Thứ Tư, 28 tháng 7, 2021

Tham nhũng chất xám

 

 Minh bạch “tài sản” trí tuệ

Việc “lùm xùm” chất lượng tiến sĩ không chỉ có ở Việt Nam ta. Mới đây tại nước Đức, một Bộ trưởng Liên bang về gia đình là bà Franziska Giffey thuộc Đảng Xã hội dân chủ Đức (SPD) đã bị cho là đạo văn để hoàn thành luận án tiến sĩ. Sau nhiều tuần tranh luận, bà này đã phải từ chức Bộ trưởng.

Trước đó cũng tại nước này, vào năm 2011 Bộ trưởng Quốc phòng Liên bang Karl-Theodor zu Guttenberg - một ngôi sao đang lên, ứng viên Thủ tướng tương lai của Đảng Liên minh Xã hội Kito giáo cũng bị tố đạo văn. Một vị giáo sư luật học đã công khai phê phán ông này đạo văn trong luận án tiến sĩ của mình. Sau đó đại học Bayreuth đã tước danh hiệu tiến sĩ của ông. Trước sự phê phán của dư luận, tháng 3/2013, ông này đã từ chức…

Việt Nam ta cũng từng có một số vụ đạo văn tiến sĩ bị khiếu nại. Đối tượng bị nghi ngờ “đạo văn” có cả cán bộ ở viện khoa học, trường đại học, cao đẳng và lãnh đạo địa phương. Ngoài vụ một cán bộ Trường Cao đẳng Cần Thơ bị thu hồi bằng và cho nghỉ việc sau khi phát hiện “đạo văn” 100% từ luận án của một đồng nghiệp khác, đa số các vụ đạo văn được thanh minh, giải thích mập mờ, dạng “có thiếu sót trong việc trích dẫn các tài liệu tham khảo, chưa đúng theo chuẩn mực quốc tế” v.v.

Luận văn, những bài báo khoa học như những “tài sản” trí tuệ của các ứng viên tiến sĩ, thạc sĩ. Chất xám từ nghiên cứu ghi nhận, khẳng định năng lực, trình độ khoa học của cá nhân được cụ thể hóa trong các công trình khoa học, trên bài viết đăng tạp chí. Tuy nhiên, những thứ đó người ta lại hoàn toàn có thể “mượn”, thuê thậm chí “đạo” của người khác.

Thông thường những kiến thức “thuê mượn” sẽ ít người biết đến ngoài người hướng dẫn vì luận văn bảo vệ xong chủ yếu cất vào ngăn bàn có mấy ai mượn đọc lại. Có chăng những bài báo công khai thì cũng chỉ chủ nhân của tài sản trí tuệ bị “đạo” phát hiện ra và có ý kiến, khiếu nại.

Luật Phòng chống tham nhũng có điều khoản riêng về công khai tài sản thu nhập. Chính phủ cũng có Nghị định số 78/2013/NĐ-CP cụ thể hóa điều khoản công khai tài sản thu nhập của Luật Phòng chống tham nhũng. Nên chăng cũng cần thêm quy định của luật pháp về công khai tài sản trí tuệ để chống “tham nhũng” chất xám? Theo đó các luận án tiến sĩ, thạc sĩ, bài báo quốc tế phục vụ cho bảo vệ luận án của cá nhân sẽ được công khai trên cổng thông tin điện tử của các cấp, các ngành. Đây vừa là cơ sở dữ liệu khoa học để phục vụ công tác nghiên cứu, tham khảo chung, vừa để vinh danh cá nhân đã có những thành tựu trong nghiên cứu khoa học. Người được công khai thành tựu của mình sẽ thêm tự hào, nếu đó thực sự là trí tuệ của họ.

Việc công khai, minh bạch công trình khoa học làm nên học vị sẽ là công cụ nhằm loại trừ các hành vi gian dối nếu có, từ đó góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo cao học, một vấn đề đang nóng hiện nay./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 28 tháng 07 năm 2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét