Thứ Năm, 12 tháng 8, 2021

Đề xuất Nhà nước thay đổi chiến lược chống dịch?

 

Công thức lạ liệu có khả thi?

Một đại diện Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng đồng thời là Chủ tịch một tập đoàn xây dựng tại TP Hồ Chí Minh đã gửi công văn tới các lãnh đạo Trung ương và Thành phố đề xuất công thức 7K+3T để thực hiện mục tiêu kép. Theo vị này thì “thông điệp 5K” trong bối cảnh hiện nay là chưa đủ và thụ động; giải pháp “3 tại chỗ” hay “1 cung đường - 2 điểm đến” chưa thể phát huy do doanh nghiệp hạn chế về tài chính, nguồn lực.

Theo đề xuất, khẩu hiệu “Ở nhà là yêu nước” và “Thông điệp 5K” nên thay bằng “7K+3T” trong đó, 7K bao gồm thông điệp 5K thêm 2K “Không khí trong lành - Khỏe mạnh” và 3T là: “Tự phát hiện - Tự cách li - Tự chăm sóc” để duy trì sản xuất bình thường. Cùng với công thức này, ý kiến cho rằng tập trung nguồn lực để tiêm vaccine là đủ, không nên dồn hết nguồn lực cho chống dịch như hiện nay!

Sản xuất 3 tại chỗ tại Bắc Ninh

Không bàn về 2 chữ K bổ sung thông điệp của Bộ Y tế vì nó trừu tượng và quá chung chung mà xin nói về 3 chữ T.

Liệu việc “tự phát hiện” có khả thi? Hiện nay trên thế giới, để phát hiện Covid-19 đều cần xét nghiệm theo hai phương pháp test nhanh (tìm kháng thể kháng virus) và xét nghiệm khẳng định (xét nghiệm sinh học phân tử realtime RT-PCR). Tự phát hiện thì cá nhân chỉ có thể test nhanh, song cũng không thể khẳng định. Và, với việc không giãn cách, phong tỏa thì mỗi người cần test hằng ngày bởi mỗi ngày đều có nguy cơ nhiễm bệnh khi tiếp xúc rộng. Với hàng chục triệu người tự test liên tục (giá khoảng 238.000 đồng/lần) thì nguồn lực lấy từ đâu? Còn khi đã có các dấu hiệu bệnh như mất vị giác, khứu giác… hoặc ho, sốt, đau họng, thì việc “tự phát hiện” lúc này chẳng còn giá trị phòng bệnh cho cộng đồng. Với biến thể Delta thì “tự phát hiện” không bao giờ “đuổi kịp” virus nếu bỏ phong tỏa. Chữ T thứ nhất có thể coi là phá sản, lúc này “tự cách li - tự chăm sóc” sẽ không còn là việc riêng của cá nhân.

Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội nghiêm nên số ca nhiễm Covid-19 đang giảm. Ảnh: TTXVN

Các doanh nghiệp xây dựng có lẽ đang rất sốt ruột bởi sự đình trệ sản xuất của ngành mình. Không riêng gì mảng xây dựng, bất động sản, hầu hết các ngành kinh tế cũng đang gánh chịu hậu quả của dịch bệnh suốt hơn một năm qua, song ta không thể đánh đổi.

Ngay từ đầu năm 2020 khi dịch Covid-19 mới xâm nhập vào nước ta, Thủ tướng Chính phủ khi đó đã khẳng định: “Chính phủ kiên định quan điểm sẵn sàng hi sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất an toàn sức khỏe cho Nhân dân”. Đó cũng là quan điểm và chiến lược chống dịch xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta cho đến nay.

Giải pháp “3 tại chỗ” và “1 cung đường - 2 điểm đến” vẫn là giả pháp tốt nhất trong tình hình hiện nay với doanh nghiệp có điều kiện. Những doanh nghiệp không thể thực hiện được thì buộc tạm dừng sản xuất, vì “bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết” như lời Thủ tướng Phạm Minh Chính luôn nhắc đến.

Nếu thực hiện công thức lạ nêu trên để duy trì sản xuất bình thường thì có thể tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam hiện nay sẽ giống Indonesia hay Malaysia với hàng chục nghìn người nhiễm, hàng nghìn người chết mỗi ngày./.

 Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 12 tháng 08 năm 2021

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét