước) hoặc 2 bài báo ở nước ngoài. Tranh biếm của họa sĩ Lý Trực Dũng Theo ý kiến một số nhà khoa học, chuẩn đầu ra theo yêu cầu của Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT cũng chưa phải là cao so với khu vực song đã khuyến khích hình thành xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh và công bố quốc tế trong các trường đại học. Nước ta từ một nước gần như “đội sổ” về công bố quốc tế trong khu vực, năm 2020 đã vươn lên đứng thứ 49 trên thế giới và đứng thứ 3 ở ASEAN về công bố quốc tế. Khi xem xét đào tạo tiến sĩ tại các nước đang phát triển như Việt Nam, câu hỏi thường được đặt ra là luận án cần bao nhiêu công bố quốc tế thì được bảo vệ vì công bố quốc tế chính là sự đánh giá khách quan nhất đối với chất lượng luận án khi trình độ khoa học của ta chưa cao, chưa tự thẩm định được chất lượng nghiên cứu. Các nước đang phát triển thường quy định luận án tiến sĩ phải có công bố quốc tế trong những tạp chí quốc tế có sự bảo đảm chất lượng. Cứ ngỡ chuẩn tiến sĩ tại Việt Nam so với các nước còn khoảng cách phải phấn đấu thì vừa qua Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ mà nhiều người cho là đã “hạ chuẩn”. Điểm mấu chốt rất quan trọng đã được “hạ” là nghiên cứu sinh tiến sĩ có thể chỉ cần các bài báo đăng trên tạp chí khoa học trong nước. Theo chuẩn mới này, nhiều người cho rằng nó quay lại thời kì cách đây 20 năm và chất lượng đào tạo tiến sĩ khó mà nâng lên. Giải thích về lí do thay đổi chuẩn công bố quốc tế trong thông tư trên, một lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) đã chia sẻ với báo chí rằng “việc mặc định cứ bài đăng báo quốc tế là tốt, chất lượng bài đăng tạp chí trong nước là thấp là một định kiến cần được nhìn nhận lại” và “thực tiễn, chất lượng của nhiều tạp chí ngày càng gia tăng, dần hướng tới các chuẩn quốc tế…”. Cách giải thích này khá khôn khéo khi kết hợp giữa “nâng tầm” các tạp chí trong nước (không nêu tạp chí nào), với “hạ tầm” tạp chí quốc tế, trong khi không nói rõ nó có nâng chất lượng đầu ra đào tạo tiến sĩ hay không. Hiện công tác đánh giá, bổ nhiệm cán bộ của ta vẫn chưa thoát khỏi tư duy và các quy định “nặng” về bằng cấp. Hạ chuẩn đào tạo tiến sĩ là cơ hội tuyệt vời cho những “lò ấp” tiến sĩ nhộn nhịp trở lại. Khi việc đào tạo cao học hạ chuẩn thì sẽ quay lại vấn nạn tiến sĩ có bằng thật nhưng trình độ giả, có bằng tiến sĩ nhưng không làm công việc của tiến sĩ. Và, chất lượng tiến sĩ sẽ thụt lùi là điều khó tránh!/. Đinh Hoàng Bài bình luận đăng Tạp
chí Người cao tuổi ngày 20 tháng 07 năm 2021 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét