Thứ Hai, 2 tháng 8, 2021

Thị trường và quản lí Nhà nước

 

 “Nặn méo” thị trường

Trong nền kinh tế thị trường, ưu việt nhất là tính cạnh tranh. Cạnh tranh chính là động lực để sản xuất kinh doanh, để doanh nghiệp nỗ lực sáng tạo, phát triển, không ngừng tạo ra những sản phẩm tốt nhất, giá thành rẻ nhất, tiết kiệm nguồn lực cho xã hội. Nhưng, đó phải là sự cạnh trong trong môi trường minh bạch, công bằng. Nếu môi trường thiếu minh bạch, bỏ qua khuôn khổ pháp luật sẽ làm biến dạng hiệu quả và tất yếu dẫn tới triệt tiêu cạnh tranh, triệt tiêu sáng tạo.

Thông thường, một sản phẩm mới, người tiêu dùng chưa có nhiều thông tin, chưa biết tới thì doanh nghiệp cần xúc tiến quảng bá. Khi sản phẩm đã tiếp cận được người tiêu dùng thì sẽ “hữu xạ tự nhiên hương”, nếu chất lượng tốt thì chẳng phải quảng cáo nhiều. Người tiêu dùng nay đã thông thái hơn, khi thấy một sản phẩm xuất hiện lâu trên thị trường mà vẫn phải quảng cáo ròng rã hết ngày này qua tháng khác sẽ tự đặt câu hỏi: Vì sao họ phải tốn kém tiền bạc quảng cáo như vậy? Phải chăng vì không có “xạ” nên “vô hương”.

Một số loại thuốc, thực phẩm chức năng trong phụ lục công văn 5944

Hiện nay mảng quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng (nhưng thường được nhắc tác dụng như thuốc) chiếm thời lượng lớn trên các kênh truyền hình. Các công ty dược như Sao Thái Dương, Tâm Bình, Traphaco có lẽ đang là “ngôi sao” trên các chương trình quảng cáo của VTV. Nhiều công ty rất đa năng, sản xuất từ thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, dầu gội đầu đến cả chất tẩy rửa mà sản phẩm nào cũng vào “hàng đầu”, tốt nhất!

Quảng cáo là chi phí được hạch toán vào sản phẩm nên nó không làm méo mó cạnh tranh. Tuy nhiên, còn có một kênh khác, đó là “vận động hành lang” để tác động chính sách mang lại lợi ích cục bộ. Có nhiều cách để “vận động” chính sách như từ làm từ thiện, hỗ trợ các hoạt động công, thậm chí tặng quà vật chất bằng cách hình thức linh hoạt, tinh vi. Khi cơ quan quản lí ban hành một chính sách tạo lợi thế riêng cho doanh nghiệp này tất yếu sẽ gây bất lợi cho các doanh nghiệp khác cùng lĩnh vực, cùng sản phẩm.


Văn bản thu hồi công văn 5944

Những ngày qua dư luận xôn xao việc Bộ Y tế ban hành Văn bản số 5944/BYT-YDCT về việc “Tăng cường phòng chống dịch bệnh COVID-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu”. Nếu chỉ khuyến khích sử dụng thuốc y học cổ truyền chung chung thì chẳng sao, nhưng văn bản trên lại kèm theo danh mục 12 loại thuốc cổ truyền, thực phẩm chức năng của một số doanh nghiệp với đầy đủ tên tuổi, sản phẩm. Văn bản này không hiểu vô tình hay hữu ý nhưng rõ ràng mang lại lợi thế rất lớn cho các doanh nghiệp có mặt hàng được nêu, danh tiếng của họ cũng “thăng hạng”. Điều kì lạ, có sản phẩm trong phụ lục như “đón lõng” được văn bản, trước đó vài ngày đã kịp tăng giá từ 180.000 đồng lên hơn 1 triệu đồng. Trước ý kiến của dư luận, văn bản mang dáng dấp của “chỉ định thầu”, đã được cơ quan tham mưu đề xuất thu hồi.

Chính phủ kiến tạo là tăng cường hỗ trợ về chính sách, rà soát, gỡ bỏ rào cản để doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, nếu chính sách hướng đến một nhóm nhỏ vô hình trung sẽ làm méo mó thị trường và triệt tiêu cạnh tranh./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 31 tháng 07 năm 2021 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét