Thứ Hai, 19 tháng 7, 2021

Văn hóa

 

 Công chúng và quyền lực hội đồng

Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Bùi Cường qua đời vào tháng 8/2018. Gần một năm sau, ngày 22/7/2019 ông có tên trong danh sách truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) trong Nghị quyết 54/NQ-CP ngày 18/7/2019 đề nghị xét tặng, truy tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho 199 nghệ sĩ. Thực ra năm 2018 ông cũng nằm trong danh sách xét tặng danh hiệu NSND nhưng đã không có tên trong danh sách được phong tặng.

Nghệ sĩ Văn Hiệp mất ngày 9/4/2013, sáu tháng sau, vào ngày 10/10 gia đình “trưởng thôn” Văn Hiệp mới chính thức được nhận danh hiệu NSƯT thay ông.

May mắn hơn, nghệ sĩ Trần Hạnh được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT vào năm 1984 và được đặc cách xét tặng danh hiệu NSND vào năm 2018. NSND Trần Hạnh qua đời vào 4/3/2021.

Điểm qua một vài cái tên nghệ sĩ mà tài năng của họ như tạc vào tâm trí và sự mến mộ của công chúng. Vậy mà con đường đến với danh hiệu lại vô cùng khó khăn. Danh hiệu cao quý chỉ đến với họ khi đã sang thế giới bên kia hoặc vài năm tháng cuối đời. Đối với công chúng, các nghệ sĩ trên đã là nghệ sĩ của Nhân dân trước khi được phong tặng danh hiệu NSND. Với các nghệ sĩ, sự tin yêu, mến phục của công chúng quý giá hơn nhiều những danh hiệu và phần thưởng.

Đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy

 Con đường để có danh hiệu của các nghề sĩ tài năng, đức độ khó khăn bởi nhiều lí do. Với nhân cách tự trọng, các nghệ sĩ thường tránh tham dự những cuộc thi, nhường cho lớp trẻ phấn đấu và thể hiện. Thế là đến khi xét thưởng hay phong tặng danh hiệu họ chẳng thể có những giải vàng, giải bạc… trong “kho” thành tích. Còn Hội đồng xét duyệt cứ theo “ba rem” tiêu chuẩn mà bỏ phiếu.

Mấy ngày qua dư luận lại dấy lên ý kiến trái chiều xung quanh việc hai đạo diễn lớn của điện ảnh Việt Nam trong thể loại phim tài liệu là NSND Trần Văn Thủy và NSND Đào Trọng Khánh không có trong danh sách trình Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Lí do là hai ông không đạt đủ 80% số phiếu của Hội đồng chuyên ngành. Nói tới hai “cây đại thụ” của mảng phim tài liệu Việt Nam người ta không thể không nhớ tới những bộ phim lay động lòng người như “Chuyện tử tế”, Hà Nội trong mắt ai”, “Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai”, “Những người dân quê tôi”… (Trần Văn Thủy); “Việt Nam - Hồ Chí Minh”, “1/50 giây cuộc đời”, “Vũ nữ Trà Kiệu”, “Truyền kỳ sự thật”, “Hình bóng tổ tiên”… (Đào Trọng Khánh). NSND Đào Trọng Khánh còn là người viết lời bình cho hai phim “Hà Nội trong mắt ai” và “Chuyện tử tế”. Hai NSND này đã không vượt qua “ải” Hội đồng. Với Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ đợt 6 này gồm 23 người, chỉ cần bốn năm lá phiếu là có thể loại bỏ các tài năng mà công chúng tin tưởng, hâm mộ.

Thực trạng “độ vênh” giữa Hội đồng và công chúng nhiều năm qua dẫn đến đợt xét tặng danh hiệu, giải thưởng Nhà nước lần nào cũng để lại dư luận trái chiều. Tại sao không xây dựng một thiết chế để công chúng cũng có “lá phiếu” của mình trong mỗi khi xét tặng danh hiệu cho những “người của công chúng”?

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 17 tháng 07 năm 2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét