Thứ Bảy, 7 tháng 8, 2021

Hàng giả đặc biệt

 

 Loại bỏ “hàng giả” trong đội ngũ

           Công cuộc chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại đang được các cơ quan chức năng triển khai quyết liệt, nghiêm minh và đạt nhiều kết qủa.

Song, có một loại giả khác trong đội ngũ công chức, viên chức, đó là giả bằng cấp. Có thể coi những người sử dụng bằng cấp giả là gian lận trình độ giả và cũng giả tạo về nhân cách, đạo đức cần loại bỏ.

Vấn nạn sản xuất, tiêu thụ bằng cấp giả gây bức xúc dư luận nhiều năm qua nhưng kết quả đấu tranh mới chủ yếu ở việc triệt phá, bắt giữ, xử lí những kẻ cung cấp hàng giả. Còn những đồng phạm - người tiêu thụ bằng cấp giả lại chưa được quan tâm đúng mức, chưa quyết liệt để làm sạch đội ngũ.


Liên quan đến vụ “sản xuất bằng giả” của một số lãnh đạo Trường đại học Đông Đô, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố nhóm cựu lãnh đạo này. Trong số 429 văn bằng giả được cấp, có 67 người đã dùng bằng giả để làm nghiên cứu sinh, 2 trường hợp sử dụng để học thạc sĩ, 4 người khai hồ sơ công chức và viên chức, 3 cá nhân thi công chức, thi thăng hạng. Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cũng xác định có nhiều người “mua” bằng là cán bộ, công chức.

Đối với công chức, viên chức thì mục đích của việc làm giả bằng cấp chính là giả tiêu chuẩn quy định. Thứ giả này được dùng trót lọt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho con đường công danh, sự nghiệp, để “thăng quan, tiến chức” của những cá nhân không xứng đáng, một hành vi giả mạo rất nguy hiểm cho xã hội và đất nước.

Ngay từ khi vụ việc tại Trường Đại học Đông Đô bị phát hiện, danh sách những cá nhân “mua bằng” có trong tay các cơ quan thực thi pháp luật thì dư luận đã lên tiếng cần công khai danh tính và xử lí nghiêm như những người dùng “hàng giả”. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa thấy những cái tên cụ thể được đưa ra truy tố trước pháp luật cùng các cựu lãnh đạo Trường Đại học Đông Đô.

Loại “hàng giả” do một tổ chức chính danh “sản xuất”, nếu không bị phát hiện thì những tấm bằng đó sẽ là thật, chỉ có trình độ người dùng là giả, do vậy nó nguy hiểm hơn nhiều những bằng giả “đích thị” bán ngoài chợ trời.

Trong pháp luật hình sự, tội sản xuất, buôn bán và tiêu thụ hàng giả đều có điều khoản xử lí hình sự cả người sản xuất, buôn bán và người tiêu thụ. Tương tự như vậy, việc tiêu thụ hàng giả là bằng cấp, một loại “hàng hóa” đặc biệt cũng cần xử lí nghiêm người sử dụng theo pháp luật hình sự, không thể chỉ xử lí hành chính hay kỉ luật như những vi phạm thông thường. Một vụ việc quá rõ như Trường Đại học Đông Đô nếu không được xử lí nghiêm minh thì vấn nạn sử dụng bằng giả sẽ còn là câu chuyện “dài kì”.

          Những người thiếu nhân cách, yếu kém về trình độ năng lực chui vào đội ngũ, leo cao, đảm nhiệm những vị trí, chức vụ quan trọng sẽ là nguồn gốc của tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tiềm ẩn hiểm họa khôn lường./.

Đinh Hoàng

Bài bình luận đăng Tạp chí Người cao tuổi ngày 7 tháng 08 năm 2021

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét