Thứ Ba, 10 tháng 8, 2021

Mong tư lợi giữa đại dịch

 

Cần giải pháp vì cộng đồng

Bệnh viện FV tại TP Hồ Chí Minh vừa đề xuất Bộ Y tế cho phép chủ động đàm phán mua vắc xin Covid-19 bằng nguồn tài chính của đơn vị và tổ chức tiêm chủng dịch vụ. Đồng thời bệnh viện cũng muốn tham gia chiến dịch tiêm chủng Thành phố nhưng được thu phí dịch vụ! Tại kì họp thứ nhất Quốc hội khóa XV vừa qua cũng có ý kiến đại biểu đề xuất cho phép tổ chức tiêm chủng dịch vụ.

Liệu có thể coi đây là một giải pháp giúp đẩy nhanh tiến độ và phủ rộng diện tiêm chủng cho chiến lược vaccine vì lợi ích cộng đồng?

Hiện Nhà nước ta đã huy động nguồn lực tài chính rất lớn ngân sách và từ doanh nghiệp, người dân để tiêm chủng miễn phí cho toàn dân. Nguồn tài chính đã có hàng chục nghìn tỉ song do nguồn vaccine Covid-19 trên thế giới đang khan hiếm đã ảnh hưởng đến tiến độ tiêm chủng. Rất nhiều địa phương đang “khát” vaccine, chưa thể tiêm rộng rãi không phải do thiếu nguồn lực tài chính hay nhân lực. Kể cả khi lượng vaccine về nhiều thì bài toán nhân lực cũng có thể được giải quyết bằng việc tập huấn để bổ sung lực lượng và nâng quy mô tiêm chủng.

Ảnh minh họa

Tiêm chủng dịch vụ là hình thức cơ sở y tế “bán dịch vụ” cho người có khả năng chi trả theo nguyên tắc “tiền trao, cháo múc”. Với mục tiêu lợi nhuận nên phương châm phục vụ sẽ là người càng trả nhiều tiền, càng có cơ hội cao giành quyền được tiêm vaccine sớm nhất, tốt nhất! Tuy nhiên, số người có điều kiện để chạy theo dịch vụ chắc chắn chỉ là thiểu số và thiểu số đó chưa hẳn đã là những người cần tiêm sớm nhất. Chiến lược tiêm vaccine của Nhà nước ta hiện nay có thứ tự ưu tiên dựa trên nguyên tắc mang lại lợi ích cao nhất cho cộng đồng, theo quan điểm khoa học, dịch tễ học chứ không vì khả năng và mong muốn của đối tượng tiêm.

Nếu xuất hiện mô hình tiêm dịch vụ lúc này cái lợi chưa biết nhưng nhiều bất lợi sẽ xảy ra. Trước tiên là tạo một hình ảnh, sự việc phản cảm: Nhà nước đã huy động nguồn lực công, nguồn lực xã hội rất lớn mà người dân vẫn phải tìm đến dịch vụ trả tiền! Hình ảnh đó không nên được tạo ra trong một thể chế xã hội mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đang nỗ lực hướng tới. Tiếp đến là sự cạnh tranh nguồn nhân lực công - tư. Nếu thị trường tham gia điều tiết nhân lực y tế theo mục tiêu thương mại khi đại dịch đang diễn ra sẽ vô cùng nguy hiểm. Nó sẽ tác động đến tâm tư, tình cảm, phân hóa trong đội ngũ nhân lực y tế, nhất là những người đang quên mình ngày đêm chống dịch tại tuyến đầu. Và một điểm nữa, mô hình dịch vụ sẽ đẩy việc quản lí, điều tiết vaccine đối mặt với một thị trường cạnh tranh đầy cám dỗ khó lường.

Đại dịch Covid-19 đang được coi như một cuộc chiến tranh. Trong chiến tranh Nhân dân ta đã từng “xe chưa qua, nhà không tiếc” và khi đó không bao giờ có chỗ cho thị trường can thiệp nguồn lực của đất nước. Hình ảnh quên lợi riêng vì nước xưa nay đang hiển hiện khắp nơi trong nỗ lực chung tay chống dịch.

Đất nước đang thời chiến không thể tồn tại tư duy lợi nhuận hay lợi ích cục bộ./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 10 tháng 08 năm 2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét