Tháp nhân văn Thế giới đang trong cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng chưa có tiền lệ mang tên Covid-19. Dù tỉ lệ tử vong không cao song với hàng trăm triệu người nhiễm nhưng con số đó đến nay đã vượt mọi đại dịch thế giới đã trải qua. Năm 2020 khi Covid-19 hoành hành tại châu Âu, ở Anh, Italia và Mỹ - những quốc gia có hạ tầng y tế mạnh và tiên tiến hàng đầu mà vẫn phải chứng kiến hàng nghìn bệnh nhân tử vong mỗi ngày. Việt Nam là nước có hạ tầng y tế kém xa so với các nước phát triển, do vậy, nếu không có chiến lược, sách lược phù hợp, linh hoạt thì sự sụp đổ hệ thống y tế là khó tránh. Kinh nghiệm từ các quốc gia có hệ thống y tế mạnh chịu sự tàn phá của dịch bệnh phần nào do sự lúng túng điều hành ban đầu và có thể là cả quan điểm, mô hình phục vụ. Cả ở châu Âu, Mỹ hay Ấn Độ đều xảy ra hiện tượng quá tải bệnh viện khiến nhiều bệnh nhân nặng không được chữa trị kịp thời. Có tình trạng bệnh nhân nhẹ lại ôm giữ bình ô xy trong khi bệnh nhân nặng chết vì thiếu ô xy. Thực tiễn dịch Covid-19 thế
giới cho thấy tỉ lệ bệnh nhân nặng, nguy cơ tử vong chỉ chiếm khoảng 5%, còn
lại là các mức độ khác nhau trong đó một tỉ lệ lớn ở thể nhẹ và trung bình.
Thực tế này đã được ngành y tế nước ta nắm bắt, vận hành sáng tạo. Vừa qua Bộ
Y tế ban hành quy định với mô hình điều trị tháp 3 tầng. Trước đó Thành phố
Hồ Chí Minh đã thực hiện mô hình tháp 5 tầng do diễn biến dịch phức tạp. Theo mô hình tháp 5 tầng thì tầng 1 khoảng 50% gồm các F0 nhẹ không triệu chứng, không bệnh nền; tầng 2 khoảng 27% gồm các F0 có triệu chứng, bệnh lí nền, xử trí cấp cứu các trường hợp có dấu hiệu chuyển biến nặng; tầng 3 khoảng 10% F0, điều trị các trường hợp có triệu chứng ở mức độ trung bình và nặng, có hoặc không kèm nhiều bệnh lí nền, một số chuyển biến nặng; tầng 4 chiếm 8% F0, chuyên điều trị bệnh nhân có bệnh lí đi kèm nặng cần can thiệp điều trị chuyên khoa, hồi sức cấp cứu; tầng 5 khoảng 5% F0 là các bệnh viện hồi sức, được trang bị đầy đủ các phương tiện hiện đại, có nhiệm vụ hồi sức chuyên sâu các ca F0 nguy kịch. Với quy định mới của Bộ Y tế thì Thành phố có thể mở rộng tầng 1 hoặc cho một lượng F0 được theo dõi tại nhà. Tương ứng với mỗi tầng là một dạng cơ sở điều trị, bệnh viện được chỉ định. Phân tầng hợp lí giúp phân bổ, sử dụng nguồn nhân lực, vật lực y tế đạt hiệu quả cao nhất và không gây quá tải tuyến trên. Trong chiến tranh chống ngoại xâm của cha ông ta, sách lược luôn được vận dụng sáng tạo, đó là “lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh”. Đó là lí do dù là nước nhỏ, tiềm lực không mạnh song chưa kẻ thù nào mà dân tộc ta chịu khuất phục. Cuộc chiến chống “giặc Covid-19” cũng có thể coi ta đang đối mặt với kẻ thù “đông và mạnh”. Nếu không có sự đoàn kết đồng lòng và đối sách linh hoạt thì khó có đủ nguồn lực, sức mạnh. Tin rằng với các mô hình tháp rất nhân văn này, đất nước ta sẽ sớm chiến thắng “giặc Covid-19”, trở lại cuộc sống bình yên./. Đinh Hoàng Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 11 tháng 08 năm 2021 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét