Dài hay ngắn, hai năm thời 4.0? Trong thời đại toàn cầu hóa, quyền sở hữu trí tuệ (QSHTT) là tài sản giá trị lớn mà bất kì cá nhân, doanh nghiệp hay tổ chức nào cũng muốn nắm giữ, duy trì. Các nước phát triển đặc biệt coi trọng bảo vệ QSHTT. Từ một nước sản xuất nhỏ đi lên, tư duy của đa số người dân và doanh nghiệp Việt từ lâu chưa thực sự quan tâm tới QSHTT. Thực trạng đó đã dẫn tới hệ quả là không ít thương hiệu nổi tiếng trong nước nhanh chóng bị đối tác nước ngoài “nẫng tay trên”. Mất bao năm tháng, công sức, trí tuệ bồi đắp nên giá trị thương hiệu, không ít doanh nghiệp bỗng nhận ra đã mất trắng khi “mang chuông đi đấm nước người”. Tuy nhiên, cũng không thể đổ hết lỗi QSHTT cho cá nhân, doanh nghiệp. Cơ quan quản lí có phần trách nhiệm không nhỏ cho tình trạng cá nhân, doanh nghiệp không mặn mà và sự “thất thoát” giá trị thương hiệu. Thậm chí thể chế pháp luật, quy trình thực hiện cũng đang như những rào cản vô hình trong quá trình xác lập QSHTT. Mới đây, một doanh nghiệp chia sẻ với báo chí việc công ty mình vừa thành công khi đưa sản phẩm nước mắm truyền thống niêm yết được trên sàn thương mại điện tử Amazon. Từ vị trí đứng thứ 2.000, sau một thời gian ngắn đã lên top đầu trên sàn thương mại này với số lượng đơn đặt hàng với tăng trưởng 2.590%. Trung Nguyên từng bị công ty Rice Field đăng kí bảo hộ thương hiệu café Trung Nguyên tại Mỹ và Tổ chức bảo hộ Trí tuệ Thế giới. Để được bán hàng trên sàn Amazon, doanh nghiệp buộc phải có đăng kí sở hữu trí tuệ, có pháp lí thương hiệu minh bạch. Trong khi doanh nghiêp chỉ mất 8 tháng từ đăng kí đến khi được niêm yết trên sàn Amazon thì quy trình đăng kí QSHTT trong nước lại mất 2 năm mới hoàn thành! Một số chủ doanh nghiệp cũng cho rằng, theo Luật Sở hữu trí tuệ, trường hợp đơn đăng kí nhãn hiệu suôn sẻ, không bị yêu cầu điều chỉnh, sửa đổi, từ chối hoặc có ý kiến phản đối từ bên thứ ba, thời gian từ lúc nộp đơn đăng kí đến khi có kết quả cấp văn bằng bảo hộ sẽ không quá 12 tháng. Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam, thời hạn này thường kéo dài hơn 24 tháng. Tháng 11/2019 gạo ST25 của kĩ sư Hồ Quang Cua được trao giải gạo ngon nhất thế giới tại cuộc thi World's Best Rice, do The Rice Trader tổ chức tại Philippines. Vậy mà chỉ đến tháng 10/2020 nó đã bị một doanh nghiệp tại California (Mỹ) nộp đăng kí và đang trong giai đoạn chờ để được bảo hộ tại nước này. Hai năm có thể là thời gian đủ để một cá nhân, doanh nghiệp tạo nên nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm hàng hóa nào đó. Hai năm mới có một tờ chứng nhận QSHTT trong giai đoạn khoa học kĩ thuật phát triển nhanh như vũ bão hiện nay có vẻ như một sự “lệch pha” về tốc độ. Để hỗ trợ, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tỉếp cận QSHTT thì trước tiên pháp luật và quy trình vận hành cần được điều chỉnh. Sự nhiêu khê trong quy trình thủ tục và thời gian kéo dài là một trong các nguyên nhân khiến nhiều người không thiết tha đăng kí QSHTT cho phát kiến, sản phẩm, thương hiệu của mình./. Đinh Hoàng Bài bình luận đăng Tạp
chí Người cao tuổi ngày 10 tháng 07 năm 2021 |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét