Thứ Sáu, 27 tháng 8, 2021

Lừa đảo từ thiện tinh vi

 Không từ thiện dễ dãi

Nhiều người từng biết câu chuyện về một phóng viên viết gương người tốt hoàn toàn hư cấu. Do tấm gương viết khá hay khiến một số người muốn tìm hiểu sâu về gương tốt này. Thế rồi tất cả “ngã ngửa” ra vì tại địa chỉ được nêu chẳng có ai tên tuổi, hoàn cảnh, việc làm như bài báo đã viết. Sau đó phóng viên này bị kiểm điểm, nói rằng làm vậy chỉ là để bảo đảm chỉ tiêu bài vở và có thêm chút nhuận bút.

Chuyện “gương giả” thời nay đã có sự phát triển tinh vi và “tầm mức” cao hơn, đích đến không “cò con” mấy đồng nhuận bút.

Câu chuyện được cho là xảy ra tại Bệnh viện Chợ Rẫy: “Bác sĩ Khoa rút ống thở của mẹ mình để nhường sự sống cho sản phụ sắp sinh”. Đúng là một tấm gương đáng ngưỡng mộ về đức hi sinh cao cả! Theo câu chuyện này thì bác sĩ Trần Khoa biết mẹ mình bệnh nặng khó qua khỏi trong khi một sản phụ sắp sinh cần gấp máy thở đã có hành động như trên.

Giữa lúc dịch Covid-19 đang bùng phát nên câu chuyện cảm động của “tấm gương” Trần Khoa đã nhanh chóng lan tỏa làm xôn xao dư luận. Rất nhanh chóng, chủ tịch một quỹ có tên B.V đã liên lạc qua facebook “bác sĩ Trần Khoa” để tặng một chiếc máy thở xâm lấn, đây là một tài sản không nhỏ. Cũng do “độ nóng” của câu chuyện nên chỉ một ngày sau vị chủ tịch quỹ trên đã xác minh và biết rằng mình bị lừa: Bệnh viện Chợ Rẫy không có “bác sĩ Khoa” và cũng chẳng có chuyện “rút ống thở của mẹ để cứu sản phụ sắp sinh”!

Sự dễ dãi, cả tin trong làm từ thiện của nhiều người lâu nay như “mảnh đất màu mỡ” để kẻ xấu đang ngày đêm đào xới, “canh tác”.

Vụ bác sĩ Khoa rút ống thở của cha mẹ để cứu sản phụ sinh đôi là hư cấu

Hiện cơ quan chức năng đang điều tra nhóm “bác sĩ Khoa”, bước đầu đã phát lộ đây là một nhóm lừa đảo từ thiện khá chuyên nghiệp. Rất nhiều câu chuyện, hoàn cảnh thương tâm được nhóm này sáng tác ra rồi post lên facebook như chuyện “người mẹ già ở Hà Tĩnh mất người con trai 19 tuổi lúc đi biển, phải một mình chăm chồng đang bị ung thư trong bệnh viện. Một buổi chiều, sau khi đi bán vé số, bà vào bệnh viện chăm chồng thì người chồng đã ra đi mãi mãi”; hay câu chuyện một người tên Phong Lam kể “bản thân bị ung thư máu từ nhỏ, người anh trai bị bệnh mất từ lúc mới sinh ra, ước mơ làm bác sĩ và được chính bố hiến tủy để cứu sống mình. Sau đó, Lam sang Singapore theo đuổi giấc mơ bác sĩ…”. Cuối những bài viết về mỗi hoàn cảnh đều để lại cùng một số tài khoản ngân hàng của cá nhân trong nhóm này.

Trong điều kiện công nghệ thông tin thuận lợi như hiện nay, việc xác minh để biết rõ sự thật không quá khó khăn hay tốn kém. Vậy mà không ít người chỉ nghe qua câu chuyện về một việc tốt, một hoàn cảnh éo le nào đó là ngay lập tức “xuống tiền”!

Mỗi cá nhân làm từ thiện ngoài trái tim nóng cần có cái đầu tỉnh táo để mình không trở thành người “nuôi dưỡng” lòng tham của những kẻ xấu./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 27 tháng 08 năm 2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét