Thứ Tư, 4 tháng 8, 2021

Giải pháp phòng chống Covid-19:

 

Tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành hiện có rất nhiều hãng xe máy công nghệ như Grabbike, GO-Viet, FastGo, Gojek, MyGo, Be… Tuy chưa có con số thống kê cụ thể trên địa bàn cả nước song số lượng cũng có thể lên tới hàng vạn tài xế shipper, hằng ngày họ đang rong ruổi trên các cung đường và len lỏi tới mọi ngõ ngách từ đô thị tới nông thôn.

Dù tiện lợi song trong bối cảnh nguy cơ dịch bệnh cao hiện nay thì những nhân viên xe máy công nghệ rất dễ trở thành đội ngũ “chuyển phát Covid-19”, đe dọa an toàn phòng dịch vì hiện chưa có giải pháp quản lí và các quy định bảo đảm an toàn phòng dịch riêng cho lực lượng này. Một người bình thường khi nhiễm Covid-19 đã có thể nhanh chóng truyền virut cho nhiều người. Với một shiper thì khả năng phát tán virut sẽ cao hơn nhiều vì mỗi người hằng ngày có hàng chục đơn hàng, di chuyển khắp nơi và tiếp xúc nhiều người, đủ mọi thành phần. Có thể coi mỗi shiper như một người vận chuyển, bán hàng di động.

 


Cần quy định cụ thể khoảng cách tiếp xúc khi nhân viên shipper nhận và giao hàng. Ảnh minh họa

Để bảo đảm an toàn phòng dịch Covid-19 trong hoạt động vận chuyển giao nhận hàng hóa với lực lượng xe máy công nghệ, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng siết chặt quản lí bằng các phương thức phù hợp.

Trước hết quản lí bằng công nghệ. Đối với tài xế cần quy định bắt buộc cài đặt các ứng dụng công nghệ thông tin như Bluezone NCOVI… để quản lí và truy vết khi tiếp xúc các ca nghi nhiễm. Hằng ngày bắt buộc cá nhân khai báo y tế điện tử thông qua mã QRCode, có thể coi đây như một “giấy phép” về điều kiện an toàn phòng dịch với mỗi shiper.

Về bảo đảm an toàn khi tiếp xúc (giữa shiper với người bán và người mua hàng): Đây là thời điểm nguy cơ cao phát sinh yếu tố lây lan dịch bệnh. Hiện nay người mua, bán và người giao hàng mới chỉ thực hiện khuyến cáo 5K như mọi đối tượng khác. Tuy nhiên, với hoạt động này cần nâng lên một mức cao hơn về an toàn tiếp xúc. Giả sử một người trong chuỗi mua, bán, vận chuyển nhiễm bệnh thì bao gói hàng hóa cũng có thể nhiễm virut trên bề mặt tiếp xúc. Do vậy cần quy định quy trình giao nhận giữa chủ bán hàng với shiper, giữa shiper với người mua khi giao nhận hàng. Mỗi công đoạn cần có biện pháp khử khuẩn bề mặt tiếp xúc với hàng hóa, giữ khoảng cách giữa người giao và người nhận, giao hàng ở nơi thông thoáng (không vào nhà, vào trong khu chung cư, cơ quan, trụ sở…). Bên cạnh đó cũng yêu cầu cả với người mua, người bán và shiper thực hiện thanh toán điện tử, tuyệt đối không dùng phương thức thanh toán tiền mặt.

Đối với shiper cần quy định thời gian định kì test Covid-19 (có thể 3 hoặc 5 ngày tùy theo mức độ giãn cách của chính quyền). Khi đi giao hàng ngoài khẩu trang còn cần yêu cầu shiper đội mũ bảo hiểm có kính chắn, dùng găng tay khi giao nhận. Ngoài thời gian thực hiện việc giao nhận hàng, shiper không được đến các khu vực nguy cơ cao lây nhiễm Covid-19 (như bệnh viện, sử dụng phương tiện giao thông công cộng…) và hạn chế các tiếp xúc xã hội khác. Có thể khái quát lịch trình của họ trong ngày là một điểm xuất phát (nơi ở) và các điểm giao nhận. Hằng ngày mỗi cá nhân ghi rõ nhật trình, địa chỉ đến để cơ quan quản lí có thể truy vết khi tình huống dịch bệnh xảy ra. Ngoài ra cần quy định shiper không được vận chuyển khách (xe ôm).

Biến thể Delta vô cùng nguy hiểm, cực kì dễ lây lan qua đường không khí. Bằng chứng rõ nhất qua vụ nhà thuốc Đức Tâm tại 95 Láng Hạ (Hà Nội), có người chỉ đến mua thuốc một lần, thời gian giao tiếp rất ngắn nhưng đã lây nhiễm Covid-19.

Dù thời gian giãn cách ở mức cao nhất (theo Chỉ thị 16 của Chính phủ) thì nhu cầu mua bán những hàng hóa thiết yếu vẫn diễn ra, dịch vụ của đội ngũ shiper bảo đảm lưu thông dịch vụ là cần thiết. Tuy nhiên việc siết chặt an toàn dịch bệnh với đội ngũ này là việc làm không thể chậm trễ.

(Bài đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 03/8/2021) Đinh Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét